Lương nhà giáo

Minh Quang 02/11/2017 08:50

Câu chuyện cô giáo Lan sau 37 năm công tác chỉ nhận được lương hưu vỏn vẹn 1,3 triệu đồng không chỉ là mối quan tâm của dư luận, mà còn đang làm nóng nghị trường Quốc hội kỳ này. Chuyện lương và lương hưu của nhà giáo đã được nhiều đại biểu cùng lên tiếng. Câu hỏi “Bao giờ giáo viên sống được bằng lương?”

không chỉ là sự mong đợi của đội ngũ giáo viên trên cả nước mà còn là vấn đề lớn không chỉ riêng của ngành giáo dục. Đây cũng chính là câu chuyện liên quan đến mục tiêu thu hút người tài đầu quân cho ngành sư phạm trong chiến lược quy hoạch các trường sư phạm tới đây.

Ảnh minh họa.

Nghị quyết Trung ương lần thứ 2 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 khóa XI- về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo khẳng định, lương nhà giáo phải được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, có phụ cấp tùy theo tính chất công việc và theo vùng.

Tuy nhiên, hiện lương nhà giáo xếp thứ 14 trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Nếu tính theo thang bậc lương hiện nay, một giáo viên mới ra trường có lương khoảng 3,6 triệu đồng/tháng. Giáo viên giảng dạy 15 năm trong nghề mới có thu nhập hơn 5,7 triệu đồng/tháng.

Giáo viên có thâm niên hơn 25 năm trong nghề (tức là sắp về hưu) thì lương được hơn 8 triệu đồng/tháng… Chính vì mức lương không đủ sống, nhiều giáo viên đã phải nghĩ tới tăng thu nhập bằng cách dạy thêm, làm thêm các công việc khác…

Cách đây vài tháng, câu chuyện về việc bỏ biên chế giáo viên cũng đã khiến nhiều nhà giáo chạnh lòng. Dư luận khi ấy cũng đặt ra một câu hỏi lớn: Mục đích của cuộc “cách mạng” bỏ công chức, viên chức giáo viên là tăng tính cạnh tranh, nhằm thu hút người tài cho ngành giáo dục, nhưng liệu cải cách theo hướng ấy có thực sự giúp các nhà giáo sống được bằng lương không?

Tăng lương cho giáo viên từ nguồn nào khi mà ngân sách dành cho giáo dục vào khoảng 20% so với tổng chi của ngân sách nhà nước.

Thật may, việc khẳng định không có chủ trương bỏ biên chế giáo viên của lãnh đạo Chính phủ đã giải toả tâm tư, nỗi lo lắng của hơn một triệu giáo viên, cũng như cả xã hội.

Cũng xuất phát từ mức lương quá thấp, lại chịu nhiều áp lực nên không ít thầy cô giáo nhiệt huyết dần dà cũng đã phải chuyển nghề, hoặc xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục.

Phân tích ở nhiều góc độ, mỗi người một quan điểm, một cách ứng xử với nghề, nhưng tựu trung xã hội đều cảm thông với đồng lương còm cõi của nhà giáo hiện nay.

Trở lại với câu chuyện của cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh, đại diện Phòng Chế độ Bảo hiểm xã hội (BHXH tỉnh Hà Tĩnh) khẳng định việc cô nhận quyết định nghỉ hưu với mức lương 1,3 triệu đồng/tháng đã được đơn vị này tính đúng với mức lương và chi trả theo quy định hiện hành.

Xác nhận việc chi trả lương hưu cho cô giáo là đúng chính sách, nhưng ĐBQH Bùi Sĩ Lợi cho rằng đây là một vấn đề chúng ta hết sức phải suy nghĩ, để sớm điều chỉnh cơ chế, chính sách để làm sao người dân tham gia vào hệ thống BHXH và phải đảm bảo được cuộc sống khi về già.

Điều đáng nói là theo BHXH Việt Nam, hiện đang có hơn 3.200 người có mức lương hưu dưới mức lương cơ sở - tức là thấp hơn mức 1,3 triệu đồng/tháng, có nghĩa là còn thấp hơn cả cô giáo Lan.

Riêng tại Hà Tình, còn hàng trăm giáo viên cũng có mức lương hưu tương tự cô giáo Lan. Cụ thể, BHXH tỉnh đã chi trả bảo hiểm cho hơn 270 giáo viên mầm non trong tỉnh với mức lương tối thiểu là 1,3 triệu đồng/tháng.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ đang làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ để làm sao đưa vào Luật Giáo dục vấn đề thang bảng lương của các thày cô giáo. Điều đó đã nhen lên hi vọng với những người làm nghề dạy học.

Nhưng rõ ràng muốn cải thiện mức lương cho giáo viên để họ có thể đủ sống, phải sớm có chiến lược quy hoạch nguồn nhân lực cho ngành sư phạm.

Đó là quy hoạch đào tạo giáo viên theo cơ cấu các ngành, môn học, vùng miền khác nhau, trình độ giáo viên phải đảm bảo chất lượng.

Trên cơ sở quy hoạch này, Bộ GD&ĐT giao cho các trường sư phạm đào tạo theo chỉ tiêu và tạo điều kiện việc làm cho họ sau khi tốt nghiệp.

Cũng không lâu nữa thì đến Ngày Nhà giáo Việt Nam. Việc cả xã hội quan tâm đến lương giáo viên, đến mức sống của nhà giáo khiến các thầy cô thấy ấm lòng hơn.

Nhưng cũng không nên để câu hỏi bao giờ nhà giáo sống được bằng lương đặt ra quá lâu mà không có lời giải, để rồi họ luôn tủi phận vì mức đãi ngộ sau khi rời bục giảng sao đồng tiền được nhận quá còm cõi so với mặt bằng chung.

Minh Quang