Đắk Lắk: Kết nối xuất khẩu theo chuỗi các sản phẩm chăn nuôi
Chiều 30/10, tại thành phố Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm “Kết nối xuất khẩu theo chuỗi các sản phẩm chăn nuôi tỉnh Đắk Lắk”.
Quang cảnh Tọa đàm.
Đắk Lắk hiện có hơn 1,1 triệu con gia súc, gần 10 triệu con gia cầm. Tuy nhiên với diện tích đất đai khá lớn hơn 1,3 triệu héc ta, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tương đối thuận lợi thì số lượng vật nuôi này vẫn chưa tương xứng.
Với lợi thế về đất đai, khí hậu, Đắk lắk có tiềm năng rất lớn để phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi theo chuỗi, có truy xuất nguồn gốc và áp dụng công nghệ cao. Đã có nhiều trang trại chăn nuôi heo, gà, bò… có thể hướng tới mô hình xuất khẩu theo chuỗi nếu có sự hợp tác, kết nối.
Phát huy tiềm năng đồng cỏ, tận dụng cỏ dưới tán rừng nhân rộng mô hình trồng cỏ cũng có thể phát triển đàn bò hộ gia đình, đa dạng các hình thức chăn nuôi: bò hướng thịt, bò sữa, bò giống, bò vỗ béo để tạo thêm việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống cho khu dân cư nông nghiệp.
Là một trong những doanh nghiệp thành công trong mô hình liên kết chuối xuất khẩu thịt gà qua thị trường Nhật Bản, sắp tới là thịt heo, ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn (Bình Phước) chia sẻ: “Với lợi thế về khí hậu, tiềm năng về đất đai, Đắk Lắk là tỉnh có nhiều lợi thế trong lĩnh vực phát triển chăn nuôi, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Để đạt được thành công trong chăn nuôi thì chúng ta phải liên kết với nhau mới có thể tiến xa và hình thành nên những sản phẩm chăn nuôi có chất lượng thâm nhập các thị trường thế giới. Hiện chúng tôi đang thực hiện chuỗi liên kết với Công ty Bel Gà (Vương quốc Bỉ) trong việc cung cấp con giống, Tập đoàn De Heus (cung cấp thức ăn), Tập đoàn Hùng Nhơn (tổ chức trang trại chăn nuôi chuẩn, chế biến và giết mổ). Nhờ chuỗi liên kết chặt chẽ này mà sản phẩm của Tập đoàn Hùng Nhơn đã thành công trong việc xuất khẩu thịt gà sạch sang thị trường khó tính như Nhật Bản, sắp tới doanh nghiệp sẽ xuất khẩu thịt heo, trứng các loại gia cầm khác. Mô hình trên có thể nhân rộng, áp dụng cho bà con nuôi heo, bò, gà… ở quy mô tập trung. Đặc biệt việc tuân thủ áp dụng triệt để các tiêu chuẩn của Global Gap và công nghệ truy xuất nguồn gốc trong chăn nuôi sẽ giúp chúng ta giải quyết được khâu thị trường, vừa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch tại thị trường nội địa và xuất khẩu, có như vậy ngành chăn nuôi mới có được những bước phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk cho biết, xây dựng và phát triển nền nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao đã và đang là xu thế trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Với việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần gia tăng giá trị nông sản hướng đến việc phát triển nông nghiệp bền vững. Đắk Lắk là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp trong cơ cấu kinh tế chiếm 45,5%. Chính vì vậy việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sẽ giúp tỉnh Đắk lắk hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, áp dụng công nghệ cao, nhất là các dự án chăn nuôi gà, heo, bò sữa, bò thịt… theo hướng bền vững là rất cần thiết.