SẮP XẾP LẠI TỔ CHỨC BỘ MÁY HÀNH CHÍNH: TỪ CHỦ TRƯƠNG ĐẾN HÀNH ĐỘNG - Bài cuối: Hiệu quả và bất cập
Chưa khi nào, việc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy và nhất thể hóa một số chức danh lại“nóng bỏng” như hiện nay. Sau Hội nghị Trung ương 6, vấn đề này càng được quan tâm. Đây là một chủ trương lớn, thiết thực, nếu thực hiện tốt không chỉ có một bộ máy chất lượng, giảm bớt ngân sách mà người dân, doanh nghiệp sẽ “ấm lòng” vì một nền hành chính của dân. Tuy nhiên, qua thực tế tại huyện Thanh Chương (Nghệ An)- địa phương làm tốt vấn đề này cho thấy, để thực hiện tốt thì nhiều vấn đề cần phải đư
Chị Nguyễn Thị Hằng Mơ- kiêm nhiệm 3 chức danh tại UBND thị trấn Thanh Chương, Nghệ An.
Thực hiện từ cơ sở
Thanh Chương là huyện nằm phía tây tỉnh Nghệ An, so với các huyện có cùng điều kiện tương tự thì địa phương này đang xếp sau trong phát triển kinh tế, xã hội vì nhiều lý do khách quan. Tuy nhiên, trong việc thực hiện các chủ trương, đặc biệt là các chủ trương mới thì đây lại là đơn vị luôn đi đầu. Ngày 25-10 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết 18 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Với tinh thần chung là, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Soi vào những nội dung trên, mới biết Thanh Chương đã manh nha thực hiện chủ trương này từ mấy năm qua.
Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2010-2015 tại Thanh Chương việc nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch xã có một đơn vị, đó là xã Thanh Phong. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ 2015-2020 con số này đã tăng lên đáng kể. Cụ thể, nhiệm kỳ 2015-2017 chỉ có 7 chức danh bí thư kiêm xóm trưởng, cùng với đó là 260 xóm trưởng là quần chúng, thì nhiệm kỳ 2017-2020 có số này đã tăng lên 103 xóm bí thư kiêm xóm trưởng và 206 xóm trưởng là đảng viên. Cơ cấu chi ủy ở những xóm này gồm: Bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng; Phó Bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận; chi ủy viên có thể kiêm công an viên (hoặc thôn đội trưởng), xóm phó. Đối với cấp xã, trong nhiệm kỳ 2015-2020 chức danh bí thư kiêm chủ tịch duy nhất chỉ có xã Võ Liệt, tuy nhiên đến sau gần 1 năm kiêm nhiệm, địa phương này đã “trở về” 1 bí thư, 1 chủ tịch.
Còn đối với những chức danh kiêm nhiệm trên địa bàn huyện Thanh Chương thường có ở những bộ phận như văn phòng, công tác đảng, khối dân, mặt trận. Trong số các xã làm tốt phải kể đến một số đơn vị như thị trấn Thanh Chương, xã Thanh Tiên, Thanh Lĩnh... Nếu như ở xã Thanh Tiên số cán bộ kiêm nhiệm có 5 người thì đơn vị thị trấn có 16 người kiêm nhiệm từ 2 đến 4 vị trí.
Chị Nguyễn Thị Hằng Mơ - cán bộ Văn phòng Đảng ủy thị trấn Thanh Chương, đang kiêm nhiệm chức danh phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đảng, phó bí thư đoàn thị trấn chia sẻ: “Việc kiêm nhiệm tạo cho tôi động lực để làm việc, dễ dàng thực hiện những việc mà mình phụ trách, am hiểu mọi vấn đề, không những thế chế độ cũng được tăng nhờ phục cấp các chức danh khác”. Điều đó chứng tỏ việc thực hiện tinh gọn bộ máy, kiêm nhiệm một số chức danh không phải là không làm được, tuy nhiên phải tùy cụ thể từng địa phương. Theo ông Nguyễn Trọng Anh- trưởng ban Tổ chức huyện ủy Thanh Chương (Nghệ An) thì trước hết phải nói rằng nếu kiêm nhiệm được chức danh bí thư kiêm chủ tịch tự quyết được một số nội dung, tránh được việc họp hành, tạo cho người lãnh đạo có được sự bản lĩnh, tâm huyết, uy tín, đoàn kết trong cơ quan và với nhân dân.
Vẫn bất cập
Hầu hết đều cho rằng, với cơ chế hiện nay việc kiêm nhiệm các chức danh bí thư kiêm chủ tịch vẫn còn nhiều bất cập. Ở cấp khối xóm, dù khó khăn nhưng vẫn làm được bởi khi người được kiêm nhiệm ngoài tính chủ động trong công việc thì chế độ đãi ngộ các chức danh kiêm nhiệm vẫn được giữ nguyên, thậm chí nếu bí thư kiêm xóm trưởng còn kiêm luôn cả trưởng ban công tác mặt trận nên được hưởng “ba lương”, điều đó cũng thúc đẩy quyết định của người được kiêm nhiệm. Ngoài ra, chủ trương bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng cũng gặp khó bởi một số khối xóm nông thôn hiện nay thiếu nguồn cán bộ. Trong chi bộ, đảng viên tuổi cao, sức khỏe yếu chiếm phần lớn, đảng viên trẻ, ngoài những đảng viên là cán bộ công chức xã, phường, số trưởng thành từ cơ sở trình độ, năng lực còn nhiều hạn chế. Số đảng viên hưu trí tâm lý ngại va chạm, thích nghỉ ngơi, không tham gia vào cấp ủy, ban cán sự xóm.
Còn đối với cấp xã vấn đề này còn khó gấp nhiều lần, bởi thực tế ở huyện Thanh Chương từ 2010 đến nay chỉ duy nhất có 2 địa phương là nhất thể hóa được chức danh bí thư kiêm chủ tịch như đã nói ở trên, trong đó có một xã chưa hết 1/5 chặng đường đã phải “quay về” hệ thống 1 bí thư, 1 chủ tịch.
Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ngọc - bí thư xã Thanh Phong (trong nhiệm kỳ 2010-2015 là kiêm nhiệm chức chủ tịch xã) cho biết: Không chỉ trong huyện mà tỉnh Nghệ An bản thân ông là người đầu tiên thực hiện kiêm nhiệm vừa là bí thư vừa là chủ tịch. Thuận lợi là chủ động, bao quát, sâu sát. Tuy nhiên khó khăn thì nhiều, nhất là hiện nay Nhà nước chưa có cơ chế gắn trách nhiệm cho cá nhân cho riêng bí thư, chủ tịch, phải cho họ thêm quyền nhưng đồng thời cũng gắn trách nhiệm vào đó. Ngoài ra, khi người kiêm nhiệm bí thư, chủ tịch làm công tác lãnh đạo, chỉ đạo thì những cấp phó giúp việc sẽ làm những việc gì thì vẫn chưa có trong quy định.
Đồng tình với quan điểm của ông Ngọc, ông Lê Đình Thọ- phó ban Dân tộc HĐND huyện Thanh Chương (bí thư kiêm chủ tịch xã Võ Liệt nhiệm kỳ 2015-2020) cho rằng, phải có cơ chế cho người đứng đầu, tăng thêm quyền và gắn trách nhiệm cho vị trí này, phải rõ ràng trong phân cấp, phải có văn hóa từ chức khi nhiệm vụ được giao nhưng không hoàn thành. Còn ông Nguyễn Trọng Anh - trưởng ban Tổ chức huyện ủy Thanh Chương cho rằng, việc kiêm nhiêm chức danh bí thư, chủ tịch ngoài những cái hay, cái được thì vẫn còn đó một số bất cập. Thứ nhất, hiện nay năng lực cán bộ để đảm bảo ví trí hai vai chưa đáp ứng được, không chỉ ở trình độ, kiến thức mà nó còn là uy tín, tâm và tầm của người đứng đầu. Thứ hai, khi đóng hai vai, vừa chỉ đạo vừa thực hiện liệu người đứng đầu có “phân định” rõ đầu là chỉ đạo đâu là thực hiện, vậy nên quy chế, quy định cho chức danh này là rất cần thiết. Cuối cùng là chế độ chính sách, mặc dù nhận hai vai nhưng chức vụ kiêm nhiệm chỉ được hưởng 20% lương, trong khi phần việc là gấp đôi.
Như vậy, Thanh Chương là một trong những địa phương đi đầu thí điểm và thực hiện đại trà chủ trương này, số lượng kiêm nhiệm đã tăng trong từng nhiệm kỳ, việc nhất thể hóa một số chức danh bước đầu mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, những khó khăn, bất cập vẫn còn hiện hữu, nếu như ở cấp xóm nguồn đảng viên là một vấn đề thì cấp xã lại là cơ chế, các quy định về chức danh này chưa rõ ràng, chế độ chưa đảm bảo.
Ông Đặng Anh Dũng - phó bí thư Huyện ủy Thanh Chương nhấn mạnh: “Theo tôi, ngoài các chế tài quy định thì để thực hiện được vấn đề này phải thực hiện từ trên xuống, từ Trung ương đến xã phường, phải có cơ chế giám sát, “nhốt” quyền lực. Có như vậy may ra mới thành công, chứ lâu nay ta nói nhất thể hóa, kiêm nhiệm chức danh nhưng chung quy cũng chỉ mới cấp xóm, khối, chứ cao hơn là rất ít, nếu có thì một vài nhiệm kỳ rồi thôi”.