Sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính nhà nước - Bài 1: Gánh nặng chi phí

Hoàng Mai 02/11/2017 09:10

LTS: Đầu tháng 10, Ban chấp hành Trung ương họp Hội nghị lần thứ 6 khóa XII. Ngày 25/10 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TƯ về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Nghị quyết phân tích rõ tình hình, nguyên nhân; quan điểm, mục tiêu; nhiệm vụ, giải pháp và cách thức tổ chức thực hiện.

Từ số báo này, Đại Đoàn kết khởi đăng loạt bài phân tích, đánh giá tình hình bộ máy thời gian qua; những quan điểm liên quan đến quá trình sắp xếp, tổ chức lại bộ máy qua đánh giá của chuyên gia và thực tiễn tại một số địa phương.

Hội nghị Trung ương 6 vừa qua đã bàn thảo việc đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập.

Mới đây, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội đã thực hiện giám sát chuyên đề về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước trong 5 năm 2011-2016 (CCHC).

Trong báo cáo của Chính phủ cũng đã thẳng thắn nhìn nhận: Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Chồng chéo và cồng kềnh

Thực trạng bộ máy của hệ thống chính trị được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân báo cáo: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp... Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý, mạnh mẽ và đồng bộ; còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt kết quả thấp; tỉ lệ người phục vụ cao, nhất là ở khối văn phòng; số lãnh đạo cấp phó nhiều; việc bổ nhiệm cấp “hàm” ở một số cơ quan Trung ương chưa hợp lý”…

Để minh chứng cho điều này, báo cáo của Chính phủ cũng đã chỉ rõ: Vào đầu nhiệm kỳ, qua rà soát thì có 16 vấn đề chồng chéo, giao thoa, đan xen; 2 vấn đề còn bỏ trống và 4 vấn đề cần tăng cường phối hợp.

Đối với vấn đề biên chế, theo như báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Hiện nay, có 11 địa phương sử dụng vượt 7.951 biên chế so với số biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao.

Ngoài ra, tính đến 30/11/2016, các Bộ, ngành, địa phương ký lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp là: 19.900 người (18 Bộ, ngành: 10.218 người; 46 địa phương: 9.682 người).

Đó là câu chuyện ở cấp trung ương. Còn cấp địa phương thì sao?

Theo thống kê, tính đến tháng 12-2016, số cán bộ, công chức cấp xã và số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 1.272.807 người, trong đó: Cán bộ, công chức cấp xã: 234.227 người; hoạt động không chuyên trách ở cấp xã: 200.923 người; hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố: 837.657 người. Cụ thể, tổng quỹ lương của cán bộ, công chức cấp xã và thực hiện khoán quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (đã bao gồm bảo hiểm xã hội và tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng) là 32.404,788 tỷ đồng/năm.

Trong đó, quỹ lương của cán bộ, công chức cấp xã là 19.626,381 tỷ đồng/năm. Hiện có 31/63 tỉnh thành sử dụng biên chế vượt 6.376 biên chế, có tỉnh 161 cấp phó chủ tịch xã, phường dôi dư.

Trong giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 4 năm 2015 tổng biên chế công chức cả nước vượt 1.047 người. Biên chế sự nghiệp vượt 11.635 người.

Hiện tại tổng số biên chế công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập là 2.372.379 người. Còn tính tổng số người hưởng lương trong bộ máy của hệ thống chính trị là 3.734.302 người.- báo cáo của Cính phủ nêu rõ.

Đáng nói hơn là, “trong đội ngũ ấy có bao nhiêu phần trăm không đủ phẩm chất trình độ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ công vụ vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Do vậy, chưa tinh giản được đúng đối tượng là người có đạo đức công vụ và trình độ năng lực yếu kém mà chủ yếu tập trung ở nhóm nghỉ hưu trước tuổi, theo báo cáo giám sát tỷ lệ này là 90%.”, ĐBQH tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám đặt vấn đề.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, vì sao từ trung ương đến các cấp chính quyền ở địa phương cơ bản sắp xếp, kiện toàn theo đúng quy định hướng dẫn; mà kết quả, thay đổi thì có nhưng cái lạ là dù tiến bộ nhưng bộ máy lại ngày càng cồng kềnh phức tạp, chưa tạo được đột phá về hiệu quả quản lý thực thi nhiệm vụ.

Nếu không phải là chuyện một việc nhiều người lo nên “cha chung không ai khóc” thì là vấn đề gì? Phải chăng đó là do, chúng ta chưa gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp với việc đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính ở cấp mình và cấp trực thuộc.

Tăng hiệu quả

Từ thực tế của cơ cấu tổ chức bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả trải dài qua nhiều năm, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Trung ương đã bàn và thống nhất ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TƯ và Nghị quyết số 19-NQ/TƯ.

Theo đó, Trung ương chỉ rõ những bất cập lớn, kéo dài trong những năm qua và đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn trung hạn và dài hạn.

Điểm đặc biệt, Nghị quyết của Đảng chỉ rõ nhiệm vụ của từng hệ thống trong hệ thống chính trị như, đối với hệ thống tổ chức của Đảng; hệ thống tổ chức của Nhà nước ở trung ương; hệ thống chính quyền địa phương; hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội. Nhìn chung, rõ nhiệm vụ và rõ cả mục tiêu.

Nghị quyết do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành mới đây nêu rõ: Với bộ máy hành chính Nhà nước ở trung ương cần khẩn trương rà soát, cương quyết sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa các bộ, ngành và các tổ chức trực thuộc các bộ, ngành; khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ để một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

Thực tế, việc hợp nhất hay giảm đầu mối một số đơn vị thì đã có bài học từ sự tiên phong của Bộ Công thương thời gian gần đây. Còn ở cấp địa phương, chuyện một người kiêm nhiều chức danh (từ 2 trở lên) cũng không phải là hiếm, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An đã làm và sẽ tiếp tục làm trong thời gian tới với diện có thể được mở rộng hơn.

Đảng đang rất quyết tâm; vấn đề là sự chuyển động từ bên trong hệ thống chính trị mới là thước đo cho sự thành công của một chủ trương. Bởi chủ trương có đúng nhưng nếu không có sự chuyển mình đồng bộ từ trên xuống dưới, chủ trương có thể bị “phá sản”.

ĐBQH tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân: Cần tinh thần cải cách và trách nhiệm trước dân

Chương trình cải cách đã và đang đứng trước rất nhiều nỗ lực và thách thức cần vượt qua. Chủ trương cải cách tổ chức bộ máy đã được đề ra từ những năm 1986 và tiếp tục được khẳng định qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc.

Điều đó đã chỉ ra rằng cách đây 30 năm Đảng đã nhìn ra nguy cơ của một bộ máy cồng kềnh, trì trệ và kém hiệu quả. Cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã tạo ra những nền tảng pháp lý ngày càng hoàn thiện.

Chúng ta có thể thấy điều kiện tiến hành cải cách là không thiếu khi chủ trương có, quyết tâm chính trị có, nền tảng pháp lý cũng có nhưng bộ máy vẫn tiếp tục cồng kềnh, biên chế ngày càng phình to, ngân sách nuôi nó đã vượt ngưỡng.

Ba điều chúng ta có ví như là phần cứng thì cũng chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ chính là tinh thần đổi mới cải cách và trách nhiệm trước nhân dân.

Nếu ví đó như là phần mềm hay xen vào đạo đức công vụ thì chưa thấm được vào tư duy nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức đang tham gia trong nền hành chính công quyền hiện nay.Việt Thắng (ghi)

(Bài 2: Không khoan nhượng trong tinh giản biên chế)

Hoàng Mai