Ngột ngạt vì nhà máy bủa vây người dân
Liên tiếp những ngày qua nhiều người dân thôn Hòa Mỹ, xã Tam Nghĩa (Núi Thành, Quảng Nam) đồng loạt ký đơn gửi đi nhiều nơi kêu cứu về tình trạng ô nhiễm môi trường của 3 nhà máy đóng trên địa bàn.
Mương thoát nước của Trạm than gây ô nhiễm nặng.
Người dân cho rằng, các nhà máy này hoạt động ngay trong trong khu dân cư, nhà máy nào cũng gây ô nhiễm, mỗi nhà máy mỗi kiểu đến mức nghẹt thở. Thế nhưng, kết quả quan trắc môi trường lúc nào cũng không vượt ngưỡng khiến người dân không còn tin ở ngành chức năng. Đó là các nhà máy gồm: Nhà máy gạch Tuynel Chu Lai, Trạm bê tông Chu Lai và Trạm than Chu Lai thuộc Công ty than miền Trung.
Trong đơn kiến nghị của người dân cho biết, Nhà máy gạch Tuynel Chu Lai sau khi được một doanh nghiệp (DN) tiếp quản đã nâng công suất lên gấp nhiều lần. Theo đó, đất mà DN này dự trữ để sản xuất gạch giờ đây cao như trái núi. Còn Trạm than Chu Lai, thời gian gần đây Nhà máy nâng công suất hoạt động nên lượng than sản xuất ra tăng gấp nhiều lần so với trước đây.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, tổ trưởng tổ dân cư số 1, thôn Hòa Mỹ, xã Tam Nghĩa bức xúc: Nhà tôi nằm ngay trước cổng Trạm than Chu Lai nên hứng chịu mức ô nhiễm nặng nề nhất. Bụi than bay khắp nơi, bám vào thức ăn, nước uống, dính trên chén, đĩa, xoong, nồi. Áo quần phơi ở ngoài đem vô phải giũ mới mặc được. Ô nhiễm làm cho nhiều người bị viêm da, viêm mũi. Nước thải từ Trạm than chảy ra môi trường đến nỗi trâu bò uống vào bị chết. Các loại xe tải trọng lớn vào ra Trạm cả ngày lẫn đêm, làm hư hỏng đường sá, bụi bay mù mịt”.
“Cháu của tôi bị viêm da, mấy đứa nhỏ hàng xóm thì tránh xa khu vực này vì sợ ngứa, viêm da. Còn viêm họng, viêm mũi dị ứng thì ở đây đa số đều bị. Nước thải của Trạm ra thải ra cũng khủng khiếp, đen cả 1 vùng, chảy xuống đến xóm dưới, đào đất xuống mấy tấc cũng còn đen. Vì nước chảy ra tích tụ lại thấm xuống lòng đất. Nói chung các nhà máy sản xuất từ gạch, bê tông đến than đều gây ô nhiễm toàn bộ, nặng nề” - bà Huyền cho biết thêm!
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ba nhà máy đang hoạt động hiện nay đều là của các DN khác ngưng hoạt động, chuyển nhượng lại mặt bằng. Điều đáng nói là cả ba nhà máy nằm giữa lòng khu dân cư thôn Hòa Mỹ, nơi có hơn 100 hộ dân sinh sống. Có nhà máy nằm cách nhà dân chỉ 1 bức tường. Trong các buổi đối thoại với người dân địa phương, đại diện lãnh đạo ba nhà máy này đã hứa sẽ khắc phục, nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp diễn.
Theo ông Võ Văn Thạnh, Chủ tịch UBND xã Tam Nghĩa: Hiện nay trên địa bàn thôn Hòa Mỹ có 3 DN đang sản xuất kinh doanh có ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, chủ yếu là do bụi phát tán ra môi trường. Các DN này sử dụng xe vận chuyển nguyên vật liệu quá tải ảnh hưởng đến giao thông. Quá trình vận chuyển tài xế không đảm bảo giờ giấc, chạy nhanh, kéo còi vào đúng giờ ngủ của nhân dân. Về lâu dài thì tôi đề nghị các cơ quan cấp trên nghiên cứu di dời các nhà máy này ra khỏi địa bàn khu dân cư để đừng ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân”.
Ông Trương Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, đây không phải là lần đầu tiên người dân thôn Hòa Mỹ, xã Tam Nghĩa gởi đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền. Đã nhiều lần bà con chặn xe DN, đề nghị di dời cả 3 nhà máy ra khỏi khu dân cư. Thế nhưng cái khó của địa phương, theo ông Trung là đã mời gọi đầu tư, cho DN thuê đất đến 50 năm. Nếu di dời nhà máy thì phải bố trí đất phù hợp, hỗ trợ di dời, điều này vượt khả năng của huyện. Còn việc đề nghị đóng cửa các nhà máy này cũng khó, vì kết quả quan trắc môi trường đều chưa vượt ngưỡng.
Với những “thế khó” hiện nay thì không biết cho đến bao giờ người dân nơi đây mới hết kêu trời vì cho rằng môi trường quá ô nhiễm.