Thiếu hạt giống và vùng nguyên liệu

Thanh Giang 06/11/2017 09:35

Xuất khẩu gạo thời gian qua đạt được thành tựu đáng kể, nhưng nhìn chung chất lượng gạo chưa cao, giá trị gia tăng thấp dẫn đến khả năng cạnh tranh và phát triển thị trường bất ổn. Theo doanh nghiệp xuất khẩu, muốn hóa giải “điểm nghẽn” cho hạt gạo phải lựa chọn hạt giống và xây dựng vùng nguyên liệu.


Giống lúa chất lượng cao quyết định hiệu quả hoạt động xuất khẩu gạo.

Trăn trở hạt giống

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, thời gian tới sẽ thay đổi cơ cấu mặt hàng gạo xuất khẩu. “Việt Nam sẽ xuất khẩu những sản phẩm thị trường cần chứ không xuất khẩu sản phẩm có sẵn. Đặc biệt, xuất khẩu những loại gạo có giá trị gia tăng cao, dần tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các hệ thống siêu thị nước ngoài”, ông Phan Văn Chinh - cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu khẳng định. Theo chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo mới trình Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 sẽ điều chỉnh sản lượng gạo trắng cấp thấp và trung bình còn dưới 20%, gạo trắng cấp cao khoảng 25%...

Mặc dù kế hoạch thay đổi cơ cấu mặt hàng gạo xuất khẩu được đặt ra khá rõ ràng song các nhà xuất khẩu trong nước băn khoăn về giống lúa. Bởi vì đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa xác định được giống lúa chủ đạo cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Theo nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong chiến lược phát triển xuất khẩu lúa gạo cần xác định rõ ràng đâu là những thị trường xuất khẩu trọng tâm và tiềm năng? Nhu cầu thị trường cần những chủng loại gạo gì, quy định về chất lượng sản phẩm ra sao để có kế hoạch chọn giống cho quá trình sản xuất của người nông dân trong nước.

Đồng quan điểm trên, đại diện Vinafood 1 cho rằng, năng suất lúa hiện tại của ta khoảng 5,3 tấn/ha, trong khi Thái Lan chỉ khoảng 2,8 tấn/ha, tuy nhiên giá trị xuất khẩu thu được của họ lại cao hơn nhiều so với Việt Nam. Các thương hiệu gạo của Thái Lan tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường thế giới, trong khi gạo Việt không được người tiêu dùng biết tới.

Chính vì xuất phát điểm của nguồn nguyên liệu nêu trên nên dù Việt Nam đứng nhất nhì về số lượng gạo xuất khẩu hàng năm nhưng giá trị thường đứng hàng thấp nhất nhì thế giới. Thị trường đầu ra của gạo rất bấp bênh, hay bị ép giá, thương hiệu gạo của DN đa số không mạnh dẫn đến thương hiệu gạo Việt Nam trên thế giới vô cùng mờ nhạt.

Chưa chú trọng vùng nguyên liệu

Phân tích kỹ về điều kiện tốt thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo, DN và cơ quan quản lý khẳng định, ngoài việc chọn giống lúa chất lượng cao cho thị trường cần tập trung xây dựng vùng nguyên liệu sản phẩm. Hầu hết DN xuất khẩu bày tỏ, muốn ổn định nguồn cung và phát triển thị trường xuất khẩu gạo đòi hỏi phải xây dựng cho bằng được vùng nguyên liệu lúa.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc công ty cổ phần lâm nghiệp công nghệ cao Trung An dẫn chứng, thực tiễn chứng minh, từ năm 2011 đến nay kể từ khi có các thương nhân xây dựng vùng nguyên liệu lúa, DN liên kết với nông dân gắn sản xuất với tiêu thụ thì năm 2012 Việt Nam đã có quyền tuyên bố với các thương nhân nhập khẩu gạo nước ngoài rằng, Việt Nam sẵn sàng cung cấp gạo cho các nước với chất lượng cao, gạo đồng nhất chỉ 1 loại giống.

Do cung cấp được gạo chất lượng cao và cũng chính từ đó các nhà nhập khẩu gạo nước ngoài phải trả thêm cho các thương nhân xuất khẩu gạo Việt Nam trung bình từ 50 – 80 USD/tấn đồng nhất nêu trên. Các năm tiếp theo nhiều loại gạo đồng nhất, thơm, sạch của Việt nam được nhiều nhà nhập khẩu gạo ở các quốc gia đặt hàng. Về việc xây dựng vùng nguyên liệu, đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, nên xác định rõ vùng nguyên liệu. Ví dụ, có thể lấy vùng Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới thị trường xuất khẩu là chính, đồng thời quan tâm đúng mức đến thị trường nội địa. Sử dụng nhóm giống lúa chất lượng cao (gạo trắng, hạt dài, thơm nhẹ hoặc không thơm) chiếm khoảng 50%, giống lúa thơm chiếm khoảng 25%, nếp và đặc sản địa phương chiếm khoảng 15%.

Song song với lựa chọn giống lúa, xây dựng vùng nguyên liệu phải hướng đến chuyên môn hóa nông dân trồng lúa bằng cách khuyên khích tích tụ đất đai cho sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Với những DN liên kết với nông dân cần sự hỗ trợ đất, vốn, thuế - phí… Đặc biệt, chú ý xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tốt hoạt động sản xuất, chế biến. Ví dụ, đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nhà nước nên đầu tư thích đáng để hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, thu hoạch, chế biến, thương mại. Đảm bảo đạt cơ giới hóa 100%, đạt sản xuất theo phương thức tập thể, liên kết, liên doanh 100%, áp dụng công nghệ tiên tiến công nghệ cao trong chuỗi giá trị.

Thanh Giang