Học văn và nhân cách

Linh Đan 06/11/2017 08:15

Bạn tôi kể chuyện con cô ấy học lớp 3, đang làm quen với dạng văn tả người. Đề bài cô giáo cho để các em tập luyện cũng phong phú như tả bố mẹ, ông bà, hoặc một người hàng xóm tốt bụng…

Con nít vốn hồn nhiên, nên cho dù trước đó đã được cô đọc và hướng dẫn cho làm văn mẫu thì hơn 20 bài văn tả của các học sinh trong lớp của con là 20 bài tả thực rất sinh động. Có bạn tả mẹ gầy sọm vì vất vả, có bạn tả mẹ hay thay đổi kiểu tóc, bạn khác tả mẹ rất thích nghe nhạc...Còn con thì tả mẹ “vừa cao, vừa béo”…

Bài văn của con chỉ được cô cho điểm 7, con về hậm hực: cô chê con làm văn không hay vì tả người …xấu (!) Cô bảo tả người phải tả đẹp, nên những bạn nào tả mẹ đen, gầy, béo, thấp…cô đều sửa thành “ mẹ em rất thon thả và xinh xắn”. Đoạn kết mỗi bài văn đều phải có chung một ý đại loại: “ em hứa sẽ học giỏi để mẹ vui lòng”. Vì thế, khi đoạn kết bài văn của con có câu: “ em thích đến cuối tuần để được mẹ đưa đi chơi…” đã bị cô gạch đỏ choe choét.

Câu chuyện bài văn của học trò tiểu học nghe thấy vui vui, nhưng cũng khiến người ta liên tưởng ngay tới thực trạng giáo dục hiện nay, đó là việc dạy văn ( nói riêng), cũng như việc dạy và học nói chung đang rất khuôn mẫu, giáo điều. Mà chẳng phải bây giờ, từ hồi những phụ huynh như chúng tôi còn đi học phổ thông, những bài văn dù tả cảnh hay tả người cũng đều phải tuân theo một yêu cầu mẫu với đầy đủ mở bài, thân bài, kết luận. Tôi vẫn nhớ, khi cô giáo ra đề bài tả về ông nội, thay vì tả ông có mái tóc bạc phơ, màu da mồi rám nắng, ông rất yêu quí các cháu…thì cậu bạn ngồi bên cạnh tôi đã gần như kể một câu chuyện về hoàn cảnh gia đình mình.

Đó là một gia đình có đông con, nhưng không ai chịu nuôi ông nội đã già yếu ngoài 80 tuổi. Bà nội mất sớm nên ông phải ở một mình, ông tự chặt củi, luộc khoai, hôm nào hết gạo thì ông phải nhịn đói...Bài văn ấy tất nhiên bị cô giáo phê là lạc đề và xơi điểm kém. Ngày ấy, các phương tiện truyền thông cũng chưa phát triển như bây giờ nên câu chuyện bài lạc đề của bạn tôi chỉ được bàn tán rộ lên ở trường một vài hôm, rồi tất cả lại trở về như cũ. Sau bài văn bị chê là lạc đề ấy, cậu bạn lớp tôi càng trở nên ít nói hơn. Ngày ấy chúng tôi cũng còn quá nhỏ để hiểu và chia sẻ tâm tư với bạn. Lớn hơn một chút, nghĩ lại mới thấy chắc phải tâm trạng lắm, phải thương xót ông nội lắm bạn ấy mới viết ra những dòng gan ruột thế. Mà có lẽ cũng chẳng biết nói với ai, kể với ai nên nhân có đề tập làm văn tả người ông, bạn ấy mới thổ lộ những tâm sự thật của mình.

Tôi nghĩ sẽ có nhiều người đồng ý với tôi, chỉ khi viết ra những tâm tư tự đáy lòng, những cảm xúc thật nhất thì bài văn mới được coi là hay nhất. Đó quyết không phải những bài văn có mở bài, thân bài và kết thúc đều na ná giống nhau. Rõ ràng cách dạy văn và học văn như hiện nay chẳng những không giúp học sinh thể hiện tư duy sáng tạo, lại vừa không giúp các em thể hiện rõ nhân cách của mình. “Văn là người”, hay nói rộng hơn văn chính là cuộc sống- tôi vẫn nhớ lời thầy giáo của mình từng dạy cách đây hơn nhiều chục năm về trước.

Linh Đan