Giới lãnh đạo ly khai xứ Catalan lần lượt đến tòa án

03/11/2017 07:35

Các nhà lãnh đạo bị phế truất của chính quyền ly khai Catalonia trong hôm 2/11 đã bắt đầu xuất hiện tại một tòa án ở thủ đô Madrid để đối diện với các cáo buộc nổi loạn, xúi giục nổi loạn và lạm dụng công quỹ do có vai trò trong việc đưa ra tuyên bố độc lập của xứ Catalan.


Các thành viên chính quyền xứ Catalan xuất hiện trước tòa án Madrid sáng hôm 2/11. (Nguồn: Getty).

Lãnh đạo ly khai xuất hiện

Đáng chú nhất trong sự kiện này chính là sự vắng mặt của cựu Thủ hiến xứ Catalan, ông Carles Puigdemont, người hiện đang ở Brussels (Bỉ) và từ chối trở về nước, theo luật sư của ông. "Ông ấy sẽ không tới Madrid và tôi đã đề xuất nên thẩm vấn ông ấy ngay tại đây, nước Bỉ", luật sư Paul Bekaert tuyên bố.

Phiên xét xử được tổ chức tại tòa án quốc gia ở thủ đô Madrid đã bắt đầu lúc 9h00 sáng hôm 2/11 (giờ địa phương) và sẽ tiếp tục trong hôm nay. Cựu Phó Thủ hiến Catalonia, Oril Junqueras, là người đầu tiên xuất hiện trước tòa. Ông tới cùng các luật sư của mình, đi qua hàng chục nhà báo và từ chối trả lời các câu hỏi.

Assumpcio Lailla, một cựu chính trị gia thuộc đảng Dân chủ của Catalan, nói rằng, bà đã tới Madrid để gia nhập cùng 100 chính trị gia khác cùng các quan chức để thể hiện sự ủng hộ đối với các nhà lãnh đạo bị phế truất này. "Đây là một sự không công bằng, bởi họ đang bị điều tra vì đã ủng hộ nền dân chủ", bà Lailla nói với hãng tin AP.

Nhiều người ủng hộ cũng tụ tập bên ngoài tòa án và hô vang khẩu hiệu "Tự do". Cùng lúc, nhiều người phản đối ly khai cũng mang theo cờ Tây Ban Nha và yêu cầu bắt giữ các chính trị gia của xứ Catalan.

Được biết, thẩm phán tòa án kỳ vọng sẽ thẩm vấn ông Puigdemont cùng 13 người khác liên quan tới làn sóng ly khai của Catalonia, đẩy Tây Ban Nha vào cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng nhất trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Một cuộc trưng cầu dân ý tổ chức hôm 1/10 đã tiếp nối bằng tuyên bố độc lập mà Nghị viện xứ Catalan đưa ra hồi cuối tuần trước. Nhưng ngay trong ngày hôm đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã ra lệnh sa thải giới lãnh đạo xứ Catalan và áp đặt quyền chỉ đạo trực tiếp đối với khu vực trù phú này.

Hôm đầu tuần, Trưởng công tố viên Tây Ban Nha nói rằng ông đang tìm cách cáo buộc các tội danh nổi loạn với mức án có thể lên tới 30 năm tù giam đối với 14 lãnh đạo của xứ Catalan. Chủ tịch Nghị viện Catalan, Carme Forcadell, cùng 5 thành viên Nghị viện khác cũng sẽ bị thẩm vấn liên quan tới các cáo buộc trên.

Hiện vẫn chưa rõ sẽ có bao nhiều người trong số giới lãnh đạo bị phết truất của Catalan sẽ xuất hiện trước tòa.

Cố thủ ở Brussels

Cựu Thủ hiến Puigdemont, 54 tuổi, đã bác bỏ mọi cáo buộc nhằm vào ông, nói rằng nó có động cơ chính trị đằng sau. Hôm thứ Ba vừa qua, ông nói rằng sẽ ở lại Brussels cho đến khi được đảm bảo rằng các tiến trình xét xử sẽ diễn ra một cách công bằng. Trong một tuyên bố, ông Puigdemont cũng nói rằng có một âm mưu nhằm chia rẽ chính quyền của ông.

Ông Puigdemont hiện vẫn nhận được sự ủng hộ của nhiều người ở Catalonia. Bà Maria Angels Selgas, doanh nhân 60 tuổi ở Barcelona, nói rằng bà vẫn coi ông Puigdemont là lãnh đạo của xứ Catalan. "Nếu họ làm bẽ mặt ông ấy, họ cũng đang làm bẽ mặt hơn 2 triệu người Catalan từng bỏ phiếu "Có" trong cuộc trưng cầu dân ý", bà Selgas nói.

Trong hôm 2/11, hàng trăm người ủng hộ ly khai của xứ Catalan đã đổ ra nhiều tuyến phố trung tâm của Barcelona với khẩu hiệu "Tự do" và "Bạn không đơn độc" để ủng hộ ông Puigdemont. Tuy nhiên, theo các lá phiếu thăm dò mới nhất, người dân Catalan vẫn chia rẽ sâu sắc về vấn đề ly khai.

Hiện nay, cộng đồng quốc tế đã thể hiện sự sát cánh với chính phủ Tây Ban Nha trong cuộc khủng hoảng này. Trong khi đó, tình trạng bất ổn đã ảnh hưởng tới tương lai của xứ Catalan khi hàng loạt công ty tuyên bố rời trụ sở làm việc khỏi khu vực này. Thêm vào đó, có nhiều tín hiệu cho thấy ngay cả những người ủng hộ ly khai cũng bắt đầu chia rẽ, khi nhiều người không đồng tình với ông Puigdemont và cách xử lý tình huống của ông.

Fernando Vallespin, chuyên gia phân tích chính trị ở Madrid, cho hay ông tin rằng ông Puigdemont - một cựu nhà báo mong muốn "gây thu hút giới truyền thông hơn là trốn khỏi bản cáo trạng của mình".

"Đây là một cuộc chiến truyền thông. Mục tiêu của ông Puigdemont là cho thấy nhà nước Tây Ban Nha là bên đàn áp và ông cần phải lan rộng thông tin này" - ông Vallespin nhận định.

Thủ tướng Rajoy đã kêu gọi bầu cử sớm vào ngày 21/12 tới nhằm thay thế Nghị viện xứ Catalan. Ông Puigdemont cũng khẳng định rằng ông sẽ tôn trọng kết quả của cuộc bầu cử này.