Ban Kỷ luật VFF: Nhẹ tay một cách khó hiểu

Thanh Hà 02/11/2017 07:45

Vòng đấu thứ 23 để lại nhiều những hành vi xấu trên sân với những lỗi đánh nguội đáng xấu hổ khi Đỗ Merlo đấm vào mặt Thiago, Olaha thúc cùi chỏ vào mặt Huy Hoàng, Gramoz húc đầu khiêu khích đối phương và nhiều người tin sẽ có những án phạt bổ xung khi VPF gửi những kiến nghị, bằng chứng tới Ban Kỷ luật VFF.

Tuy nhiên, tất cả đều không phải nhận án phạt nguội nào từ Ban Kỷ luật VFF. Trong bối cảnh BTC V.League quyết nói không với bạo lực sân cỏ thì quyết định của Ban Kỷ luật công bố đã khiến nhiều người lo ngại.

Cả 2 cầu thủ bị thẻ đỏ của SHB Đà Nẵng đều không phải nhận thêm án phạt.

Không đáng để phạt?

Kết thúc vòng 23 có rất nhiều sự cố diễn ra, BTC giải đã chuẩn bị hồ sơ gửi sang Ban Kỷ luật nhưng Ban này lại cho rằng những sự cố đó không đáng để phạt.

Những tình huống gây bão trong dư luận và đã được BTC giải gửi tới Ban Kỷ luật gồm có tình huống tiền đạo Merlo dùng “liên hoàn cước” trong vòng cấm với cầu thủ Quảng Nam trên sân Hoà Xuân, pha đánh nguội của tiền đạo Olaha (SLNA) với cầu thủ Nguyễn Cửu Huy Hoàng (8-Khánh Hoà) trong trận đấu với chủ nhà S.Khánh Hoà, và cuối cùng là hình ảnh đốt pháo sáng trên sân Cẩm Phả ở trận đấu T.Quảng Ninh-Hải Phòng.

Trong công văn trên, BTC giải cũng nói khá rõ 2 trường hợp đầu và đề nghị Ban Kỷ luật xem xét đưa ra án phạt nguội với các cá nhân Olaha và Đỗ Merlo.

Theo đó, ở trận đấu giữa Than Quảng Ninh và Hải Phòng, nhiều quả pháo sáng đã được các CĐV Hải Phòng đốt trên khán đài và ném xuống sân. Dù BTC sân Cẩm Phả đã huy động lực lượng kịp thời dập tắt, nhưng vẫn phải nhận án phạt từ VFF.

Án phạt mà BTC sân Cẩm Phả phải nhận là cảnh cáo do để CĐV đốt pháo trong sân trong trận đấu giữa Than Quảng Ninh với Hải Phòng.

Trong khi đó, trận đấu giữa SHB Đà Nẵng và Quảng Nam đã có nhiều tình huống bạo lực trên sân. Đặc biệt là tình huống Đỗ Merlo và Gramoz của đội chủ nhà đã tấn công cầu thủ đội khách phải nhận thẻ đỏ trực tiếp.

Tuy nhiên, Ban Kỷ luật VFF đã không đưa ra án phạt tăng thêm sau hai chiếc thẻ đỏ dù hành vi đánh nguội đồng nghiệp của họ gây ra nhiều phản cảm.

Theo Ban Kỷ luật, Gramoz đã bị cầu thủ Quảng Nam khiêu khích trước, trong khi Merlo bị trung vệ Thiago (Quảng Nam) dùng tay xô đẩy. Sau đó cả hai đẩy nhau chứ không dùng nắm đấm.

Đó là lý do Ban Kỷ luật không tăng án phạt với cầu thủ của SHB Đà Nẵng. Đại diện Ban Kỷ luật VFF giải thích: “Căn cứ trên báo cáo của giám sát trận đấu cùng với băng hình kỹ thuật thì chúng tôi nhận thấy trước khi nhận thẻ đỏ, Gramoz bị hậu vệ Văn Học (Quảng Nam) cố tình dùng chân dẫm vào tay Gramoz khi bị ngã. Rất may, Gramoz kịp rút tay tránh được. Lẽ ra trong pha bóng nói trên trọng tài phải phạt thẻ đối với người khiêu khích là Văn Học. Ban Kỷ luật nhận thấy rằng thẻ đỏ là xác đáng và không cần tăng án phạt. Đỗ Merlo đã bị trung vệ Thiago (Quảng Nam) dùng tay xô đẩy, tiếp đó Đỗ Merlo đã trả đũa bằng cách dùng tay đẩy vào người Thiago chứ không dùng tay tung nắm đấm. Pha va chạm chỉ dừng lại ở mức độ như vậy nên Ban Kỷ luật thấy rằng thẻ đỏ là hợp lý, đúng với sai phạm”.

Có băng hình cũng... không phạt

Không chỉ có Gramoz và Đỗ Merlo, ngoại binh Olaha (SLNA) cũng trắng án với tình huống giật chỏ cầu thủ Nguyễn Cửu Huy Hoàng (S. Khánh Hòa BVN).

Trong tình huống thô bạo ở sân Nha Trang ở phút 36, do bị Huy Hoàng (số 28) Khánh Hòa kèm sát, Olaha của SLNA đã vung cùi chỏ, đánh thẳng vào mặt hậu vệ này. Với pha “ra đòn” của Olaha, Huy Hoàng đã ôm mặt lăn xuống sân.

Tuy nhiên do hạn chế góc quan sát, trọng tài Trần Định Thịnh không nhìn thấy tình huống này và Olaha không bị phạt thẻ.

Ban tổ chức giải đã gửi đầy đủ băng hình quay rất rõ pha đánh chỏ nguội của Olaha vào mặt Huy Hoàng nhưng Ban Kỷ luật lý giải ngắn gọn hành vi của Olaha (SL Nghệ An) là không rõ ràng mang tính bạo lực và không áp dụng án phạt.

Đây không phải là lần đầu tiên Ban Kỷ luật ra án phạt vô lý. Họ từng ra án theo kiểu “nương tay” cho Hoàng Vũ Samson trong pha đạp đùi cầu thủ Châu Ngọc Quang (HAGL) ở mùa này với kết luận: “Sau khi nghiên cứu các báo cáo và băng hình kỹ thuật, các ban chuyên môn nhận định: Theo Luật 12, pha vào bóng của Samson là tình huống tranh chấp bóng với mức độ liều lĩnh, không quan tâm đến sự an toàn của cầu thủ đối phương, chứ không phải hành vi bạo lực…”.

Cụm từ “liều lĩnh” của Ban Kỷ luật gây dậy sóng dư luận bóng đá trong nước và trước sức ép từ báo chí, truyền thông, Ban Kỷ luật VFF phải sửa sai bằng án phạt 2 trận cho Hoàng Vũ Samson.

Chỉ ngay trước đó một vòng, ở lượt trận 22, HLV Petrovic của FLC Thanh Hóa phản ứng trọng tài và ông Petrovic lập tức bị VPF gửi công văn do Trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc ký, đề nghị Ban Kỷ luật VFF xem xét “có hình thức xử lý”.

Một án phạt cấm chỉ đạo trận đấu, nếu xảy ra đối với ông thầy người Serbia, có thể đẩy FLC Thanh Hóa vào thế bất lợi trong cuộc đua vô địch với Quảng Nam và CLB Hà Nội.

May cho đội bóng xứ Thanh khi sau đó, Ban Kỷ luật VFF chỉ cảnh cáo, phạt 10 triệu đồng ông Petrovic. Cùng hành vi phản ứng trọng tài, 2 lần liền, quyền Chủ tịch CLB TP Hồ Chí Minh Lê Công Vinh chỉ bị BTC giải gửi công văn “nhắc nhở”.

Đây chỉ là một bi hài của những người “xử án” bóng đá Việt Nam trong nhiều quyết định và nó khiến nhiều người cho rằng những án phạt của Ban Kỷ luật như một “trò hề” và thật buồn cười.

Nhiều người sau quyết định của Ban Kỷ luật đã không hiểu sao các vị quan chức soi án của Ban kỷ luật mổ băng xong lại… thấy không rõ ràng.

Và lập tức họ đặt câu hỏi liệu có phải ban kỷ luật muốn giúp SLNA có được lực lượng mạnh nhất cho trận đấu cuối với FLC Thanh Hóa hay bảo kê cho bóng đá bạo lực?

Bởi nếu xử đúng tình huống giật chỏ một cách rất thiếu fair play của Olaha thì ngoại binh của SLNA chắc chắn nhận án phạt ít nhất 3 trận trở lên chứ không chỉ phải nghỉ 2 trận so với án phạt thẻ đỏ trực tiếp.

Không bị phạt tăng thêm nên Olaha lượt trận cuối sẽ được ra sân trong trận gặp Thanh Hóa.

Quyết định này chắc chắn nhận sự bức xúc lớn vì SLNA là đội bóng sẽ có tiếng nói quan trọng trong cuộc đua vô địch. Họ gặp Thanh Hóa ở vòng cuối, một trận cầu có thể quyết định đến số phận nhà vô địch.

Như vậy, vòng 23 V.League 2017 kết thúc với nhiều sự cố cả về chuyên môn lẫn hành vi bạo lực và đã được dư luận lên án mạnh mẽ nhưng với Ban Kỷ luật VFF đó là chưa đủ.

Dù VFF và VPF đều đồng loạt lên tiếng cảnh báo ngay từ đầu mùa sẽ xử nghiêm các vi phạm ở V-League nhằm giúp giải đấu ngày một sạch và đẹp hơn.

Tuy nhiên, với những quyết định “lúc nhanh, lúc chậm”, không nhất quán cho cùng hành vi… của Ban Kỷ luật khi mùa giải bước vào giai đoạn cuối khiến nhiều người bất ngờ và tỏ ý lo ngại.

Khi giải đang cần những bản án nghiêm khắc để răn đe hành vi thô bạo, tiểu xảo xấu xí thì Ban Kỷ luật VFF lại nhẹ tay một cách khó hiểu.

Thanh Hà