Sổ tay: Gia đình hay nhà trường?
Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện các clip học sinh đánh nhau ở ngay trong lớp học hoặc bên ngoài khuôn viên nhà trường. Trong các clip này, cho thấy, mức độ ngày càng nghiêm trọng đáng lo ngại khi không chỉ học sinh đánh nhau mà cả nhóm học sinh đánh một học sinh, thậm chí là phụ huynh đánh học sinh và giáo viên ngay trong trường học với các hành động đánh, đấm, dẫm, đạp lên người, lên đầu, thậm chí dùng cả gậy hành hung một bạn hết sức tàn bạo. Còn nạn nhân thì không t
Từ chuyện học sinh bộc phát đánh nhau, bè phái, tấn công nhau bằng lời lẽ, vũ lực, đến việc xử lý kỷ luật học sinh vi phạm là hạ hạnh kiểm, đình chỉ học một thời gian, hoặc đuổi học... đều để lại những hệ lụy lâu dài và khó lường đối với cả nạn nhân và học sinh mắc lỗi.
Con số thống kê từ Bộ GD&ĐT cho thấy trung bình một năm học toàn quốc xảy ra 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, bình quân năm vụ một ngày; cứ hơn 5.200 học sinh có một vụ bạo lực và trong 11 nghìn học sinh có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau. Bạo lực học đường là câu chuyện không mới, nhưng lại luôn là vấn đề nóng đối với xã hội. Nguyên nhân được phân tích mổ xẻ và những giải pháp ngăn chặn đã được đề ra không ít nhưng bạo lực học đường vẫn còn nhức nhối bùng phát và lời giải cho bài toán khó này xem ra vẫn còn hết sức khó khăn.
Trong nhiều phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội những ngày qua, vấn đề này lại được các đại biểu đưa ra bàn thảo với những băn khoăn bởi thực trạng chưa có giải pháp giải quyết triệt để. Đại biểu Quách Thế Tản (đoàn Hoà Bình) chia sẻ: Không chỉ là đánh nhau, bạo lực học đường còn diễn ra ở hình thức thóa mạ trên mạng xã hội, xúc phạm nhau ở lớp, gây ức chế tinh thần dẫn đến có trường hợp các cháu phải quyên sinh. Theo ông tình trạng này gióng lên hồi chuông báo động đối với ngành giáo dục trong việc phối hợp cùng với các cơ quan chức năng, phụ huynh quản lý, dạy bảo học sinh. Trong đó, phương pháp giáo dục của một số gia đình chưa tốt đã tác động xấu đến các em. Giáo dục gia đình phải là nền tảng.
Nhiều bậc phụ huynh khi đau đầu tìm biện pháp hỗ trợ con cái trong quá trình học tập và sinh hoạt đều đồng cảm với chia sẻ của thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà - chuyên gia tư vấn tâm lý học đường (Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội) rằng, với học sinh tuổi teen, bước chuyển từ trẻ em, chuẩn bị thành người lớn gặp rất nhiều vấn đề về thay đổi tâm sinh lý, suy nghĩ định hướng cho tương lai, các mối quan hệ của bản thân với bạn bè, cách thức để xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp sau này... Tất cả đều cần sự trao đổi, chia sẻ vì không phải đứa trẻ nào cũng có đủ vốn sống, sự mạnh mẽ để giải quyết mọi khúc mắc. Vì vậy, cần cả vai trò của nhà trường và gia đình.