Sạt lở nghiêm trọng: Vì sao người dân không chịu di dời - Bài 2: Cần thống nhất phương án
Liên quan đến việc 24 hộ dân nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm tại khu vực chợ Vĩnh Long, đến nay địa phương vẫn chưa thống nhất được phương án di dời, trong khi đó nguy cơ sạt lở đã ở mức báo động…
Nhà bà Vương Kim Muỗi bị nghiêng, triều cường tràn vào nhà.
Trước diễn biến sạt lở tại khu vực chợ Vĩnh Long ngày càng xấu đi, để tránh tình huống xấu nhất, ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long kiên quyết di dời các hộ dân khỏi khu vực sạt lở.
Về điều này, ông Nguyễn Trọng Hòa- giám đốc Ban Quản lí Dự án Đầu tư xây dựng TP Vĩnh Long cho biết: Hiện UBND thành phố có chủ trương nhất quyết là phải di dời dân.
Hiện đã có phương án di dời, nhưng chưa thống nhất cụ thể, vì phải chờ phê duyệt giá đất, hiện thành phố đã trình UBND tỉnh xem xét. Khi có giá đất cụ thể, sẽ công bố cho người dân biết mình sẽ được bồi thường bao nhiêu?
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện UBND TP Vĩnh Long đã chuẩn bị mặt bằng tại trụ sở VNPT cũ (nằm trong khu vực chợ) để làm phương án di dời tạm thời trong lúc thi công kè mới, đồng thời bảo đảm hoạt động kinh doanh của các hộ dân.
Ông Hoà giải thích thêm: Nếu không vướng mắc về việc bàn giao mặt bằng, thì cuối tháng 11/2017 sẽ dời 24 hộ dân này.
Theo thông tin chúng tôi có được, sau khi di dời các hộ dân, UBND tỉnh Vĩnh Long đã chấp nhận chủ trương đầu tư xây dựng tuyến kè mới gần 36 tỷ đồng, hiện cũng đã hoàn thiện hồ sơ đang chờ thẩm định.
Đặc biệt dự kiến tại đây sẽ xây dựng dãy nhà chợ mới trên nền khu vực nhà chợ cũ, sau đó sẽ cho các hộ dân thuê lại để tiếp tục kinh doanh. Tuy nhiên, hiện phương án này đã vấp phải sự phản đối của các hộ dân.
Bà Vương Kim Muỗi, ngụ tại số 13, phường 1, TP Vĩnh Long, một trong số 24 hộ dân bức xúc nói: Gia đình tôi đã nhiều đời sống và buôn bán nơi đây.
Căn nhà này là cuộc sống mưu sinh của chúng tôi. Bây giờ Nhà nước nói thu hồi, có đền bù đi nữa chúng tôi cũng không đồng ý.
Trong khi đó sự cố nghiêng, nứt nhà một phần là do đơn vị thi công kè tạm gây nên. Thứ hai, đây là đất, nhà của tôi giờ thu hồi rồi cho thuê lại, thành ra tôi là người có đất, nhà nhưng lại trở thành người đi thuê lại trên chính mảnh đất của mình.
Cùng ý kiến trên, ông Lê Vĩnh Hiệp, ngụ tại phường 1, TP Vĩnh Long, một tiểu thương tại dãy nhà chợ cho biết: “Vấn đề là nhà chúng tôi không phải tự nhiên mà hư hại, ai sẽ chịu trách nhiệm về hư hỏng nhà cửa của chúng tôi. Không thể đổ lỗi cho thiên tai để ép chúng tôi di dời. Người dân chúng tôi đang rất mong mỏi chờ hướng giải quyết thấu tình đạt lí của cơ quan chức năng, nếu không chúng tôi nhất quyết không di dời”.
Tại buổi họp báo Quý III năm 2017, phóng viên đặt vấn đề về phương án di dời khẩn cấp các hộ dân trước tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, ông Võ Quốc Thanh- phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long cho biết: Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có thông báo về việc di dời khẩn cấp 24 hộ dân tại khu vực chợ Vĩnh Long.
Vấn đề này đã được họp đi họp lại nhiều lần, chúng tôi cũng đã thuê đơn vị tư vấn chuyên sâu khảo sát. Kết quả cho thấy khu vực trên đã hở hàm ếch và đi sâu vào bên trong chợ.
Quan điểm của tỉnh là cương quyết giải quyết vấn đề này, nếu không thì hậu quả sẽ không lường trước được. Do đó trách nhiệm của địa phương cũng nặng nề, không thể vô cảm theo kiểu “ai muốn làm gì làm, ai chết sống gì thì chết”- ông Thanh cho biết thêm.
Giải thích thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Học- chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: Việc ban bố di dời khẩn cấp là do “sợ bất ngờ giữa đêm dãy nhà sụp xuống sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.”
Tình trạng sạt lở có chiều hướng xấu đi, nhưng 24 hộ dân ở khu vực dãy nhà chợ Vĩnh Long vẫn không chịu di dời do chính quyền chưa thống nhất hướng giải quyết những bức xúc mà người dân yêu cầu.
Chính quyền địa phương cần sớm có phương án thống nhất đảm bảo quyền lợi và di dời khẩn cấp các hộ dân tránh tình huống xấu nhất có thể xảy ra.