Bộ máy cồng kềnh khó cải cách được tiền lương
Ngày 31/10, bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khi nói về vụ việc đi dạy 37 năm chỉ nhận được lương hưu 1,3 triệu đồng đã đặt vấn đề: Chúng ta có dám hy sinh, cắt giảm biên chế để nâng lương cho người lao động không là vấn đề quyết định.
Ông Bùi Sỹ Lợi (Ảnh: Quang Vinh).
Từ vụ việc của cô giáo Trương Thị Lan ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh sau 37 năm dạy học đã bật khóc khi cầm quyết định nghỉ hưu với mức lương 1,3 triệu đồng/tháng, ông Lợi cho biết đã xem lịch sử tiền lương của cô Lan.
Cô Lan đi dạy 37 năm, nhưng giai đoạn đầu là dạy trong thời kỳ hợp tác xã, cô tự nguyện, không có lương, không có hợp đồng và chỉ tham gia BHXH được 22 năm 8 tháng.
Tiền lương tính bình quân của 22 năm 8 tháng, chia ra được hơn 1,8 triệu, khi nghỉ hưu được hưởng 69%, được chưa đến 1,3 triệu đồng/tháng. Mức lương này được tính đúng với các quy định hiện hành.
Theo ông Lợi, Nghị quyết 2015 của Quốc hội quy định tất cả người lao động tham gia BHXH bắt buộc, khi về hưu, nếu lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì phải bù cho bằng lương cơ sở.
Thế cho nên Nhà nước đã bù thêm cho cô giáo Lan vài chục ngàn đồng nữa mới đủ 1.300.000 đồng. Nguyên nhân đầu tiên là thời gian đóng ít. Thứ hai là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH trên nền rất thấp, chỉ có 1,8 triệu đồng.
Bài toán đặt ra ở đây là nếu chính sách bảo hiểm của chúng ta như thế này thì sẽ không thu hút được người tham gia. Khi về hưu rất thấp, không đủ sống.
Bây giờ hệ thống mầm non của chúng ta đã tốt hơn, lương 5-6 triệu thì lương về hưu 70% cũng là được Vì vậy, cần nâng nền mức đóng BHXH trên tổng lương lương. Tăng thời gian đóng bảo hiểm, nữ là 30 năm, nam là 35 năm để đủ 75% thì mức sẽ cao hơn.
Cũng theo ông Lợi, trên thế giới không có nước nào lương về hưu vượt quá 75% của tiền lương đóng như Việt Nam. Tỷ lệ cao nhưng mức tuyệt đối rất thấp vì mức đóng quá thấp.
Người lao động chủ yếu đóng trên tiền lương tối thiểu vùng, chỉ hơn 3 triệu đồng chứ không trên tổng thu nhập.
Vì vậy, Bộ luật Lao động tại Điều 90 có nói phải đóng trên tiền lương thu nhập để khi về hưu tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cao, tỷ lệ có thấp 1 chút nhưng số tuyệt đối vẫn cao.
Câu chuyện cô giáo Lan đặt ra sự bất cập giữa khu vực công, khi so sánh với một số ngành nghề khác. “Bài toán đặt ra là muốn làm lĩnh vực nào cũng được, phần cứng của anh phải lớn.
Đằng này của mình phần cứng lại nhỏ hơn phần mềm. 17 loại phụ cấp nên có ngành có thâm niên, có ngành không có thâm niên. Cho nên có câu chuyện không bình đẳng.
Về nguyên lý, đặc điểm ngành cứ hưởng cao hơn nhưng khi về hưu thì cấp bậc ngang nhau phải hưởng như nhau.
Tôi được biết tới đây Hội nghị Trung ương 7 sẽ bàn chuyên đề về chính sách tiền lương. Chúng ta cần hiểu rằng lương hưu của người lao động theo nguyên tắc thực đóng thực hưởng, tức là đóng bảo hiểm cao thì về già nhận lương cao.
Nhưng, quan trọng là nguồn ở đâu để cải cách tiền lương. Còn nguồn không có, bộ máy lại cồng kềnh thì làm sao cải cách được”- ông Lợi nói.