Cách tính lương hưu mới: Cần phải xem xét sửa đổi cho phù hợp

Lê Bảo 03/11/2017 09:35

Ngày 2/11, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết xung quanh cách tính lương hưu mới của lao động nữ tới đây, ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam)cho rằng: Chúng ta đã có nhiều nỗ lực để tiến tới bình đẳng giới cho nam và nữ, song với cách tính lương hưu từ ngày 1/1/2018 tới đây thì khoảng cách bình đẳng giới sẽ... rất xa.


Tính lương hưu mới, quy định gây “sốc” với nhiều lao động nữ.

Một quy định gây “sốc”

Theo Luật BHXH 2014, từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động (NLĐ) đủ điều kiện nghỉ hưu được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH như sau: Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm; lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, NLĐ được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. “Như vậy trong khi lao động nam có lộ trình áp dụng từ 2018 đến 2022 thì lao động nữ lại bị áp dụng chính sách mới ngay từ đầu năm tới. Quy định này đã gây sốc về tinh thần cho không ít lao động nữ. Chúng ta nói nhiều, hô hào cần phải bình đẳng giới nhưng khi quy định kéo dài tuổi nghỉ hưu chưa được ban hành thì đã “vội” giảm lương hưu của lao động nữ”- TS Vũ Quang Thọ nói.

Đồng quan điểm, bà Đỗ Hồng Vân- phó trưởng Ban Nữ công TLĐ cũng cho rằng: Do quy định công thức tính lương hưu của nữ không có lộ trình thay dần trong vòng 5 năm như của nam, nên dẫn đến nhiều lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 có tỉ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (lên đến 10% tùy thuộc vào thời gian đóng BHXH), nhất là người có dưới 30 năm đóng BHXH.

Điều này tạo ra tình trạng sốc do thay đổi chính sách và chưa đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, gây thiệt thòi cho lao động nữ. Như vậy, tăng thời gian đóng BHXH bắt buộc để được hưởng lương hưu được thực hiện từ năm 2018 trong khi tuổi lao động vẫn giữ nguyên. Nhiều trường hợp NLĐ đến tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ số năm đóng BHXH theo quy định mới (do tham gia lao động và đóng BHXH muộn), do đó, những trường hợp này dù có muốn kéo dài thời gian làm việc để đủ thời gian đóng BHXH cũng không thể thực hiện được.

“Đối với lao động nữ làm việc ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, công việc không ổn định dẫn đến việc tham gia BHXH đủ 25 năm để hưởng mức lương hưu tối đa 75% như luật BHXH 2006 đã là rất khó khăn, nếu theo quy định của Luật BHXH năm 2014, thì việc đóng BHXH để hưởng lương hưu tối đa 75% đối với lao động nữ càng xa vời. Mặt khác, thực tế hiện nay doanh nghiệp thường chỉ đóng BHXH cho NLĐ ở mức lương cơ bản, nên nếu được hưởng mức lương hưu tối đa cũng đã là rất thấp chưa nói đến còn bị giảm” - bà Đỗ Hồng Vân nói.

Cần phải xem xét sửa đổi cho phù hợp

Từ những vướng mắc trên, TS Vũ Quang Thọ thẳng thắn: “Để tránh gây sốc và ảnh hưởng tới quyền lợi của lao động nữ, chúng ta cần phải sửa đổi và có lộ trình cho phù hợp. Việc sửa đổi quy định này có thể làm tương tự giống như Điều 60 trước đó”.

Trước đó, phát biểu tại phiên họp tổ ở Quốc hội mới đây, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà- chủ tịch Hội LHPNVN cũng cho biết, việc bảo đảm quyền lợi bình đẳng giữa nam và nữ sau nghỉ hưu hiện nay đang được chị em quan tâm và rất tâm tư. Cách tính lương hưu theo Luật BHXH 2014 áp dụng từ 1-1-2018 sẽ thiệt thòi cho lao động nữ. “Chúng tôi cho rằng, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng lao động ồ ạt nhận BHXH một lần đang diễn ra hiện nay”- ĐBQH Thu Hà nhấn mạnh.

“Để khắc phục những tồn tại bất cập nêu trên, theo quan điểm của Ban Nữ công TLĐ, quy định về tăng thời gian đóng BHXH bắt buộc chỉ nên thực hiện khi tuổi lao động đã được kéo dài; cần phải xem xét, sửa đổi Điều 56 và Điều 74 Luật BHXH 2014 theo hướng điều chỉnh cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu của nữ không tăng ngay từ 25 năm lên 30 năm mà nên có lộ trình như đối với lao động nam nhằm bảo đảm quyền lợi của lao động nữ sau khi nghỉ hưu và bình đẳng giới trong thụ hưởng chính sách BHXH”- bà Vân đề xuất.

Rõ ràng chính sách ưu tiên cho lao động nữ không phải nhằm tạo nên sự bất bình đẳng về giới, vì vậy những chính sách ưu tiên cho lao động nữ cần phải tiếp tục duy trì để kéo giảm sự bất bình đẳng đó.

Lê Bảo