Nhà tái định cư

Duy Phương 31/10/2017 10:35

Dư luận những ngày qua dấy lên thông tin dự án nhà tái định cư ở Sài Đồng (Long Biên - Hà Nội) do Công ty cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco3) làm chủ đầu tư đang được chính chủ đầu tư đề nghị phá bỏ. Lý do, sau 10 năm hoàn thành, dự án tái định cư vẫn đang trong cảnh “vườn không nhà trống” vì không có người đến ở. Sự việc giống như kiểu “hợp thức hóa” những phản ứng trước đó của không ít người dân về chất lượng kém của nhà tái định cư; cũng như những nghi ngờ khó giải thích về việc doanh nghi


Khu nhà tái định cư Sài Đồng (Long Biên - Hà Nội) được đề nghị đập bỏ sau một thời gian dài không có người ở.

Dự án nhà tái định cư Sài Đồng (Long Biên - Hà Nội) được triển khai từ năm 2001-2006 do Công ty cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội Hanco3 làm chủ đầu tư dùng để tái định cư tại chỗ khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm trong khu đô thị Sài Đồng. Tuy nhiên, do xảy ra tình trạng khiếu kiện, người dân không nhận nhà nên toàn bộ quỹ nhà này đã bị bỏ hoang từ khi xây dựng đến nay và dự án mở rộng đường phố Sài Đồng cũng nằm im bất động. Và trong 10 năm qua, do không có người ở, 3 tòa nhà với 150 căn hộ trở nên hoang hóa, xuống cấp nghiêm trọng.

Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nhà ở đang vô cùng căng thẳng, nhiều người vẫn đang trong cảnh vô gia cư, mãi không vươn tới được giấc mơ có thể sở hữu một căn hộ nhỏ để “an cư lạc nghiệp” thì 150 căn hộ bị bỏ hoang kia thực sự một sự lãng phí.

Nói về trách nhiệm liên quan đến tình trạng bỏ hoang của dự án này, Sở Xây dựng TP Hà Nội nêu ra quan điểm, có cả trách nhiệm của chủ đầu tư và của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng Hà Nội, đây là dự án có vốn của doanh nghiệp nên trước hết trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư trong triển khai dự án và phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng.

Xem ra, quả bóng trách nhiệm dường như lại bị đá qua đá lại, không đến được đúng chân người trong cuộc. Cần lưu ý rằng, đây không phải là một trường hợp cá biệt của sự lãng phí trong đầu tư xây dựng. Và cũng không phải là trường hợp duy nhất ở ngay giữa thủ đô. Nhiều dự án tái định cư cũng đang lâm cảnh “cô quạnh” không khác gì dự án của Hanco3. Đơn cử như: Khu tái định cư Hoàng Cầu (quận Đống Đa) với 4 tòa nhà cơ bản đã hoàn thiện, tuy nhiên số người dân về ở lại chỉ lác đác, đếm trên đầu ngón tay.

Một dự án tái định cư khác tại phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng) cũng đã nhiều năm đắp chiếu, mặc dù nay đã đưa vào khởi động lại nhưng cũng đang có nguy cơ không ai đến ở. Và không chỉ là các khu tái định cư, hàng loạt các khu biệt thự được đổ vào “tiền tấn” đã bị hoang hóa mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp ở bất cứ đâu quanh nội thành Hà Nội. Nhắc đến những dự án tiền tỷ, tiền tấn đắp vào rồi chỉ để… đắp chiếu, ai nấy không khỏi lạnh gáy, rùng mình. Không phải chúng ta rùng mình vì những dự án khổng lồ lạnh lẽo, vắng người ở, mà rùng mình vì những công trình to lớn lúc đầu được vẽ lên hoành tráng, rầm rộ là vậy, nhưng khi hoàn thành lại im ắng đến ghê người.

Chắc hẳn, dự án tái định cư của Hanco3 10 năm về trước, khi khởi động sẽ phải khai trương rầm rộ, hoành tráng lắm. Nhưng giờ đây thì sao, chủ đầu tư đòi đập bỏ vì không có người dân nào đến ở. Và còn bao nhiêu dự án tiền tỷ cũng đang ở tình cảnh tương tự (?). Nên nhớ là những công trình xây dựng dang dở hoặc hoang hóa đó, có thể là tiền của ngân sách nhà nước, là tiền của nhân dân, cũng có thể là của nhà đầu tư nhưng, tất cả đều là nguồn lực xã hội. Để hoàn thiện được một dự án xây dựng, ngoài tiền đầu tư, còn bao nhiêu mồ hôi, công sức, nước mắt và kể cả xương máu của bao công nhân. Bởi vậy, việc bỏ hoang đắp chiếu, hay đề xuất đập đi của Hanco3 đối với dự án tái định cư ở Sài Đồng… chính là một sự lãng phí nguồn lực xã hội, công sức của dân.

Chưa cần biết số phận của dự án tái định cư tại Sài Đồng sẽ ra sao, song sự việc một lần nữa cho thấy thói “tiêu hoang” lãng phí của doanh nghiệp, vì không phải “của đau con xót”. Bên cạnh đó, là sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để 10 năm một dự án bị hoang hóa, không có người đến ở mà cũng không đưa ra giải pháp xử lý.

Giải tỏa, di dời một số địa điểm trong nội thành để phục vụ yêu cầu chung là điều đã và sẽ diễn ra không chỉ ở Hà Nội mà còn ở nhiều đô thị khác. Tuy nhiên, khi người dân đã chuyển khỏi chỗ ở cũ quen thuộc của mình thì việc bố trí chỗ ở mới hợp tình hợp lý cho họ là việc phải làm. Đã có những bài học về việc tái định cư đối với bà con dân tộc thiểu số khi chuyển khỏi thôn bản cũ; thì nay cũng không nên để lặp lại việc đó với những khu nhà tái định cư đô thị.

Duy Phương