100 năm Cách mạng tháng 10 Nga: Thành tựu to lớn trong tiến trình lịch sử nhân loại

Nam Việt (Tổng thuật) 05/11/2017 06:00

Những ngày này, nhiều nơi trên thế giới long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm cuộc cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2017), cuộc cách mạng “long trời lở đất”. Phát biểu tại Hội thảo khoa học “100 năm cách mạng Tháng Mười Nga và Chủ nghĩa xã hội hiện thực - Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại”, tổ chức tại Hà Nội ngày 26/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Thắng lợi của cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, lần đầu tiên


Lá cờ búa liềm cùng Lenin vĩ đại sống mãi trong lòng người dân Nga.

1.Một thế kỷ đã trôi qua tính từ cuộc cách mạng Tháng Mười Nga vào năm 1917. Nhưng nhân loại vẫn coi đây là sự kiện lịch sử quan trọng nhất trong vòng 100 năm nay, trên phương diện lịch sử thế giới. Bởi cuộc cách mạng đó đã đặt dấu chấm hết hoàn toàn chế độ quân chủ Nga, mở ra một chương mới cho sự phát triển của loài người. Cùng với Lenin, những người Bolshevik Nga đã “đứng lên không sợ hãi” chiến đấu chống lại chế độ áp bức. Và thành công của cuộc cách mạng đã thay đổi tiến trình lịch sử Nga mãi mãi.

Trong những tháng ngày long trời lở đất ấy, người dân Nga không phân biệt giai tầng xã hội đã đứng lên làm chủ vận mình của mình, của đất nước Nga vĩ đại. Nhiều văn nghệ sĩ cũng đã hòa vào với con sóng cách mạng trào dâng cuồn cuộn, trong số đó có nhà thơ Vladimir Mayakovsky (1893-1930)- người đã lấy cuộc cách mạng làm nguồn cảm hứng và lẽ sống của mình. Người ta nói rằng, lúc bấy giờ thơ của Maya xuất hiện như một cơn động đất làm vụn nát những quan niệm tư sản cũ kỹ còn nặng nề trong thi ca thời đó. Cùng với Marxim Gorky, Maya đã tạo thành trường phái văn học Nga-Xôviết mà ảnh hưởng của nó đã vượt khỏi biên giới của một quốc gia rộng lớn nhất hành tinh.

Tác phẩm của Maya trong những năm tháng ấy thôi thúc người dân xây dựng chính quyền Xôviết, trong đó phải kể đến trường ca “150 triệu” (năm 1920); trường ca “Tốt lắm”. Với trường ca này, chủ đề trung tâm trong thơ Maya đã được chuyển sang một phương diện mới, đó là Tổ quốc. Tràn ngập niềm xúc động, ông viết: “Tôi ngợi ca/Tổ quốc/ngày nay/Tôi ngợi ca gấp ba lần/Tổ quốc/ngày mai!”. Cũng từ cảm hứng vô cùng mạnh mẽ của cuộc cách mạng, Maya đã viết trường ca “Vladimir Ilich Lenin”.

Sau này, rất nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo, các sử gia không chỉ của nước Nga đã có những tác phẩm xuất sắc về cuộc cách mạng Tháng Mười.

“Mười ngày rung chuyển thế giới” được nhà báo Mỹ John Reed xuất bản đã giúp thế giới hiểu thêm về cuộc cách mạng vĩ đại ấy. John Reed sinh năm 1887 trong một gia đình khá giả ở thành phố Portland, bang Oregon của Mỹ. Ông đã “chu du” nhiều nơi trên thế giới, cho đến mùa hè năm 1917 ông đến nước Nga. Tại đây, ông đã được chứng kiến bước chuyển mình của xã hội Nga, báo trước một cơn bão táp cách mạng đang tràn đến. Vậy nên khi cuộc cách mạng nổ ra vào ngày 7/11/1917, ông đã nhanh chóng thấy được sức mạnh vô địch của quần chúng công nông binh dưới sự dẫn dắt và lãnh đạo của Lenin và những người Bolshevik.
Xuất bản năm 1919 tại New York (Mỹ), “Mười ngày rung chuyển thế giới” gồm 12 chương, đã đem đến cho độc giả một cảm nhận chân thực và toàn cảnh về cuộc cách mạng vĩ đại ở nước Nga. John Reed nói rằng, mình đã “kể lại lịch sử những ngày vĩ đại ấy bằng con mắt của một người ghi chép có lương tâm, cố gắng ghi lại sự thật”. Sau này tạp chí New York Times đã xếp “Mười ngày rung chuyển thế giới” vào danh sách “100 ấn phẩm báo chí xuất sắc nhất mọi thời đại”.

2.Giới sử gia thống nhất cho rằng, cuộc cách mạng Tháng Mười Nga đã trở thành mẫu mực cho các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa sau này.

Trước khi cuộc cách mạng chính thức nổ ra (7/11), trong suốt tháng 9, lãnh tụ Lenin khi đó ở Phần Lan đã liên tục gửi thư cho các đồng chí của mình ở trong nước hối thúc phải giành chính quyền ngay, phải lật đổ chính phủ tư sản càng sớm càng tốt. Lenin nói rằng “chần chừ có nghĩa là chết”.

Vào đêm 7/11/1917, (25/10 theo lịch Nga), lực lượng Cận vệ Đỏ của đảng Bolshevik bắt đầu hành động, chiếm các cơ quan chính quyền ở thủ đô Petrograd (Saint Petersburg ngày nay) của đế chế Nga. Sau đó họ đánh chiếm Cung điện Mùa Đông, nơi đặt trụ sở của chính phủ lâm thời và nơi ở của nhiều bộ trưởng và quan chức tư sản Nga. Trước đó, Lenin đã về viện Smolny trực tiếp chỉ huy cuộc cách mạng.

Quá trình tiến chiếm thủ đô Petrograd của quân cách mạng bắt đầu vào sáng ngày 7/11. Trong ngày, các đội Cận vệ Đỏ và binh sĩ trung thành với Xôviết đã đánh chiếm các cơ sở xung yếu, như các tòa nhà chính quyền, trạm điện tín, cầu, trục đường chính, và kho vũ khí... hướng tới mục tiêu lớn nhất là Cung điện Mùa Đông. Lệnh tổng tấn công chính thức được phát đi vào buổi tối hôm đó. Vào lúc 21h45, các thủy thủ từ quân cảng Kronstadt khai hỏa pháo trên tuần dương hạm Rạng Đông để làm tín hiệu cho cuộc tấn công. Lập tức pháo từ bên kia sông Neva bắn cấp tập vào Cung điện, trong khi lực lượng Cận vệ Đỏ bắt đầu nhả đạn vào các vị trí phòng thủ của khu nhà. Chỉ 4 tiếng sau, 1.500 căn phòng của Cung điện Mùa Đông đã thuộc quyền kiểm soát của những người cách mạng.

Cũng ngay tại thời điểm đó, Đại hội Xôviết được nhóm họp, bất chấp đại biểu khối Menshevik và trung dung bỏ Đại hội ra về. Đại hội đã thông qua nghị quyết do Lenin soạn thảo với nội dung hết sức quan trọng: Chính phủ Xôviết đề xuất hòa bình tức khắc với tất cả các nước, trao đất cho nông dân, trao quyền kiểm soát sản xuất cho công nhân, bảo đảm quyền lợi cho binh sĩ, cung cấp bánh mì cho các thành phố, nhu yếu phẩm cho làng mạc, bảo đảm các dân tộc trong nước Nga hưởng quyền tự quyết thực thụ. Đại hội chuẩn y rằng tất cả quyền lực ở các địa phương sẽ chuyển giao cho các Xôviết. Tại một Đại hội ngay sau đó, đêm 8/11, các đại biểu đã thảo luận và thông qua các sắc lệnh Xôviết đầu tiên về hòa bình và đất đai.

3.Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã trải qua chặng đường 100 năm. Cho dù đây đó vẫn còn ý kiến muốn đánh giá lại cuộc cách mạng cũng như vai trò của Lenin, nhưng thực tế lịch sử là không thể bị bóp méo. Tới nay, giá trị vĩ đại của nó vẫn tỏa sáng trong quá trình phát triển các hình thái kinh tế-xã hội của nhân loại.

Nhà xã hội học P.Sorokin, nhà sử học L.Karsavin chứng minh rằng, cách mạng Tháng Mười không chỉ ở mức phá bỏ trật tự thế giới cũ, phá bỏ sự áp bức khốc liệt, mà còn tiến tới một kiểu nhà nước mới, với một nhận thức mới về xã hội.

Xã hội nước Nga đã có nhiều đổi thay kể từ ngày nổ ra cuộc cách mạng long trời lở đất ấy, nhưng những điều cơ bản, những giá trị cốt lõi mà nó đem lại vẫn được gìn giữ và phát huy trong cuộc sống hôm nay. Cuộc cách mạng đó đã đem lại cho những người dân bình thường, những người lao động chân chính cuộc sống mà họ đáng được hưởng. Vì thế, đối với họ, ngày 7/11 hàng năm luôn là một ngày hội.

Người Nga hôm nay nghĩ gì về cách mạng Tháng Mười? Để trả lời câu hỏi đó, GS.TS sử học Aleksandr Reshetov (Viện Hàn lâm khoa học Nga) dẫn ý kiến của Mayakovky rằng: người ta không thể nhìn hết được nhau khi mặt đối mặt, người ta chỉ có thể thấy nhau nhiều hơn khi đứng cách nhau một khoảng cách. Nay, khoảng cách đã lùi xa đủ để khẳng định rằng cách mạng Tháng Mười là sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại thế kỉ 20. Không ai có thể phủ nhận rằng, lần đầu tiên trong lịch sử loài người một xã hội công bằng cho toàn thể người lao động đã được sáng lập.

Cách đây 10 năm, ngày 31/10/2007, Sergei Mironov- Chủ tịch Thượng viện Nga viết trên tờ Nước Nga rằng, khi đánh giá cách mạng Tháng Mười, nếu ai đó bỏ đi định ngữ “vĩ đại” là không đúng, vì cách mạng Tháng Mười Nga, xét theo cả về quy mô và tầm ảnh hưởng đối với các tiến trình trên thế giới, là một cuộc cách mạng vĩ đại. “Hãy để chiến hạm “Rạng Đông” tiếp tục neo trên sông Neva, hãy để những ngôi sao đỏ lấp lánh trên những ngọn tháp Điện Kremli và hãy để cho biểu tượng búa liềm còn mãi trên lá cờ chiến thắng, đúng như lịch sử đã có”- ông viết.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, ngày 28-10, tại thủ đô Moskva, Hội đồng tổ chức xã hội “Các nhà khoa học định hướng xã hội chủ nghĩa toàn Nga” (RUSO) đã tổ chức hội thảo với chủ đề: “Tháng Mười vĩ đại: Thành tựu, bài học và nhìn về tương lai”. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng RUSO Ivan nhấn mạnh: “Chiến thắng của giai cấp vô sản ở Nga tháng 10 năm 1917 là chiến công quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại”. Chính nhà nước do V.I.Lenin sáng lập đã đánh bại chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quân phiệt, cứu loài người khỏi thảm họa diệt chủng.
Nói như Đại sứ đặc mệnh toàn quyền LB Nga tại Việt Nam K.V.Vnukov thì cuộc cách mạng vĩ đại đó là sự kiện trọng đại nhất trong lịch sử nước Nga và thế giới đương đại. Kết quả chính của sự kiện này là sự ra đời của Liên Xô. Liên Xô cũ trên thực tế không chỉ là một Nhà nước, mà là cả một kỷ nguyên, di sản của nó đến nay vẫn có ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế - chính trị đương đại.

Nam Việt (Tổng thuật)