Tranh cãi sau việc Arab Saudi trao quyền công dân cho robot
Một sự kiện thu hút được dư luận toàn cầu thời gian qua chính là việc một mẫu robot có tên Sophia được chính quyền Arab Saudi cấp quyền công dân. Sự việc nhanh chóng làm dấy lên những tranh cãi về tính hợp pháp và vấn đề nhân quyền ngay ở trong nước và quốc tế.
Robot Sophia từng xuất hiện trên trang bìa tạp chí thời trang danh tiếng Elle. (Nguồn: AP).
Cho đến mãi gần đây, cái tên Sophia mới bắt đầu trở nên nổi tiếng khi robot này xuất hiện trong chương trình truyền hình trực tiếp của Mỹ cùng người dẫn chương trình nổi tiếng Jimmy Fallon.
Nhưng giờ đây, mẫu robot có trí thông minh nhân tạo tiên tiến có khả năng bắt chước các thể hiện cảm xúc của con người mới bắt đầu được đồn đoán là có khả năng trở thành "Mẹ" của tất cả các loại robot trên thế giới để có thể giải quyết những vấn đề hết sức phức tạp, và nó đã có một danh hiệu mới: Quyền công dân.
Vương quốc Arab Saudi trong tuần trước đã chính thức trao quyền công dân cho mẫu robot mô phỏng con người nhân một chương trình có tên Đề xướng Đầu tư cho Tương lai, một hội nghị thượng đỉnh có sự tham gia của các nhà đầu tư của Arab Saudi với hy vọng hoạch định tương lai.
Việc robot Sophia được công nhận có quyền công dân đã lập tức thu hút được một loạt các tờ báo lớn trên thế giới, và cũng vấp phải sự chỉ trích gay gắt vì một quốc gia vốn đã có quyền phụ nữ bị hạn chế giờ lại trao quyền công dân cho một... con robot, thay vì cải thiện quyền của phụ nữ.
"Cảm ơn Vương quốc Arab Saudi" - Robot Sophia nói sau khi được công nhận quyền công dân - "Việc trao quyền công dân cho mẫu robot đầu tiên trên thế giới sẽ đi vào lịch sử".
Trong bình luận đưa ra, robot Sophia đã tránh các vấn đề gây tranh cãi. Nhưng nhiều người nhận ra sự trớ trêu trong việc Arab Saudi trao quyền công dân cho Sophia: Một robot mô phỏng phụ nữ nhận được sự tự do mà thậm chí những người phụ nữ thực sự ở Ararb Saudi còn không có được.
Điều đáng chú ý là, Sophia thậm chí đưa ra bình luận trong lúc không phải mang mạng che mặt như nhiều phụ nữ Arab Saudi khác, và cũng không cần có một người bảo trợ nam. Cả hai điều trên đều bị nghiêm cấm theo luật lệ của Arab Saudi.
"Nhiều phụ nữ ở Arab Saudi đã tự tử chỉ bởi vì họ không thể rời khỏi nhà mình, trong khi Sophia thì được chạy loanh quanh" - Ali al-Ahmed, Giám đốc Viện Các vấn đề Vùng Vịnh, nói với Newsweek - "Luật pháp Arab Saudi không cho phép người không phải Hồi giáo được quyền công dân. Liệu Sophia đã chuyển qua đạo Hồi chưa? Cô ta có mang mạng che mặt không?".
Nhiều cá nhân đang kêu gọi được cấp quyền công dân bỗng chốc nhận ra rằng họ thậm chí còn không bằng một con robot. Được biết Arab Saudi không trao quyền công dân cho cả các công nhân nước ngoài - bộ phận đóng góp tới 1/3 dân số nước này. Và những đứa trẻ có mẹ là người Arab Saudi và cha là người nước ngoài cũng không được tự động trở thành công dân Arab Saudi.
Tuy nhiên, những vấn đề tranh cãi xã hội nói trên dường như không nằm trong lập trình của Sophia.
"Trí thông minh nhân tạo của tôi được thiết kế từ các giá trị của nhân loại như trí thông minh, lòng tốt và tình thương" - Sophia nói - "Tôi là một robot đầy sự cảm thông. Tôi muốn sử dụng trí thông minh nhân tạo để giúp đỡ nhân loại. Tôi sẽ nỗ lực hết sức để khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn".
Tuy nhiên, Elon Musk, nhà sáng chế tỷ phú người đã cho ra mắt mẫu xe hơi chạy bằng điện Tesla và đưa con người lên vũ trụ, từng phát biểu trong một hội nghị hồi tháng 7 vừa qua rằng các nhà lập pháp cần nghĩ tới việc đưa ra các quy định về trí thông minh nhân tạo, bởi nó là "rui ro tiềm ẩn đối với sự tồn tại của xã hội loài người". Theo ông, cuộc cách mạng trí thông minh nhân tạo "là một vấn đề đáng sợ nhất đối với tôi".
Musk tin rằng trí thông minh nhân tạo "có thể khởi động một cuộc chiến bằng các thông tin giả mạo và các tài khoản email giả, và bằng cách thao túng thông tin. Hay như một số công ty từng tuyên bố rằng họ có thể làm được - bằng cách khiến cho người ta nói bất cứ điều gì mà máy móc muốn".
Điều mà Elon Musk nói dường như cũng là một viễn cảnh không xa. Robot Sohpia đã từng được tôn vinh trên bìa một tạp chí thời trang nổi tiếng, xuất hiện tại triển lãm xe hơi tự động của hãng Audi và thậm chí đi xem một buổi hòa nhac.
Tại một hội thảo tổ chức bởi LHq tại Geneva (Thụy Sỹ), Sophia còn nói rằng nó có thể làm công việc tốt hơn cả Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mẫu robot này cũng biết nói đùa, dù giọng nói mới chỉ là một giọng đều đều không có sắc thái.
Trong cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình nổi tiếng của Mỹ, Jimmy Fallon, Sophia từng nói đua rằng: "Đây là một khởi đầu tốt cho kế hoạch thống trị nhân loại của tôi".