Cần Thơ chung sức giúp nông dân thoát nghèo bền vững

Ngọc Thiện 02/11/2017 09:10

Nhiều chương trình, mô hình giảm nghèo hiệu quả và bền vững giúp các hộ trên địa bàn TP Cần Thơ vươn lên thoát nghèo, thu nhập được từng bước được nâng cao, ổn định cuộc sống.

Nhiều mô hình giảm nghèo đạt hiệu quả cao giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Lấy hộ nghèo làm trung tâm

Bằng các chương trình, phương pháp cụ thể như: hỗ trợ các hộ nghèo về vốn từ nguồn tín dụng ưu đãi; hướng dẫn kỹ thuật nuôi, trồng, xây dựng các mô hình hợp tác…các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ đã chủ động đổi mới phương thức thực hiện chính sách giảm nghèo, trong đó lấy hộ nghèo làm trung tâm.

Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, hiện toàn thành phố có 2.397 hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận vay từ các nguồn vốn hỗ trợ, tham gia các dự án với tổng kinh phí thực hiện hơn 25,3 tỷ đồng, qua đó tạo việc làm cho 3.311 lao động.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2017, ngành LĐTB&XH thành phố đã cấp 39.954 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo, 36.527 thẻ BHYT cho người cận nghèo, tổng kinh phí thực hiện 51.208 triệu đồng.

Nhiều dự án, mô hình giảm nghèo được triển khai nhân rộng đạt hiệu quả cao, đã tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

Từ nguồn hỗ trợ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và được Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ hướng dẫn kỹ thuật mà gia đình anh Nguyễn Thanh Liêm, ngụ tại xã Thới Xuân (huyện Cờ Đỏ) trở thành gương điển hình thoát nghèo bền vững.

Anh Liêm tâm sự: “Với đàn heo gần 30 con chuẩn bị xuất chuồng và 5 con heo nái cùng đàn gà, vịt mấy chục con, gia đình tôi không còn lo cảnh “đứt bữa” như trước đây”.

Anh Liêm nhớ lại: Giữa năm 2015, nhờ sự giới thiệu của đoàn thể và chính quyền xã, tôi được tham dự lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, rồi được vay 40 triệu đồng để đầu tư nuôi heo.
Nhờ được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi nên lãi mẹ, đẻ lãi con cuộc sống dư giả, gia đình tôi đã thực sự thoát nghèo”.

Qua thống kê của các địa phương, một số mô hình thoát nghèo đã mang lại hiệu quả cao tại Cần Thơ đang được nhân rộng như: nuôi lươn, nuôi cá lóc (huyện Cờ Đỏ).

Nuôi bò, sản xuất lúa chất lượng cao (huyện Vĩnh Thạnh). Trồng chanh không hạt, trồng sầu riêng, trồng dâu, đan sọt trồng hoa kiểng (huyện Phong Điền). Nuôi trăn, trồng thanh long (huyện Thới Lai). Trồng chuối cấy mô, trồng nấm rơm, đan dây nhựa, may gia công, trồng cam xoàn, trồng mè (quận Ô Môn). Đan lục bình, trồng rau xanh an toàn (quận Thốt Nốt). Dệt chiếu, trồng mít (quận Cái Răng). Trồng hoa kiểng (quận Bình Thủy). Câu lạc bộ làm bánh dân gian (quận Ninh Kiều)…

Hiệu quả từ các mô hình này đánh dấu cho bước thành công đáng kể trong kế hoạch giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao đời sống cho người dân và khai thác hiệu quả nguồn lực nội tại của địa phương trong phát triển kinh tế xã hội.

Nhân rộng và đẩy mạnh hỗ trợ các mô hình giảm nghèo hiệu quả

Bà Trần Thị Xuân Mai- Giám đốc Sở LĐTBXH Cần Thơ, cho biết: Để tiếp tục hoàn thành mục tiêu giảm nghèo toàn diện và bền vững, thời gian qua Sở LĐTBXH tích cực triển khai nhân rộng và đẩy mạnh hỗ trợ các mô hình giảm nghèo hiệu quả, đặc biệt là các nhóm hộ, tổ hợp tác để cùng giúp nhau hỗ trợ phát triển sản xuất ở cộng đồng dân cư cùng giúp nhau về giống, vốn, kỹ thuật…

Bà Trần Thị Xuân Mai- Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Cần Thơ.

Đặc biệt luôn triển khai, xây dựng phương án lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Hiện thành phố đã giải ngân các nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho 16.330 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vay để phát triển sản xuất, tăng thu nhập; lồng ghép hỗ trợ 180 người nghèo, cận nghèo học nghề, tập huấn các chương trình, dự án khuyến nông, lâm, ngư; nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững, giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Đồng thời, vận động xã hội hóa xây dựng thêm 462 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở; thực hiện đầy đủ chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, tiền ăn trưa cho học sinh nghèo cũng như trợ giúp đối tượng bảo trợ ngoài cộng đồng và nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

Bà Trần Thị Xuân Mai chia sẻ thêm: Thời gian tới, ngành LĐTB&XH Cần Thơ tiếp tục thực hiện nhiều chương trình đột phá trong Phong trào “Phát huy nguồn lực, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững”, triển khai rà soát danh sách hộ nghèo để hỗ trợ kịp thời, đồng thời chủ động tuyên truyền người dân xây dựng những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, phối hợp với cấp, ngành liên quan giúp người nghèo ổn định cuộc sống…

Ngọc Thiện