Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Nhà đầu tư ngoại không mặn mà
Trong tổng số 46 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (gọi chung là DNNN), nếu xét về tỷ lệ bán được cho nhà đầu tư nước ngoài thì chỉ có 4/46 tổng công ty có mặt nhà đầu tư ngoại. Đó là một phần báo cáo cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa DNNN được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ciem) tổ chức công bố vào chiều ngày 30-10.
Cần tạo sự gắn kết để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa.
Dàn trải, kém về quản lý
Kết quả nghiên cứu chỉ ra các nguyên nhân chính khiến cổ phần hóa (CPH) DNNN chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế. Trong số những nguyên nhân có việc duy trì quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong một số ngành nghề và lĩnh vực. Ngoài ra việc xác định giá trị DN và giá bán cổ phần tại các DNNN chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và chưa phản ánh đúng giá trị thực của DN cùng với việc thiếu công khai, minh bạch… là những nguyên nhân khiến cho các nhà đầu tư e ngại.
Bên cạnh đó, DNNN cũng kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư do bộc lộ nhiều nhược điểm nội tại như đầu tư dàn trải vào nhiều lĩnh vực, quản trị kém, nợ đọng cao, thiếu năng lực chuyên môn. Cuối cùng, thủ tục cổ phần hóa phức tạp, kéo dài thời gian và nhiều yêu cầu khó khả thi cũng khiến nhiều nhà đầu tư quyết định không tham gia đầu tư vào quá trình này.
Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban cải cách và phát triển DN đưa ra kết quả tổng hợp từ 46 tổng công ty, DNNN trong đó nhà nước nắm giữa 73% vốn điều lệ cho biết: Có 14 DN (chiếm 30,4%) trong phương án CPH không bán cho nhà đầu tư chiến lược; 17 DN (chiếm 37%) bán hết số cổ phần cho cổ đông chiến lược theo tỷ lệ được phê duyệt; 9 DN chiếm tỷ lệ 19,6% không bán được cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược…
Cụ thể Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là Pháp nắm 20% tỷ lệ cổ phần, Nhật Bản nắm 8,77% cổ phần. Tương tự tại Tổng công ty Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, nhà đầu tư nước ngoài nắm lần lượt 4,35% và 11% cổ phần. Thực tế trong số 28.369 tỷ đồng được phê duyệt bán cho nhà đầu tư chiến lược chỉ có 12.762 tỷ đồng đã bán được, đạt chưa đến 1/2 con số được phê duyệt.
Phần lớn tỷ lệ bán cho nhà đầu tư chiến lược được phê duyệt nhỏ và đây được nhìn nhận là một nhân tố làm giảm sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược nói chung và các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nói riêng. Chỉ có 6/46 số các phương án phê duyệt (chiếm 13%) có tỷ lệ bán cho nhà đầu tư chiến lược trên 50%. 5/6 DN đã bán được số cổ phần cho cổ đông chiến lược. Kết quả này cung cấp một bằng chứng cho thấy tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược cao thì sẽ dễ thu hút các nhà đầu tư chiến lược .
Ông Adam Sitkoff, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ cho rằng, trong một thời gian dài các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu DN nhưng trải qua quá trình thẩm định thì chính họ phát hiện ra nhiều vấn đề ở DNNN và làm sụt giảm sự quan tâm. Ngoài ra, do quá trình định giá không chuẩn, nhiều DN đưa ra giá bán 2- 3 triệu đô nhưng chính nhà đầu tư không có căn cứ thông tin để khẳng định rằng mức giá đó đã công bằng hay không. Đó là lý do khiến cho nhà đầu tư ngoại e dè mua lại DNNN.
Cần tạo sự hấp dẫn
Thẳng thắn nhìn nhận, PGS.TS Dương Đăng Huệ đến từ Bộ Tư Pháp chỉ ra, các quan hệ kinh tế không bao giờ tồn tại trần trụi. Một trong những nguyên nhân không thành công trong chặng đường tìm kiếm cổ đông chiến lược cho DN CPH là chúng ta không xác định được vị trí của cơ quan nhà nước. Một DN CPH cần có 1 đề án riêng và phân công con người cụ thể để thực hiện.
Theo kiến nghị của Ciem, để hấp dẫn nhà đầu tư trong quá trình cổ phần hóa DNNN, thời gian tới cần tiếp tục đổi mới, cải thiện quản trị, nâng cao hiệu quả khu vực DNNN. Theo hướng này ngăn chặn những tác động tiêu cực của các mối quan hệ lợi ích đang làm giảm hiệu quả tổng thể của vốn nhà nước trong quá trình sản xuất kinh doanh. Phải kiên quyết khắc phục tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý DNNN móc ngoặc với cán bộ, công chức nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành lợi ích nhóm, sân sau thao túng hoạt động DNNN, trục lợi cá nhân, tham nhũng gây tổn hại cho DNNN.
Ông Phạm Đức Trung khẳng định, cần loại bỏ hỗ trợ trực tiếp cho DNNN trong lĩnh vực cạnh tranh. Đối với việc hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ công ích hoặc cung cấp các dịch vụ phi thương mại, cần áp dụng cơ chế chung đối với mọi thành phần kinh tế trên nguyên tắc minh bạch hóa, tạo sự gắn kết hỗ trợ ngân sách với sự kết quả hoạt động dựa trên các tiêu chí: Mức độ phục vụ người dân, chất lượng dịch vụ, trình độ đổi mới sáng tạo.