Phòng bệnh trong mùa mưa lũ
Mưa lũ vừa qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc và duyên hải miền Trung đã khiến nguy cơ sốt xuất huyết, sốt rét, cảm cúm, đau mắt đỏ và các bệnh về đường tiêu hóa đe dọa sức khỏe người dân. Vậy phải phòng chống cách nào?
Cán bộ y tế Hà Tĩnh đến từng nhà dân hướng dẫn cách thau rửa nguồn nước, phòng ngừa dịch bệnh sau lũ.
Những bệnh dễ lây nhiễm
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải... theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa (như: tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ...).
Theo phân tích của các chuyên gia y tế, môi trường ẩm ướt, ô nhiễm là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, do đó bệnh sốt xuất huyết rất dễ xảy ra.Mùa mưa bão hàng năm đồng thời cũng là đỉnh dịch sốt xuất huyết ở nhiều nơi. Để phòng bệnh, mọi nhà cần loại bỏ nơi sản sinh của muỗi, dẹp bỏ các dụng cụ chứa nước tù đọng, diệt bọ gậy/lăng quăng. Nên giữ vệ sinh nhà cửa và quanh nơi ở thật sạch sẽ để không có nước đọng trong nhà tạo nơi sinh sản cho muỗi.
Thời tiết ẩm thấp, mưa nhiều cũng làm tăng khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp trong đó phổ biến nhất là cúm, cảm lạnh. Khi bị cảm, cơ thể xuất hiện triệu chứng đau đầu, hắt hơi, sổ mũi, ho,... Các triệu chứng nặng hơn là sốt cao, sốt kéo dài, người rét run và vã mồ hôi, mệt mỏi. Một số trường hợp, cảm lạnh và cúm có thể dẫn đến viêm phổi, viêm xoang, viêm tai hoặc viêm họng. Các bệnh hô hấp thường có khả năng lây nhiễm cao, tạo thành dịch, gây khó khăn cho việc điều trị.
Đau mắt đỏ là bệnh phổ biến, thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, bệnh sẽ dễ mắc và dễ bùng phát thành dịch tại những nơi mà điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm. Trong mùa mưa lũ, thời tiết ẩm tạo điều kiện cho virut phát triển, kèm theo đó là thói quen sử dụng nước giếng khơi bị nhiễm bẩn. Đây là những nguyên nhân khiến số người mắc bệnh đau mắt đỏ tăng cao trong mùa mưa lũ.
Còn theo bác sĩ Ngô Minh Vinh (Bệnh viện Da liễu TP.HCM), mùa mưa được xem là điều kiện thuận lợi để các bệnh về da bùng phát. Nguyên nhân là do mưa xuống ứ đọng, các chất thải khiến cho nước bị nhiễm bẩn, việc da tiếp xúc trực tiếp với các vi sinh vật gây hại có trong nước bẩn khiến da dễ bị viêm nhiễm, phát sinh nhiều bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Một số bệnh ngoài da thường gặp mùa mưa như nấm kẽ chân, nấm móng, ghẻ, viêm da, viêm nang lông, nước ăn chân (do nấm kí sinh gây ra), mẩn ngứa...
Khuyến cáo người dân
Trước tình hình trên, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: Để chủ động phòng chống dịch trong mùa mưa lũ, người dân nên lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi; thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Cũng theo các chuyên gia y tế, khi mưa, bão xảy ra, sức khỏe và tính mạng người dân bị đe dọa do dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm; nhất là sau lũ, lụt, bởi vậy cần thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.
Mọi người nên mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày; thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế; thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, người dân cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất...
Với các gia đình có nguồn nước bị ảnh hưởng bởi mưa bão, không nên tiếp tục sử dụng nguồn nước đó. Nếu chưa có nước sạch, người dân cần chủ động thau rửa, vệ sinh sạch sẽ giếng, các nguồn nước sinh hoạt của mình, sát trùng bằng cloramin B hoặc clorua vôi theo hướng dẫn của cán bộ y tế cơ sở. Khi phải dùng nước lũ làm nước dùng thì có thể dùng phèn chua hòa vào nước (1g phèn chua với 20 lít nước), chờ 30 phút cho cặn lắng xuống rồi gạn lấy nước trong. Hoặc dùng vải để lọc bớt chất bẩn trước khi tắm rửa. Để uống thì chúng ta vẫn phải đun sôi loại nước này.
Phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.
Bộ Y tế vừa có công điện gửi sở y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; các đơn vị chức năng thuộc cơ quan Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Bắc, miền Trung, đề nghị chủ động triển khai công tác y tế khắc phục hậu quả mưa lũ. Công điện yêu cầu các cơ sở y tế hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng cách vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày, ăn chín uống sôi, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh mầm bệnh. Chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa lũ gây ra. Các đội cấp cứu ngoại viện luôn trong trạng thái sẵn sàng làm nhiệm vụ và ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh. |