Tây Nguyên khắc phục hậu quả sau bão ‘con voi’
Tây Nguyên là khu vực ít khi phải hứng chịu sự tàn phá của các cơn bão. Thế nhưng sau khi đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung Bộ bão “Damrey” đã kéo lên càn quét các tỉnh khu vực Tây Nguyên gây thiệt hại về người và của.
Một ngôi trường bị bão cuốn tốc mãi ở Krông Bông.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 5/11, trên địa bàn tỉnh đã có 1 người chết, 3 người bị thương do ảnh hưởng của cơn bão số 12. Nạn nhân tử vong là ông Y Soah Niê (72 tuổi, trú tại xã Yang Mao, huyện Krông Bông) và 3 người khác bị thương trú tại huyện M’Đrắk.
Trên địa bàn toàn tỉnh đã có 113 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 1.307 nhà dân, 5 trụ sở cơ quan và 11 trường học bị tốc mái, 2.323 hộ dân bị cô lập cùng hàng trăm trụ điện bị gãy đổ, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, cầu cống bị cuốn trôi, hư hỏng. Về sản xuất nông nghiệp, đến nay đã có 7.759ha cây trồng các loại bị gãy đổ và ngập lụt. Trong đó có 60ha lúa, 3.848ha ngô, 3.554ha mía, sắn, cây ăn quả…). Số diện tích này tập trung chủ yếu ở các huyện M’Đrắk, Krông Bông, Krông Năng…
Riêng các hồ đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh vẫn đang trong tình trạng an toàn. Một số hồ đã bắt đầu xả lũ để điều tiết nước.
Cụ thể như tại Krông Búk hạ 38 m3/s; hồ Ea Súp thượng 70 m3/s; hồ thủy điện Buôn Tua Sar 664 m3/s; hồ Buôn Kuốp 284 m3/s; Sêrêpốk 3 425 m3/s…theo dự kiến, một số hồ sẽ tăng lưu lượng xả lũ vào ngày 5/11 để điều tiết nước vì trên địa bàn vẫn có mưa to, nhiều nơi mưa rất to.
Ghi nhận tại một số huyện bị bão càn quét đi qua, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện M’Đrắk. Một số nhà dân ở xã Krôgn Jin, Ea Riêng bị tốc mái . Đặc biệt, ngầm tràn liên hợp Ea Hmlay tại xã Cư Prao bị nước lũ cuốn trôi khiến gần 500 hộ dân vẫn còn bị chia cắt, mưa to cũng gây ngập cầu 14 thuộc km 52 + 564, quốc lộ 26 (giáp gianh với tỉnh Khánh Hòa) gây ách tắt giao thông khu vực này.
Người dân Tây Nguyên thiệt hại sau bão 12.
Trên Quốc lộ 26 (huyện Ma Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) bị sạt lở nghiêm trọng, đất đá tràn xuồng đường khiến giao thông bị ùn tắc. Tại các huyện như Krông Năng, có 3 nhà bị sập gồm xã Ea Tân sập 1 nhà mới xây dựng; xã Phú Lộc 2 nhà bị sập do cây thông đổ xô ngã; 21 nhà bị tốc mái (tổ dân phố 4, trấn Krông Năng 2 nhà; các xã: Phú Xuân 1 nhà; Đliê Ya 6 nhà; Phú Lộc 3 nhà; Ea Toh 2; Tam Giang 7 nhà). Về cây cối, hoa màu, toàn huyện có khoảng 100 ha cà phê bị ngập; 30 ha trụ tiêu, 200 cây cao su và 200 cây bơ 5 năm tuổi bị gãy, đổ.
Theo thống kê sơ bộ của huyện Lắk đến 5/11, có khoảng 350 ha cây trồng ngắn ngày như lúa, ngô và khoai lang bị ngập; 30 con bò tại xã Đắk Phơi và Đắk Liêng bị nước cuốn trôi; 8 nhà dân bị sập do cây đổ và gió lốc; tốc mái 23 nhà dân và đường dẫn vào cầu sắt buôn Pai, xã Đắk Phơi bị hư hỏng dài khoảng 35 mét, gây chia cắt.
Tại tỉnh Đắk Nông, ông Lê Viết Thuận, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp- PTNT), Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Đắk Nông cho biết: Do ảnh hưởng của cơn bão số 12, trên địa bàn tỉnh có mưa to và gió lớn làm tốc mái 20 ngôi nhà tại các xã Đắk Hòa (Đắk Song), Quảng Phú (Krông Nô) và khoảng 10 ha tiêu ở các xã Nâm N’đir, Đức Xuyên bị hư hại. Cây cối ở một số tuyến đường trên địa bàn các xã Quảng Sơn (Đắk Glong), Đức Xuyên (Krông Nô) bị đổ ngã. Tại xã Đắk Hòa, huyện Đắk Glong đã có 12 căn nhà của người dân bị tốc mái; tại xã Nậm Đ’ri có trên 1.000 trụ tiêu bị gãy đổ.
Để đảm bảo an toàn hồ đập, Ban phòng chống lụt bão tỉnh Đắk Nông cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra các công trình, hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn. Ghi nhận ban đầu hiện mực nước các công trình đang ở mức an toàn, do trước đó các đơn vị đã chủ động xả nước để đề phòng trường hợp lũ chồng lũ có thể xảy ra.
Chung tay khắc phục hậu quả sau bão.
Ngày 5/11, cùng với việc tích cực triển khai công tác khắc phục hậu quả, giúp dân sớm ổn định cuộc sống, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chỉ đạo các địa phương trong tỉnh luôn nâng cao cảnh giác, đề phòng lũ quét và sạt lở đất xảy ra.
Theo thống kê chưa đầy đủ, bão số 12, gây mưa và gió mạnh trên diện rộng đã khiến hơn 70 nhà ở của người dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bị tốc mái và đổ sập, hàng trăm ha hoa màu, cây công nghiệp dài ngày, nhà kính nhà lưới sản xuất rau hoa công nghệ cao đã bị ngập và hư hỏng, nhiều công trình giao thông, cầu, cống bị sạt lở, cuốn trôi và ngập chìm trong nước, khiến một số khu vực sản xuất và dân cư bị chia cắt. Trong đó, xã Đạ Long của huyện Đam Rông và xóm Rlu, thôn Rteng, xã Phú Sơn của huyện Lâm Hà đã bị cô lập hoàn toàn. Có tất cả 3 người chết do lũ quét và nước cuốn trôi.
Ngay khi bão tan, các lực lượng chức năng của tỉnh Lâm Đồng triển khai ngay các giải pháp để khắc phục hậu quả.
Nhà cửa của người dân chẳng còn lại gì.
Cụ thể, cây cầu độc đạo đi vào xã Đạ Long của huyện Đam Rông bị lũ cuốn trôi đã được chính quyền địa phương nơi đây bố trí một cây cầu tạm khác thay thế, giải quyết được nhu cầu đi lại và vận chuyển các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lâm Đồng, mặc dù bão đã tan, mưa tạnh, nhưng lượng nước từ đầu nguồn vẫn tiếp tục đổ về nên công tác phòng chống lũ quét và sạt lở đất vẫn đang được chính quyền các địa phương trong tỉnh nâng cao cảnh giác, chủ động ứng phó khi có sự cố xảy ra.