Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga: Mãi là nguồn sáng dẫn đường
Cách mạng Tháng Mười Nga có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động mạnh mẽ tới sự ra đời của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, đặc biệt là với cách mạng Việt Nam. Phóng viên Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với ông Vũ Mão- nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Ông Vũ Mão. Nguồn: Giaoducvietnam.
PV: Theo ông, ý nghĩa quan trọng nhất của cách mạng Tháng Mười Nga với thế giới nói chung và với cách mạng Việt Nam nói riêng, là gì?
Ông Vũ Mão: Cách mạng Tháng Mười do Đảng Bolshevik dưới sự lãnh đạo của Lenin đã thành công rực rỡ ở nước Nga. Cuộc cách mạng đó đã mở ra một chương mới trong lịch sử nhân loại: con đường đi lên CNXH đã hình thành trên một đất nước rộng 1/6 Trái Đất. Đây là cuộc cách mạng vĩ đại, đã mở ra một triển vọng mới cho nhân loại trong tiến trình phát triển. Đó là cuộc cách mạng của quần chúng nhân dân lao động vùng lên đấu tranh giải phóng giai cấp, mang lại cuộc sống no ấm cho con người; mục tiêu của nó là hướng tới nền dân chủ đích thực, vì quyền của con người, hạnh phúc của nhân dân.
Với Việt Nam, cuộc cách mạng Tháng Mười Nga tại thời kỳ đó đã giúp cho những người yêu nước chân chính hun đúc tinh thần cách mạng để giải phóng dân tộc. Có thể nói, những nhà cách mạng Việt Nam khi đó đã tìm được hướng đi phù hợp với lợi ích dân tộc mình. Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ có ý nghĩa với nước Nga mà với nhân dân toàn thế giới. Với nhân dân Việt Nam, cách mạng Tháng Mười Nga là ngọn đuốc soi đường để cách mạng Việt Nam tìm được phương hướng giải phóng cho dân tộc mình thoát khỏi sự thống trị của thực dân Pháp, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho dân tộc.
Sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô cũng như của chế độ XHCN ở Liên Xô vào năm 1991 có thể nói đã gây ra một sự khủng hoảng lớn và là nỗi day dứt khôn nguôi của những người cộng sản, phải không thưa ông?
- Đúng vậy, nó luôn là vấn đề day dứt của những người đã phấn đấu theo lý tưởng đó khi trong một thời gian dài (1917-1991) luôn được coi là thành trì của phong trào cách mạng thế giới.
Sự đổ vỡ đã gây ra sự khủng hoảng về niềm tin, về lý tưởng của những người cộng sản muốn xây dựng một thế giới đại đồng trên Trái Đất này và mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại. Qua trên 70 năm tồn tại, tôi cho rằng, nó đã trở thành một mô hình nhân loại muốn vươn tới thực sự. Kỳ tích về xây dựng CNXH ở Liên Xô đã đưa một đất nước phát triển trung bình trở thành một nước công nghiệp hiện đại với đầy đủ tính ưu việt, làm chủ cả nền khoa học quân sự hiện đại, có trong tay vũ khí hạt nhân, nước đầu tiên đi vào vũ trụ. Đặc biệt, kỳ tích của Liên Xô đã góp phần quyết định vào chiến thắng chủ nghĩa phát xít Đức đứng đầu là Hitler, cứu nhân loại thoát khỏi sự diệt vong. Những kỳ tích đó khó có một nước nào trên thế giới có thể làm được và cũng chính vì thế mà nhân loại đặt niềm tin lớn vào Đảng cộng sản và những người đứng đầu đất nước cũng như vào CNXH mà nước Nga xây dựng.
Có thể nói, mục tiêu muốn đạt tới của cuộc cách mạng Tháng Mười Nga là trong sáng, tốt đẹp, nên tác động đến thế giới, tác động đến Việt Nam nhưng rất tiếc, sau hơn 70 năm vào năm 1991 sự sụp đổ của Liên Xô đã chấn động ghê gớm. Điều quan trọng là chúng ta phải tìm ra nguyên nhân vì sao cuộc cách mạng Tháng Mười vĩ đại như vậy đã thành công nhưng quá trình tiếp theo đó lại có những hạn chế gì mà dẫn tới sự đổ vỡ đó?
- Rõ ràng ở đây có nguyên nhân trước hết là cuộc cách mạng của dân chủ tức là dân chủ cho người dân, người dân được làm chủ, nhưng càng ngày dân chủ với người dân đã không được thực hiện đầy đủ. Đối với các dân tộc thì nền độc lập dân tộc là rất quan trọng, nhưng nói đến Liên bang Xô Viết là gồm nhiều dân tộc như vậy thì quyền dân tộc tự quyết của mỗi dân tộc lại bị hạn chế rất nhiều. Đặc biệt, sự tha hóa của những người lãnh đạo của Đảng Cộng sản Nga và Liên Xô, họ đã trượt dài trên con đường chủ nghĩa cá nhân, theo lợi ích của tầng lớp lãnh đạo. Họ vẫn nhận mình là nhà vô sản nhưng thực ra họ đã không còn là những người vô sản chân chính nữa.
Giai đoạn những năm 1980-1985, nước ta lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội. Khi đó vào Đại hội VI bắt buộc chúng ta phải đổi mới nhìn nhận lại những sai lầm, thiếu sót. Chính sự yếu kém đó đã đưa đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế, lòng dân không yên. Đảng ta đã tỉnh táo nhìn nhận ra yếu kém và sửa chữa. Những năm đầu của đổi mới chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu. Đến bây giờ sau hơn 30 năm, những mục tiêu của đổi mới vẫn được tiếp tục phấn đấu, phát triển.
Từ giá trị to lớn của cách mạng Tháng Mười Nga và thực tiễn đất nước, ông có suy nghĩ gì về những việc sắp tới cần phải làm?
- Nhờ ngọn đuốc cách mạng Tháng Mười Nga, Việt Nam cũng đã đi qua giai đoạn giải phóng dân tộc, giành chính quyền, giành độc lập tự do cho đất nước, thống nhất Tổ quốc. Tuy nhiên, bài học kinh nghiệm của thế giới cho thấy, nếu không tỉnh táo, kiêu ngạo, không sửa chữa sai lầm sẽ phải đối diện với sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Các văn kiện nghị quyết của Đảng đã nhìn thẳng vào sự thật chỉ rõ nhiều thiếu sót, khuyết điểm, đặc quyền đặc lợi vẫn diễn ra, và đòi hỏi phải kiểm soát quyền lực. Vấn đề đặt ra là chủ trương kiểm soát quyền lực thì đúng rồi nhưng kiểm soát quyền lực như thế nào?
- Tôi đã từng tha thiết nói rằng, vấn đề rất cơ bản của kiểm soát quyền lực là phải sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng. Cũng như với mỗi đất nước thì Hiến pháp là đạo luật gốc thì với Đảng, Điều lệ Đảng là nền tảng rất quan trọng. Tôi kiến nghị với Trung ương rằng, một trong những nội dung quan trọng cần phải chuẩn bị cho Đại hội XIII là phải nghiên cứu rất sâu sắc để sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng. Đổi mới để Đảng giữ vững vai trò lãnh đạo, xứng đáng là công bộc của nhân dân, phát huy dân chủ trong nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân.
Vừa qua Đảng đã có những quyết sách, việc làm hợp lòng dân, những vụ việc tiêu cực, tham nhũng đã đưa ra xử lý một cách nghiêm túc, được nhân dân hưởng ứng.
Trân trọng cảm ơn ông!