Làm sao để có lợi nhất cho các thầy cô
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khi nói về đãi ngộ dành cho nhà giáo. Hiện Bộ GD&ĐT đang tích cực rà soát, chỉnh sửa những vấn đề bất hợp lý, bổ sung quy định để làm sao vị thế của người giáo viên được đặt đúng chỗ thì mới khuyến khích, động viên các thầy cô.
Cụ thể, số liệu đang được được thống kê nhưng chắc chắn có không ít giáo viên nhận mức lương bất cập sau nhiều năm công tác như trường hợp của cô giáo nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng sau 33 năm dạy trong trường mầm non mà báo chí từng nhắc đến. Bộ trưởng cũng thừa nhận, có một thời rất dài các cô giáo có khởi điểm lương thấp. Chế độ, chính sách cũng chưa bảo đảm trong khi các cô bị áp lực rất lớn. Riêng trường hợp của cô giáo ở trên là một thực tế đau xót, dù Bảo hiểm xã hội trả lời việc trả mức lương hưu như thế không sai nhưng về mặt con người, các thầy, cô hy sinh gần như cả đời, đến lúc về hưu nhận được 1,3 triệu đồng/tháng thì sống sao được?
Bộ trưởng Nhạ cho biết, đang làm việc với Bộ Nội vụ, Tài chính để làm sao đưa vào luật giáo dục vấn đề thang, bảng lương của các thầy cô giáo. Trong đó, theo Nghị quyết Trung ương 29 cũng đã quán triệt chủ trương, thang bảng lương của các thầy cô phải được xếp cao nhất.
Câu chuyện trọng dụng người tài, thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm đã được đặt ra lâu nay nhưng chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Cơ hội việc làm khó khăn, lương thấp khiến nhiều người hy vọng sự khởi sắc của chế độ đãi ngộ dành cho giáo viên được nâng cao sẽ góp phần cải thiện được tình trạng này, từ đó chấm dứt được vấn nạn dạy thêm học thêm với một trong những nguyên nhân xuất phát từ yêu cầu tăng thêm thu nhập của thầy cô giáo.
Hy vọng với sự nỗ lực của ngành giáo dục cũng như những các Bộ, ban ngành, sắp tới đây thang bảng lương nói riêng và vị thế người giáo viên nói chung sẽ được nâng lên xứng tầm để khuyến khích, động viên những người thầy - yếu tố đóng vai trò quyết định sự thành công của đổi mới chương trình phổ thông.