Nghịch lý bảo hiểm tiền gửi
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng tiếp tục đưa ra nội dung hỗ trợ chi trả tiền gửi mức 75 triệu đồng/cá nhân khi ngân hàng phá sản và áp dụng đều cho mọi khoản tiền gửi. Phần lớn ý kiến cho rằng, đây là mức bảo hiểm quá thấp.
Bảo hiểm tiền gửi hiện nay được cho là quá thấp.
Cần cơ chế riêng
Theo dự Luật hạn mức bảo hiểm tiền gửi tối đa dành cho các tổ chức, cá nhân khi gửi tiền vào ngân hàng (NH) thương mại trong trường hợp NH phá sản sẽ được bảo hiểm tiền gửi chi trả tối đa là 75 triệu đồng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu đánh đồng hạn mức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) sẽ khiến những NH nhỏ không thu hút được khách hàng do e ngại rủi ro. Như vậy, người gửi tiền chỉ chọn những NH lớn, điều này khiến NH nhỏ sẽ càng gặp khó khăn hơn.
Theo các chuyên gia tài chính – NH, để đảm bảo quyền lợi của người gửi, đối với các NH có dấu hiệu yếu kém cần có cơ chế riêng, đó là nâng cao hạn mức BHTG cho khách hàng so với dự thảo.
Có như vậy mới đảm bảo quyền lợi cho người dân khi NH lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi hoặc phá sản.
Song song với đó, khi NH có dấu hiệu “sức khoẻ” yếu, khách hàng cần được khuyến cáo và có sự hỗ trợ của các NH khác để khách hàng có thể chuyển tiền gửi sang các NH tiềm năng hơn.
Thời gian gần đây, phía cơ quan quản lý NHNN cũng khẳng định, sắp tới, Chính phủ sẽ mạnh tay hơn trong việc sắp xếp các tổ chức tín dụng, NH nào có thể phục hồi được sẽ tái cơ cấu, những NH không phục hồi được sẽ xử lý, cho phá sản, nhưng nếu hạn mức BHTG vẫn được cào bằng, rõ ràng quyền lợi của người gửi tiền khó được đảm bảo.
Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam cũng cho rằng, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng trong đó có nội dung chi trả BHTG nhưng với mức thu nhập hiện tại của đại đa số người dân thì phải tăng lên mức hợp lý hơn.
Một số phân tích khác cũng được đưa ra, thời điểm NHNN đưa ra áp trần mức BHTG 50 triệu tương đương 5 lần thu nhập bình quân đầu người/năm.
Còn thời điểm hiện nay, bình quân đầu người tăng lên hơn 2.000 USD/người/năm, cùng với đó, số tiền gửi của người dân cũng tăng rất cao và nếu BHTG chỉ tăng lên 75 triệu đồng sẽ không có ý nghĩa gì.
Ở một số nước châu Âu, mức BHTG thường gấp 5 lần thu nhập bình quân đầu người, lên đến 50.000 Euro, ở Hoa Kỳ là 250.000 USD, còn Hàn Quốc là 200.000 USD…
Phải đảm bảo quyền lợi
BHTG Việt Nam được chính thức áp dụng từ năm 1999 với mức chi trả 30 triệu đồng và sau đó được nâng lên 50 triệu đồng tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 109/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005.
Ngày 15/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm. Theo đó, hạn mức trả tiền bảo hiểm mới được áp dụng từ ngày 5/8/2017 là 75 triệu đồng. Giới chuyên gia cho rằng, trong quá trình tái cơ cấu NH thì việc bảo đảm sự an toàn cho người gửi tiền là vô cùng quan trọng.
Anh Nguyễn Anh Tú, một khách hàng có tiền gửi tiết kiệm tại một NH cổ phần trên đường Bà Triệu cho rằng, bản thân anh cũng như nhiều người trong gia đình khi đi gửi tiền tiết kiệm thường quan tâm đến vấn đề lãi suất để đưa đến quyết định gửi cụ thể.
Do vậy theo anh Tú, phải tạo cảm giác an tâm cho người dân thay vì cứ bàn về con số cụ thể.
Trong khi đó nhiều khách hàng cho rằng, gửi 100 triệu khác gửi 10 triệu và khác biệt với người gửi 1 tỷ đồng vào ngân hàng. Nếu cùng áp dụng một mức bảo hiểm tiền gửi là không công bằng.
Thống kê từ cơ quan quản lý cũng cho biết, tính đến hết ngày 30-6-2017, tổng nguồn vốn hoạt động của BHTG Việt Nam là hơn 33 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2016. Hầu hết lượng vốn tạm thời nhàn rỗi được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.