Hoàng Minh Trí (tức Cu Trí): Đàn ông trưởng thành

Cẩm Thúy (thực hiện) 03/11/2017 09:05

Hoàng Minh Trí là phóng viên của báo Công an Nhân dân, nhưng đối với cộng đồng mạng anh nổi tiếng với trang facebook cá nhân mang tên Cu Trí. Như anh tự nhận mình là một trong số không nhiều lắm những người tham gia mạng xã hội ở Việt Nam có thể sản xuất ra nội dung (content) trong mỗi status. Còn tôi nhận ra ngay cả giữa những người cùng “tổ” với anh - những người tạo ra nội dung, có khả năng tạo ra và dẫn dắt dư luận, có lượng người theo dõi (follow) rất lớn – thì Cu Trí cũng có sự khác biệt r

Điều bất ngờ là người viết rất ăn khách trên mạng, rồi từ mạng đã in thành tập sách thứ 2 bán rất chạy ấy, lại từng có một tuổi mới lớn “hấp thụ tất cả những tệ nạn xấu xa nhất của phố chợ Đồng Xuân” nơi gia đình anh ở. Trí thoát khỏi những hố thẳm cuộc đời, bắt đầu nghiệp viết bằng việc tập viết một mẩu tin trên báo. Một nhà báo bậc đàn anh trong làng báo mà Trí chịu ơn như “người sinh ra lần nữa” nói rằng: Trí là minh chứng cho việc viết là việc có thể học được và thậm chí còn trở thành nổi tiếng.

PV: Ở cuốn sách thứ 2 vừa mới phát hành “Đàn ông trưởng thành không vô tâm” (nói thật tôi hơi chê cái titre), tôi đã nhìn thấy một Cu Trí khác với giai đoạn của “Cuộc đời tròn hay méo”, ngay cả các bài viết anh chia sẻ trên trang cá nhân gần đây, cũng khác trước. Đó liệu có phải là dấu hiệu của một người đàn ông trưởng thành?

Cu Trí: Đúng vậy. Đã không còn sự nghịch ngợm, sự “nhố nhăng” của tôi ngày trước nữa. Cuốn sách thứ 2 này thiên về những tự sự gia đình nhiều hơn. Nó gói gọn trong những câu chuyện về quan hệ trong gia đình nhiều hơn. Phần lớn trong ấy là tập hợp những bài tôi viết cho một số tờ báo và tạp chí.

Xu hướng viết facebook của tôi cũng đã khác với trước nhiều. Bây giờ mỗi ngày giở mạng ra ta bắt gặp đầy rẫy những cảm xúc tiêu cực. Chuyện thị phi trên mạng bây giờ rất nhiều. Cảm xúc của người dùng mạng tiêu cực nhiều quá. Nói chung là bức xúc trên facebook rất nhiều. Người ta lên mạng xã hội để chửi bới. Nên tôi thấy mình cần điều chỉnh. Tôi thấy mình nên viết chia sẻ cảm xúc về những điều đẹp đẽ.

Anh không sợ khi không “gãi” đúng tâm lý đám đông, sẽ ít like và comment?

- Thực ra những người sử dụng mạng xã hội có thể sản xuất ra nội dung ở Việt Nam hiện nay không nhiều. Tôi là một trong những người viết ra nội dung. Mặc dù có thể rất nhiều người có sự tương tác trên mạng lớn hơn tôi nhiều. Nhưng cái họ viết ra nó mang tính cá nhân nhiều hơn, để người đọc biết họ là ai. Tôi không phải là một người nổi tiếng. Tôi chỉ là người sản xuất ra một nội dung. Và những nội dung ấy không mang tính cá nhân mà đóng góp cho cộng đồng. Cả nhóm chúng tôi đều có xu hướng ấy, đều mong muốn đóng góp vào trong biển thông tin hỗn loạn như thế những điều tử tế một chút, có tính nhìn lại.

Bây giờ trên mạng người ta mạt sát nhau nhiều quá, phản biện bằng cách mạt sát cá nhân. Tôi có một quan niệm khác, trong cuộc sống tôi nghĩ ai cũng có mặt không tốt trong con người, chuyện lên mạng mạt sát chửi bới cá nhân ai đó (cho dù họ có lỗi thật, có tội thật) cũng không làm cho cuộc sống tốt hơn. Bởi vậy, thay vì chửi bới chúng ta bình tĩnh ngồi nhìn lại, viết ra những điều tử tế, chia sẻ với nhau cảm xúc. Bản thân cuộc sống thời hiện đại đã bị số hóa rồi mà còn tiếp tục làm thứ công nghiệp chửi bới, thì nó càng làm cho cuộc sống đáng chán nản hơn. Trong khi đáng lẽ những người viết mạng xã hội phải làm việc của mình là tạo ra những nội dung có ích cho cộng đồng thay vào sa đà chửi bới cá nhân. Nhóm bọn tôi đang cố gắng như vậy.

Không, tôi nhìn thấy điều ấy trên trang của anh, nhưng xin cho tôi nói thật lòng, tôi không nhìn thấy điều ấy trên trang của một vài người mà anh đang bảo là “nhóm” của anh. Tôi thấy một số họ toàn viết nội dung bằng cách chửi bậy, mạt sát cá nhân người này người kia dưới cách diễn đạt rất hàng tôm hàng cá và nói chung là khó tả lắm?

- Đúng là trong nhóm cũng có người hay lội ngược dòng. Có người tần xuất chửi bậy hơi cao (cười). Ở những người chọn cách thể hiện bằng cách viết xuồng sã thì họ cũng chọn được lượng follow như thế, comment toàn chửi bậy, độc giả cũng thấp cấp. Khi anh gieo ra một câu chửi thì nó chỉ làm thỏa mãn cơn khát chửi của xã hội thôi.

Bởi vì tôi nghĩ thế này, trước khi các anh trở thành một hot facebooker thì các anh là một ông bố đã. Viết ra bất cứ điều gì các anh có hình dung ra trước hết là con cái mình đọc đã?

- Đúng là như thế, tôi rất ý thức về điều ấy bởi vì cả họ nhà tôi dùng facebook mà. Bà nội tôi, bố vợ tôi, cô ruột tôi… rất nhiều người họ hàng quen biết đều dùng facebook và đọc trang của tôi. Đâm ra tôi luôn luôn ý thức mình viết gì sẽ có cả những người thân của mình đọc nữa. Tất nhiên vì đó là môi trường mạng xã hội nên mình cũng rất thoải mái, không phải vì thế mà viết gượng ép. Nhưng không phải ai cũng thường trực ý thức là họ hàng, vợ con mình cũng đọc.

Bản thân facebook như một cuốn sổ nhật ký của cuộc đời con người. Có nhiều công ty bây giờ khi tuyển dụng họ còn yêu cầu đưa facebook cho họ xem, bởi vì ở đó quan điểm về cuộc sống được thể hiện rất rõ nét, nó như một tấm gương phản chiếu tính cách, nhân cách con người.

Thậm chí facebook bây giờ còn là chỗ kiếm tiền ý chứ. Tôi thấy anh có khá nhiều bài viết quảng cáo?

- Đây là một cái rất hay của mạng xã hội hiện giờ. Có những người làm báo thậm chí thu nhập từ facebook còn cao hơn thu nhập từ tòa soạn. Và nó là cái phần trả công xứng đáng cho việc anh tạo ra nội dung để phục vụ cộng đồng miễn phí. Còn những bài viết liên quan đến quảng cáo mọi người có thể thích thì đọc không đọc không sao cả. Nó là động lực để cho anh phải viết tử tế hơn. Bởi vì viết facebook không phải chỉ để chơi mà liên quan đến kinh tế. Khi viết facebook cũng là chỗ kiếm tiền thì không thể bạ gì cũng viết, chửi văng chí mạng, hoặc đưa ra những phát ngôn gây tổn hại đến người khác được.

Chỗ này cũng có 2 mặt, những “hợp đồng” có tính chất quảng cáo sản phẩm thì không phải bàn, nhưng còn tình trạng chúng ta rất dễ để nhận ra dấu hiệu “ăn tiền” của doanh nghiệp này để “mạt sát” doanh nghiệp khác, hoặc tệ hơn là có dấu hiệu “phe phái” khi hàng loạt trang cá nhân tập trung vào “đánh” một cá nhân nào đó?

- Quan điểm của tôi là chỉ khen chứ không dìm ai xuống. Nếu có hợp đồng quảng cáo cho sản phẩm nào đó, tôi chỉ làm việc khen họ chứ không bao giờ nhận lời viết chửi lại đối thủ cạnh tranh của họ. Tình trạng các doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội triệt tiêu lẫn nhau, họ sử dụng cộng đồng mạng để dìm lẫn nhau, cái đó tôi nghĩ là nó ác. Vì đằng sau mỗi doanh nghiệp là bao nhiêu con người. Tôi biết đang có tình trạng đó, nhưng tôi không bao giờ tham gia vào việc đó.

Trở lại với cuốn sách mới xuất bản của anh. Tôi thấy anh luôn luôn trăn trở với việc đề cao yếu tố gia đình, chăm lo cho những đứa trẻ được phát triển lành mạnh về mặt tinh thần và được yêu đương đúng cách, trong hầu hết các bài viết?

- Quan điểm này của tôi rất rõ nét. Trong cuốn sách này bao gồm cả những câu chuyện cũ của tôi trong quá khứ. Bây giờ thời đại thay đổi – thời đại công nghệ, các rãnh chảy của trẻ con, các mạch sống của trẻ con bị phụ thuộc vào người lớn quá nhiều, bởi sự kỳ vọng và sức ép của người lớn làm cho những đứa trẻ càng ngày càng bị mất đi tuổi thơ của nó. Nó không giống với tuổi thơ của tôi và của chị. Bây giờ sự quan tâm của người lớn đối với trẻ em nó nặng về vật chất, ví dụ có thể mua cho con đồ chơi, mua cho con ipad… nhưng ít nói chuyện, tâm sự với con hàng ngày. Rào cản cuộc sống khiến quan hệ cha mẹ với con cái bây giờ tựa vào nhau mà không hiểu nhau. Thế hệ trẻ con như tôi ngày xưa bây giờ nhớ là những ký ức tốt đẹp nhất mình được hưởng từ cha mẹ, những ký ức của những cuộc đi chơi về quê nó thú vị lắm. Mọi người đang được chứng kiến cái rãnh chảy của trẻ con, chặng tuổi thơ của trẻ con đi qua rất là nhanh, nếu chúng ta không nhận thức được thì chúng ta đã để vuột đi mất cơ hội hạnh phúc của chúng ta và cơ hội tạo ra ký ức hạnh phúc cho con cái.

Nhưng mà thời đại khác không thể nào cứ đem những giá trị của ngày xưa ra được. Ví dụ như bây giờ không thể thả cho trẻ em đi chơi ngoài đường phố được nữa?

- Đúng là trẻ em đang có một tuổi thơ không được tung tăng trên phố vì ra đường là nguy hiểm, lựa chọn bạn bè cũng khó. Đôi khi trong những khung cảnh sang trọng, các phụ huynh chơi với nhau và bắt các con chơi với nhau, nó không có cơ hội để chơi với bạn thân nó. Bởi vì bố mẹ bạn thân có khi lại không chơi với bố mẹ nó nên nó không có cơ hội đến nhà nhau. Trong khi chúng ta ngày xưa đã từng có sự lựa chọn bạn bè rất thoải mái. Cuộc sống thị dân đang thay đổi. Cuộc sống của trẻ thơ ngày nay rất đáng thương.

Đó là lý do để anh viết rất nhiều về câu chuyện này. Tôi thấy nó giống như một ám ảnh?

- Tôi cố gắng viết và truyền tải thông điệp để cho mọi người giật mình nhận ra. Ví dụ có chuyện tôi viết “Con nào là của cha” nói về cái chuyện các ông bố đặt nặng vấn đề con trai, những đứa con gái vẫn bị coi là “ra dìa”, khi tôi viết ra thì có nhiều người nhắn tin cảm ơn vì họ từng mắc phải tâm trạng ấy.

Tôi có một tuổi thơ rất phức tạp. Tôi ở gần phố chợ Đồng Xuân – cái chợ lớn nhất thời ấy. Tôi hấp thụ tất cả những thứ hư hỏng nhất của xã hội ở vào thời điểm những năm 1990 khi cơn bão ma túy về, tệ nạn gì cũng có quanh phố chợ của tôi. Nhưng cũng chính điều ấy đã tích lũy cho tôi khá nhiều vốn sống. Tôi vẫn nhớ mình luôn luôn đi chân hai hàng, gia đình tôi rất tử tế, ở trong nhà tôi hoàn toàn là đứa trẻ ngoan ngoãn nhưng cứ bước chân ra khỏi cửa là tôi được anh em bạn bè rủ rê đủ thứ. Chỉ có một điều tôi khác nhiều bạn bè phố chợ lúc ấy là hễ việc gì mà ác thì tôi không làm theo, ví dụ cầm dao chém người thì tôi không bao giờ làm, vì luôn nghĩ đằng sau họ là một người mẹ. Mặc dù tôi đánh nhau rất giỏi, tham gia rất nhiều cuộc đánh nhau. Tôi có 2 mặt trong một con người suốt thời mới lớn, về đến nhà vẫn là đứa con ngoan, vẫn đi học, thậm chí vẫn vào đại học nhưng ở bên ngoài tôi giao du với đám bạn giang hồ. Cũng nhờ những năm tháng ấy tôi tích lũy được vốn sống của một hiện thực xã hội bên dưới, có thể gọi là của tầng lớp dưới đáy xã hội. Đó cũng là lý do để sau này khi viết tôi chọn lối văn phong viết rất đơn giản, phù hợp với những con người bình dân trong xã hội.

Viết mạng xã hội, tất nhiên tôi không chiều theo đám đông, nhưng tôi đọc rất nhiều để có được cách viết hiệu quả, phù hợp với đám đông. Vẫn là mình, nhưng biết điều tiết theo xu hướng mà nhiều người thích.

Và bây giờ anh đang làm gì với con trai?

- Con trai tôi học lớp 4, vợ chồng tôi đang chuẩn bị đón đứa con thứ 2 chào đời. Đối với cậu con trai lớn, tôi cố gắng để lựa theo hướng mình thấy là đứng đắn còn nó thì thấy vui. Cố gắng lớn nhất của tôi là dành nhiều thời gian cho con.

Có khi nào anh dự định sẽ viết một cuốn tiểu thuyết về một tuổi thơ phức tạp, ngồn ngộn chất liệu không?

- Tiểu thuyết thì tôi đang bắt tay vào viết. Thực ra khi bắt tay vào thì thấy khá loay hoay do viết tiểu thuyết thì nó rất khó. Tôi vẫn đang học hỏi các nhà văn để hình thành kết cấu một cuốn tiểu thuyết, hình thành các tuyến nhân vật. Nhưng các chi tiết của cuốn tiểu thuyết, chất liệu thì tôi đang rất giàu có. Trong những người bạn của tôi rất nhiều người đã bị xử tử hình, nhiều người còn đang ở trong tù, tôi đã trải qua một tuổi thơ cùng với họ. Tôi muốn viết để đưa ra một góc nhìn giúp mọi người hiểu hơn về tâm lý con người, thế giới của những người dưới đáy xã hội, những người mà có khi chỉ vì một chút xô đẩy của cuộc đời họ thành kẻ phạm tội, những người bạn phố chợ của tuổi thơ tôi ngây thơ như tôi thế mà chỉ sau 5 năm, 10 năm đã trở thành trộm cướp, tù tội. Có một người bạn tôi bị xử tù chung thân, mẹ nó với mẹ tôi là bạn thân của nhau. Mẹ nó đã chấp nhận đi vào tù cùng với con chỉ vì thằng ấy nó bị dị ứng nước, bà mẹ chấp nhận xin vào ở trong trại chỉ để hàng ngày đi gánh nước về cho con, vì nó không sử dụng được nước giếng. Đó là những chất liệu cho tiểu thuyết.

Ở cuốn tiểu thuyết này có giống với cuốn tự truyện về một Cu Trí không?

- Tôi không có ý định viết tự truyện về mình, dù trong 2 cuốn sách đã xuất bản, dù viết ngắn cũng đã thấp thoáng cuộc đời mình ở một số chi tiết nào đó. Trong cuốn tiểu thuyết tôi đang lưỡng lự lựa chọn tôi hay là một người bạn tôi sẽ là nhân vật chính đi xuyên suốt cuốn tiểu thuyết. Nhưng chắc chắn tôi sẽ là một trong những nhân vật, vì tôi đã được chứng kiến tất cả cuộc sống, sự thay đổi của khu phố ấy, cả sự ra đi của những cậu bé ấy, những kiếp con người ấy. Tôi làm ở báo Công an tiếp xúc nhiều với tội phạm mình thấy những trạng thái, ứng xử giữa con người với con người đôi khi đẩy con người vào con đường phạm tội. Ở khu phố tôi chẳng hạn, có những đứa bạn tiền án tiền sự mà khi về phố vẫn ngoan ngoãn, lễ phép với cả bà hàng nước, không bao giờ ăn cắp ăn trộm ở trong khu phố, phố chợ mà để xe thoải mái không mất. Đấy là cái phần thiện trong con người, họ cũng muốn quay về bản ngã của họ, nơi họ lớn lên, rất thân thương.

Xu hướng của mạng xã hội bây giờ thích đọc ngắn, tới mức các nhà văn những năm qua cũng phải chiều lòng độc giả đi viết tản văn. Anh lại đang làm ngược lại, nổi tiếng bằng các bài viết ngắn trên mạng rồi mới xông vào địa hạt văn chương.

- Tôi cũng ghét đọc ngắn, tôi cũng không thích độc giả phải đọc ngắn. Chị nói đúng, ví dụ như nhà văn Nguyễn Việt Hà mà tôi rất yêu quí những năm qua cũng phải quay qua viết tản văn. Nhưng họ, ngay cả khi viết ngắn, cũng rất đặc sắc như “Con giai phố cổ” chẳng hạn.

Anh nhìn thấy điều gì từ xu hướng thích đọc ngắn của cộng đồng mạng?

- Xu hướng của mạng xã hội bây giờ mọi người thích đọc ngắn và họ thích chửi và nghe người khác chửi. Nhưng nó không sâu, việc gì hot đến mấy cũng chỉ chửi 2 ngày là hết. Không có sự kiện nào tồn tại quá 48 tiếng nếu không có người nào đó đứng sau “bơm” tiền vào cho nó tiếp tục sống. Nhưng vụ chửi dai hơn bình thường tôi nghĩ đều có ai đó đứng sau hà hơi cho nó, để đẩy cho nó nóng lên. Ví dụ tội ấu dâm chẳng hạn nó sẽ “chìm xuồng” ngay bởi vì không ai trả tiền cho nó sống tiếp mặc dù tội lỗi đó là kinh khủng.

Tạo ra cho mọi người một phản xạ rất tệ là phản xạ chửi, hơi một tí là chửi, hơi tí bức xúc là lên mạng chửi, lúc nào cũng lăm lăm quay clip để lên mạng tố cáo chửi bới.

Như vậy nếu bây giờ đưa ra đánh giá, thì xu hướng con người hướng tới sự tử tế có còn lấn át được không?

- Thực ra tôi đã thử, ví dụ tôi viết một câu chuyện tử tế đưa lên một group như otofun chẳng hạn, tôi đã nhận được lượng like và comment lớn hơn các “tút” chửi bới rất nhiều. Ví dụ vừa rồi tôi đưa hình ảnh anh Dương – người lính duy nhất còn sống sót trong vụ máy bay quân sự rơi ở Hòa Lạc lên otofun, nó đã đạt được kỷ lục là hơn 30 ngàn like và mấy ngàn comment, thỉnh thoảng tôi lại nhắc với mọi người về những câu chuyện tử tế trong xã hội, chứng tỏ điều tốt vẫn có tính lan tỏa chứ không phải chỉ những clip đánh ghen, lột truồng mới có nhiều người xem. Những câu chuyện tốt nếu biết cách kể vẫn hoàn toàn có thể nhận được sự đồng cảm của cộng đồng.

Một số bạn bè chúng tôi đã gặp nhau, ngồi với nhau nghĩ xem làm thế nào viết ra những chuyện tử tế, thậm chí có những tập đoàn lớn đã đồng ý giúp chúng tôi kinh phí để viết về những người tốt việt tốt. Đó là cuộc chiến bền bỉ, không phải nhất thời được.

Xin cảm ơn anh!

Cẩm Thúy (thực hiện)