Đồ án quy hoạch ga Hà Nội: Lo ngại quá tải hạ tầng đô thị
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản trả lời UBND Hà Nội về Đồ án quy hoạch khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận. Mặc dù đồng tình với việc cần thiết phải lập quy hoạch để xây dựng lại ga Hà Nội, song Bộ này cho rằng, đồ án chưa phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, có thể làm gia tăng mật độ dân cư tại khu vực trung tâm.
Cần có một đồ án khoa học cho ga Hà Nội.
Chưa phù hợp với quy hoạch chung
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đồng tình với Hà Nội về lý do và sự cần thiết phải lập quy hoạch để xây dựng ga Hà Nội và vùng phụ cận một cách thống nhất, đồng bộ, hướng tới Thủ đô văn minh, hiện đại.
Bộ đánh giá Đồ án quy hoạch đã được lập công phu, nghiên cứu chi tiết, giải quyết hệ thống giao thông trong khu vực bằng các giải pháp, kết nối với giao thông đô thị, đặc biệt là nối Đông - Tây ga Hà Nội.
Bộ Giao thông cũng thống nhất với việc bảo tồn nhà ga Hà Nội hiện tại và bổ sung công năng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng, Hà Nội đang quá tải về hạ tầng đô thị khi dân cư ngày càng tăng. Đồ án nêu chỉ tiêu quy hoạch đất dành cho giao thông khoảng 25% mà chưa chỉ ra nhu cầu đi lại của người dân tăng hay giảm; chưa tính toán kỹ lưỡng khách ra vào khu vực đầu mối, các khu thương mại tập trung tại đây.
Mặt khác, Đồ án chưa phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô như gia tăng mật độ dân cư tại khu vực trung tâm, quy hoạch tuyến đường Trần Hưng Đạo...
Bộ đề nghị Hà Nội báo cáo Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo, đảm bảo đồng bộ giữa các đồ án quy hoạch.
TP Hà Nội cũng cần rà soát kỹ khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải khi dân số theo đồ án tăng 120% so với hiện tại và tăng 220% so với quy hoạch đã có; bổ sung các chỉ tiêu dự báo nhu cầu vận tải, rà soát giải pháp để giảm ùn tắc trong khu vực xây dựng quy hoạch, các bước triển khai.
Về đề xuất xây công trình cao tầng tại khu vực ga, Bộ đề nghị nghiên cứu kỹ không gian giữa tuyến đường với chiều cao tòa nhà và không gian sử dụng đất, nhất là công trình cao tầng, để đảm bảo hài hòa với cảnh quan kiến trúc của nhà ga Hà Nội hiện tại cũng như các công trình mới.
Cần có giải pháp về vốn và giao thông
Bộ cũng góp ý bản Đồ án cần nghiên cứu bổ sung các công năng phục vụ cho tàu tốc độ cao, tàu đô thị và tàu của đường sắt quốc gia để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch.
Cùng với đó, các trục giao thông kết nối Đông - Tây, kéo dài đường Nguyễn Du, Lý Thường Kiệt cần có cơ chế tổ chức giao thông cụ thể của các phương thức vận tải; bố trí bãi đỗ và hệ thống giao thông công cộng đảm bảo hợp lý.
Bộ Giao thông còn đề nghị Hà Nội làm rõ các nguồn vốn thực hiện, theo hướng vốn ngân sách trung ương chỉ đầu tư công trình đường sắt quốc gia; các công trình, hạng mục còn lại từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác.
Trước đó, UBND Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan đối với đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận trên tổng diện tích quy hoạch khoảng 98 ha với tổng dân số dự kiến 44.000 người. Trong đó, tái định cư tại chỗ cho dân số hiện trạng khoảng 40.300 người.
Đáng chú ý, quy hoạch phân vùng không gian chức năng gồm: Khu văn hoá thấp tầng, các khu tài chính, khu kiến trúc cao khoảng 40-70 tầng bố trí ở phía bắc khu đất lập quy hoạch; khu truyền thông cao khoảng 40-70 tầng và khu công viên ở phía đông.
Theo đó, khu thương mại quốc tế; khu lối sống mới cao khoảng 40-60 tầng ở phía Tây Nam khu đất lập quy hoạch. Khu nghỉ dưỡng đô thị 40-60 tầng; khu ga đường sắt 40-70 tầng tại khu vực trung tâm của khu quy hoạch.
Theo khái toán tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 23.800 tỷ đồng. Ngay sau khi Đồ án được công bố và xin ý kiến bộ, ngành liên quan đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về Đồ án này.
Hầu hết các chuyên gia kiến trúc đều cho rằng, việc đề xuất xây dựng công trình cao từ 40 - 70 tầng được xem là đi ngược với Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử đã được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký ban hành tháng 4/2016.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đề xuất xây dựng cao ốc lên tới 40-70 tầng là phản cảm và càng gây ra nguy cơ tắc nghẽn giao thông, điều này đi ngược với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông của Hà Nội hiện nay. Bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng, dự án có nhiều yếu tố bất cập, có động cơ mang lại lợi ích chỉ riêng cho một nhóm người.