Gỡ rào cản để phát triển
Tới thời điểm hiện tại, nền kinh tế vẫn đang còn mất cân đối ở cán cân thương mại, bội chi và đầu tư công. Đây được coi là những rào cản cần được tháo gỡ để thực hiện mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững, không chỉ cho năm 2018 mà còn là những năm tiếp theo. Trao đổi với ĐĐK, đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (Thành phố Hồ Chí Minh) đã đưa ra những giải pháp để tháo gỡ 3 rào cản đó.
Ông Trần Anh Tuấn.
PV: Thưa ông, ông nghĩ sao khi Chính phủ đưa mức bội chi của năm 2018 là 3,7%, cao hơn so với năm 2017. Trong khi chúng ta đang thực hiện việc tinh giản biên chế, như vậy chi cho bộ máy sẽ giảm xuống nhưng dự toán bội chi năm 2018 lại tăng?
Ông Trần Anh Tuấn: Vì chúng ta phải tập trung vốn cho đầu tư phát triển tăng lên, thứ hai là để trả nợ khi lãi và gốc cũng tăng. Cho nên để cho tăng trưởng năm 2018 đạt 6,5 % và cũng muốn đạt 6,7 % thì phải tăng chi cho đầu tư phát triển. Trong khi đó chi thường xuyên chưa giảm ngay được trong năm 2018 vì vẫn đang tiếp tục giảm biên chế, và việc này cần có thời gian. Hiện chi tiêu thường xuyên tỷ lệ vẫn cao từ 62-64%. Do đó tỷ lệ cơ cấu chi cho đầu tư phát triển vẫn nằm ở mức khá khiêm tốn do đó phải đẩy mạnh đầu tư công thì mới đảm bảo tốc độ tăng trưởng đạt 6,5-6,7%.
Vậy trong bối cảnh bội chi tăng cao áp lực trả nợ công trong năm 2018 sẽ như thế nào, thưa ông?
- Chúng ta đang vay nhưng lại chưa giải ngân được hết. Ví dụ như các dự án liên quan đến sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, ODA phải trả lãi. Chưa giải ngân được nhưng vẫn phải gắn với lãi phải trả. Dự kiến năm tới Chính phủ sẽ phát hành thêm trái phiếu chính phủ. Theo tôi đây là cái cần cân nhắc bởi vốn chưa kịp giải ngân chuyển sang năm sau để giải ngân sẽ tăng áp lực trả lãi, nợ công đang tăng mạnh trong khi tiền huy động chi cho đầu tư phát triển khó khăn trong huy động nguồn lực. Trả lãi và gốc của năm 2017 chuyển sang chúng ta sẽ phải trả. Cho nên tình hình nợ công, chi tiêu công trong đầu tư phát triển rất căng thẳng và dễ mất cân đối.
Ông nghĩ sao khi có một nghịch lý là chúng ta đang thiếu tiền chi cho đầu tư phát triển nhưng việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để lấy tiền chi cho đầu tư phát triển đang rất chậm và đang là điểm nghẽn lớn của nền kinh tế?
- Chính phủ đang quyết liệt đẩy nhanh cổ phần hóa nhưng đang vướng nhiều khâu như: Định giá, xác định giá trị doanh nghiệp; quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp; thương hiệu của doanh nghiệp do đó làm cho cổ phần hóa đang chậm. Cho nên thu từ cổ phần hóa, lấy tiền để đem đầu tư phát triển đang bị chậm. Trong giai đoạn vừa qua những cơ chế vướng trong cổ phần hóa đang tập trung tháo gỡ.
Dự kiến trong năm 2018 và 2019 cổ phần hóa sẽ diễn ra vì từ năm 2015-2017 tiến hành trình tự thủ tục để cổ phần hóa. Nếu cổ phần hóa nhanh hơn thì đỡ căng thẳng. Bởi lượng tiền thu được từ cổ phần hóa sẽ bù đắp căng thẳng cho chi tiêu công, chi cho đầu tư phát triển, làm cho mất cân đối trong đầu tư công sẽ giảm đi.
Ông đánh giá thế nào về việc mất cân đối ở cán cân thương mại, bội chi và đầu tư công?
- Đây là những thách thức đối với nền kinh tế nước ta. Thứ nhất là cán cân thương mại, chúng ta vẫn nhập siêu là chủ yếu với 3 tỷ USD. Để giải quyết cần bài toán tổng thể về sức cạnh tranh của nền kinh tế, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, sức cạnh tranh của hàng hóa. Đặc biệt là cạnh tranh của các hàng hóa mang tính đầu vào cho sản xuất là các nguyên vật liệu trong khi đó ta lại chưa sản xuất được. Các doanh nghiệp FDI nhập khẩu từ nước của họ là chính chứ dùng nội địa của ta là rất ít. Điều đó làm cho lượng kiều hối phải đưa ra để nhập khẩu là lớn trong khi thu lại ít, trong quá trình nhập còn nhiều vấn đề xảy ra như chuyển giá chẳng hạn làm cho phần để lại rất ít.
Bên cạnh đó tính liên kết trong sản xuất, tiêu dùng, phân phối còn hạn chế. Chúng ta chưa có hệ thống bán lẻ xâm nhập vào thị trường các nước khác thì hàng hóa không thể đẩy ra được mà phải thông qua hệ thống bán buôn từ đó làm ta bị mất lợi thế về giá. Hàng hóa không đẩy mạnh xuất khẩu tiêu thụ ra nước ngoài được, nhưng thị trường bán lẻ trong nước đang bị hệ thống bán lẻ của nước khác như: Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc lấn át. Nó sẽ tạo áp lực cạnh tranh ngay trên sân nhà, bởi hàng hóa của ta không đưa ra được thị trường bán lẻ tại các nước khác.
Cho nên xuất khẩu của ta bị cạnh tranh và mất cân đối về cán cân thương mại. Mất cán cân thương mại lâu sẽ ảnh hưởng đến phát triển dài hạn, thiếu vốn trong đầu tư phát triển, dự trữ ngoại hối giảm trong tương lai nếu để mất cân đối. Năm nay chúng ta thu hút FDI nhiều nên nhờ vào đó việc thu hút bù trừ vào mất cân đối về cán cân thương mại làm cho dự trữ ngoại hối tăng lên. Nhưng để mất cân đối, nền kinh tế sẽ phụ thuộc vào FDI quá nhiều quá sẽ không ổn trong dài hạn và phát triển.
Mất cân đối thứ hai liên quan đến bội chi. Lúc nào chi cũng nhiều, trong đó chi cho bộ máy quá nhiều, chi thường xuyên cao lúc nào cũng hơn 64%, còn chi cho đầu tư phát triển chỉ 27%. Chi thường xuyên cao nên chi cho đầu tư phát triển bị hạn chế gây áp lực lên đầu tư công. Việc mất cân đối đó sẽ phát triển đến quá trình phát triển lâu dài vì chi tiêu đầu tư ít quá, còn chi thường xuyên nhiều quá do bộ máy cồng kềnh. Cho nên giải pháp phải quyết liệt hơn nữa, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 sắp xếp bộ máy để giảm chi tiêu thường xuyên, dành tiền cho đầu tư phát triển trong tương lai thì mới không mất cân đối.
Thứ ba là mất cân đối trong đầu tư công. Vốn bây giờ hạn hẹp nhưng hiệu quả đầu tư thấp, hệ số icor cao, giải ngân chậm đạt 84%, còn trái phiếu chính phủ chỉ giải ngân được 30%. Tiền đi vay không đưa được vào trong sản xuất. Đầu tư có độ trễ, trong khi gánh nặng nợ công, vay nợ trả lãi, các thủ tục bị vướng trong đấu thầu xây dựng, đầu tư công khi thủ tục còn rườm rà gây giải ngân bố trí vốn chậm. Cho nên cần phải sửa đổi nhanh để nâng cao hiệu quả đầu tư. Khi nâng cao hiệu quả đầu tư sẽ cần ít vốn để tạo ra tăng trưởng tốt, kích thích tăng trưởng. Cần ít vốn nhưng tăng trưởng mang lại lớn hơn sẽ giảm áp lực thiếu vốn trong đầu tư công. Chúng ta phải có chiến lược thu hẹp những thiếu hụt, mất cân đối trên thì kinh tế mới phát triển bền vững và tăng quy mô.
Trân trọng cảm ơn ông!