LHQ: Mật độ tập trung khí CO2 toàn cầu cao nhất trong 3 triệu năm qua

Linh Chi 01/11/2017 11:00

Mức độ tập trung lượng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính trên bầu khí quyển trái đất trong năm ngoái đã tăng ở mức kỷ lục, đạt tới mức độ cao chưa từng có trong suốt hơn 3 triệu năm qua; báo cáo mới nhất của LHQ đưa ra lời cảnh báo.

Khí thải bốc lên từ một ống khói nhà máy ở Bottrop, phía Tây nước Đức. (Nguồn: AFP).

Báo cáo mới đã dấy lên hồi chuông báo động trong giới khoa học trên khắp thế giới, khiến họ lên tiếng kêu gọi tất cả các nước đưa ra thêm các biện pháp giảm lượng khí thải ngay trước các vòng đàm phán về biến đổi khí hậu tổ chức tại Bonn, Đức trong thời gian tới.

"Mật độ tập trung trung bình của khí CO2 trên toàn cầu đã đạt tới 403,3 ppm (1 ppm = 1 mg/kg) trong năm 2016, tăng từ mức 400 ppm trong năm 2015 do các hoạt động của con người cùng ảnh hưởng của El Nino" - Theo Bản tin Khí gây hiệu ứng nhà kính, báo cáo thường niên về khí hậu của LHQ.

Sự tăng mật độ tập trung khí thải này xảy ra bất chấp việc tốc độ tăng lượng khí thải trên toàn cầu đã giảm, điều này là do hiện tượng El Nino đã làm tăng cường các đợt hạn hán và làm suy yếu khả năng hấp thụ khí CO2 của nhiều loại thực vật. Khi hành tinh ấm lên, El Nino được dự kiến sẽ xảy ra thường xuyên hơn.

Mức tăng trong mật độ tập trung khí thải CO2 đạt 3,3 ppm cao hơn cả mức tăng 2,3 ppm của 12 tháng trước đó. Mức tăng trung bình thường niên trong suốt 10 năm qua là 2,08 ppm. Mức tăng năm 2016 thậm chí còn vượt qua cả năm 1998 (2,7 ppm) vốn là năm mà trái đất chứng kiến đợt El Nino trầm trọng nhất.

Báo cáo thường niên của LHQ được thực hiện nhờ vào dữ liệu về khí thải thu được từ nhiều con tàu, máy bay và các trạm quan sát.

Báo cáo năm nay chỉ ra rằng lượng CO2 trên bầu khí quyển trái đất hiện đang tăng nhanh gấp 100 lần so với cuối kỷ Băng hà, chủ yếu do dân số nhân loại tăng nhanh, các hoạt động nông nghiệp tăng cường, nạn phá rừng và quá trình công nghiệp hóa.

Lần cuối cùng mà trái đất chứng kiến mật độ tập trung CO2 cao như hiện tại là ở Kỷ Pliocene (cách đây khoảng 3-5 triệu năm), khi mà mực nước biển cao hơn thời điểm hiện tại tới 20 m.

Các tác giả của bản báo cáo trên đã lên tiếng kêu gọi các nhà lập pháp trên toàn thế giới tăng cường các biện pháp giảm sự ấm lên của toàn cầu, cam kết mục tiêu của Hiệp định Paris, giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở con số 1,5 - 2 độ C.

"Nếu không thể cắt giảm khí CO2 cùng các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác một cách nhanh chóng, chúng ta sẽ chứng kiến mức tăng nhiệt độ nguy hiểm vào cuối thế kỷ này, vượt qua mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu" - Ông Petteri Taalas, Giám đốc Tổ chức Khí tượng Thế giới, nói trong một tuyên bố.

Động lực lấy từ thỏa thuận Paris ký kết năm 2015 hiện đang suy giảm do thất bại của một số chính phủ trong việc thực hiện các cam kết của họ.

Trong một bản báo cáo được đưa ra sắp tới, LHQ dự kiến sẽ chỉ ra khoảng cách giữa các mục tiêu quốc tế và mức độ thực hiện cam kết của các nước tham gia.

Ngoài ra, các nỗ lực quốc tế trong việc ngăn chặn tiến trình ấm lên toàn cầu cũng bị suy yếu sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận Paris.

Giáo sư Dave Reay, chuyên gia nghiên cứu kiểm soát lượng khí CO2 thuộc ĐH Edinburg, nhận định: "Chúng ta đều hiểu rằng, khi biến đổi khí hậu gia tăng, khả năng hấp thụ khí thải carbon của đất đai và các đại dương sẽ suy yếu. Vẫn còn thời gian để giảm lượng khí thải này và đặt chúng vào tầm kiểm soát. Nhưng nếu chờ đợi quá lâu, chúng ta sẽ bị đẩy tới một con đường nguy hiểm".

"Những con số không biết nói dối. Chúng ta đang phát thải quá nhiều, và điều này cần phải lập tức được dừng lại" - Giám đốc Cơ quan Môi trường của LHQ, ông Erik Silheim, nói trong báo cáo mới - "Điều mà chúng ta cần bây giờ là sự sẵn sàng của giới chính trị toàn cầu và sự khẩn cấp".

Báo cáo trên được đưa ra trong bối cảnh có nhiều quan ngại rằng khả năng hấp thụ khí CO2 của môi trường tự nhiên đang suy yếu. Các nghiên cứu mới đây nhất cho thấy nhiều khu vực có rừng đã bị san phẳng và giảm nhanh chóng đến mức chúng sản sinh ra nhiều khí CO2 hơn là mức hấp thụ được.

"Mức tăng CO2 này cho thấy điều quan trọng nhất là phải giảm lượng khí thải tới con số 0, nhanh nhất có thể" - Piers Forster, Giám đốc Trung tâm Khí hậu Quốc tế thuộc ĐH Leeds, cho hay - "Nếu như thảm thực vật không còn giúp chúng ta hấp thu lượng khí thải, chúng ta sẽ gặp rắc rối lớn".

Tổ chức Khí tượng Thế giới dự đoán rằng 2017 sẽ một lần nữa bứt phá kỷ lục năm có mật độ tập trung khí CO2 và Methane cao nhất trong lịch sử nhân loại.

Linh Chi