Nói dối là một dấu chấm hết
Kẻ nào có gan nói dối thì không đáng được xếp vào hàng ngũ con người”- François de Fénelon
1. Qua các phương tiện thông tin khoa học trong nước, ngoài nước, chúng ta đều phấn khởi trước những thành tựu to lớn của Y học Thế giới và của Y học, Y tế Việt Nam. Có thể nói khá chắc chắn rằng:
- Bị bệnh đái tháo đường không phải là một dấu chấm hết.
- Bị ung thư không phải là một dấu chấm hết.
- Bị suy tim, suy gan không phải là một dấu chấm hết.
Thế cái gì, bệnh gì là một dấu chấm hết? Đáng buồn thay, theo một tờ báo tiếng Pháp mới đây cảnh báo về tệ nạn nói dối tràn lan, với đầu đề đáng giật mình: “ Nói dối là một dấu chấm hết”.
Bài viết này trích dẫn những danh ngôn lên án mạnh mẽ sự dối trá, những hậu quả tai hại khôn lường của việc ăn gian nói dối. Đồng thời cũng gợi ý những biện pháp giáo dục của gia đình, của xã hội và nhất là việc tự giáo dục bản thân của mỗi con người từ khi còn nhỏ để tránh xa mãi mãi căn bệnh ghê tởm này. Vì, đã là con người, ai lại dại dột tìm đến cái “dấu chấm hết” dù ở tuổi nào, dù ở hoàn cảnh xã hội nào.
Trước hết cần nêu định nghĩa quan trọng của bậc thày Jean Jacques Rousseau về sự dối trá khi ông viết: “Tất cả những gì phản lại chân lý, tất cả những gì làm hại đến công lý, dù dưới hình thức nào, đều bị coi là sự dối trá”.
Đây là một định nghĩa mang tính tổng quan, nó soi sáng cho việc phân định sự dối trá, không đúng sự thật ở các góc nhìn khác nhau, từ nhỏ đến to, dù có được che đậy dưới hình thức nào thì rốt cuộc cũng bị sự thật phanh phui, cũng bị công lý và đạo đức lên án.
Qua các phương tiện thông tin đại chúng quốc gia chúng ta vui mừng nhận thấy nhiều vụ án tham nhũng, nhiều vụ dối trá có hệ thống để lấy cắp tài sản quốc gia đã bị phanh phui, đã bị bắt gọn để chờ ngày ra tòa xét xử. Đúng như nhà Triết học Michel de Montaigne (1833 – 1892) đã nghiêm khắc lên án tệ nạn dối trá là xấu xa, là bỉ ổi khi ông viết: “Trên thực tế, nói dối là một tật xấu bỉ ổi. Nếu ta nhận thức được nó đáng sợ và đáng ghê tởm nhường nào thì ta phải tiêu diệt nó một cách kịp thời hơn là đối với các tội ác khác”.
Nhân loại biết ơn J.J. Rousseau và Montaigne, vì nhờ những cảnh báo của các ông từ hàng trăm năm nay, con người đã nhận thức được: “Nói dối là một dấu chấm hết” thực sự xác đáng.
Thế các nhà chuyên môn khoa học Y học đánh giá thế nào về “bệnh nói dối” ? Ta nên tham khảo Đại Từ điển Bách khoa Toàn thư Bệnh học E.M.C của Viện Hàn lâm Y học Pháp ấn hành. E.M.C là viết tắt của chữ Encyclopédie Médico Chirurgicale là bộ Từ điển uy tín bậc nhất thế giới. “Nói dối” được đưa vào Từ điển này khi thì ở mục từ Triệu chứng, khi thì ở mục từ Hội chứng (bao gồm một số triệu chứng), có khi được xếp như một bệnh (có mô tả tiến triển, điều trị, tiên lượng) trong các mục từ về Bệnh học Tâm thần. Có hàng chục nhà Bác học ở nhiều nước xây dựng thành công mục từ “Nói dối”.
Ta không đi sâu quá vào những tình tiết chuyên môn mà chỉ nói đến cái hậu quả khủng khiếp do nói dối mang lại. Theo các tác giả, tùy từng mức độ mắc bệnh khác nhau, các biểu hiện nặng nhẹ khác nhau, nếu không được theo dõi, điều trị thích hợp thì sẽ chuyển sang bệnh Tâm thần phân liệt thể hoang tưởng bị hại hoặc bị theo dõi, nên người bệnh phải liên tục nói dối, liên tục chạy theo các ảo ảnh do những tư duy phi tán tạo nên. Kết quả cuối cùng là người bệnh hoàn toàn suy sụp về trí tuệ, về tư duy, về nhân cách đến nỗi có một danh từ chuyên môn phải nói rõ là: Giải thể nhân cách (Dépersonatité). Đây là dấu chấm hết cho một cuộc đời. Những bệnh nhân này sống theo bản năng sinh tồn và thường phải sống trong các Bệnh viện Tâm thần cho đến lúc chết. Thật đau xót, khi học giả François de Fénelon (1651 – 1715) đã phải xác định: “Kẻ nào có gan nói dối thì không đáng được xếp vào hàng ngũ con người”.
Từ những nhận xét trên đây đã cho thấy những hệ lụy ở các mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng của bệnh “Nói dối”. Vậy có thể có biện pháp nào để tránh khỏi loại bệnh nan y này không? Câu trả lời là có thể ! Đó là nhờ vào các biện pháp giáo dục kiên trì, nhờ sự nhẫn nại chịu học của con người từ lúc ấu thơ cho đến suốt đời.
2. Những biện pháp phòng tránh bệnh “Nói dối”:
- Giáo dục tại gia đình và ở nhà trẻ, mẫu giáo: Đây là khâu quan trọng bậc nhất, nó sẽ quyết định cuộc đời một con người. Từ khi em bé bi bô biết nói, biết đi, biết chạy ta đã phải tập cho em tính tự lập: ngã tự đứng dậy, ngồi bô xong tự mặc quần, tự xúc cháo, xúc bột ăn. Nếu được tập thành thói quen, em bé sẽ không ỉ lại, không cần đến sự giúp đỡ khi đi nhà trẻ, mẫu giáo cũng như lúc ở nhà.
Lúc trẻ lên 5, 6 tuổi, phải tập ngay lập tức sự thành thật nhận lỗi nếu em bé có lỗi (chót đánh vỡ cốc, chót đánh bạn, đẩy bạn ngã bị thương ...). Nhiều cha mẹ đã lấy việc đánh đập, bắt nhịn ăn nhịn uống để trừng phạt con khi trẻ mắc lỗi, thì những đứa trẻ bất hạnh này buộc phải nói dối, buộc phải chối tội, buộc phải bịa đặt ra lý do này nọ để tránh bị đánh đập đau đớn thân xác, tránh bị bỏ đói bỏ khát. Nhiều báo cáo của công an, của các trung tâm cải tạo đã xác nhận nhiều thanh thiếu niên phạm tội là do hoàn cảnh gia đình, do sự thiếu giáo dục của gia đình từ khi các em còn nhỏ.
Theo nhiều nền giáo dục tiên tiến, cô giáo, cha mẹ còn cần khen thưởng, động viên khi các em đã mắc sai lầm mà biết nhận lỗi và sửa chữa tốt, trở nên trò ngoan, bạn tốt. Các em can đảm nhận lỗi, can đảm nói thật, vì vậy nói dối đã trở nên xa lạ từ lúc các em mới có những nhận thức non nớt buổi đầu đời.
- Giáo dục của xã hội và các đoàn thể: Từ trong trường học phổ thông, trường Đại học hoặc các trường dạy nghề nếu con người được nhắc nhở luôn luôn về tính trung thực, ngay thẳng sẽ tạo thành một thói quen tốt là không bao giờ nói dối, nhất định không nói dối dù gặp phải hoàn cảnh nào.
Nhìn thấy sự sai trái của bản thân phải tự nhận khuyết điểm, nhìn thấy sự sai trái của người khác phải thẳng thắn góp ý, phê bình, dũng cảm lên tiếng, dù có khi bản thân bị trù úm thiệt thòi. Những con người đã tạo được thói quen thật thà, trung thực thì bao giờ cũng dũng cảm, cũng can đảm xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
- Quá trình tự rèn luyện bản thân suốt đời, phấn đấu cho Đạo đức, cho Pháp luật, cho việc tốt, việc đúng:
Đây là bài tập gian khổ nhất đối với thách thức của cơm áo, gạo, tiền. Nếu mình buông xuôi, cho qua, nhắm mắt làm ngơ có khi có lợi cho bản thân, cả về kinh tế lẫn được nâng đỡ, đề bạt. Nhưng hãy nên thận trọng và nên nghĩ đến cái lâu dài, cái bền vững chỉ do tự mình xây dựng, vun đắp mới được lâu bền.
3. Những tấm gương về tính trung thực, không nói dối:
- Bác Nam là một nông dân trồng rau. Bác nhất định không dùng hóa chất kích thích phun hàng ngày nhằm tăng năng suất cây trồng để bán được nhiều tiền hơn. Bác Nam nói: “Bà con ăn cũng như mình ăn. Nếu nói dối để có thêm được đồng tiền nhưng đứa trẻ con, bà cụ già ăn rau mà mắc bệnh, đời mình thêm tội ra”. Vì thế bác Nam nhất định không nói dối, nhất định chỉ bán rau sạch cho bà con.
- Bà giáo Xuân nhất định không nhận tiền bồi dưỡng của một nghiên cứu sinh để viết hộ luận án. Bà nói: “Em cứ cố gắng viết đến tối đa, rồi cô trò mình cùng thảo luận, cùng bổ sung cho hoàn chỉnh. Có như thế, khi em trình bày luận án của em, do em bỏ công sức ra viết, em sẽ dễ dàng bảo vệ công trình của em trước Hội đồng”.
Đáng khen thay, bà giáo Xuân tuy nghèo nhưng nhất định không làm việc dối trá, trái với lương tâm những chiến sĩ “trồng người” của ngành giáo dục.
- Bác sĩ Hòa là một thương binh nghèo nhưng là cứu tinh của bà con xóm nghèo vùng ngoại ô này. Ông châm cứu, xoa bóp miễn phí cho các cụ già đau xương, đau khớp. Ông còn hướng dẫn bà con trồng một số dược liệu để sử dụng hàng ngày làm thuốc chữa bệnh. Một số hãng Thực phẩm chức năng muốn lợi dụng uy tín của ông để tiêu thụ hàng cho họ. Ông Hòa chỉ ôn tồn giải thích: “Cả đời tôi không biết nói dối là gì, nay các ông cho tiền hoa hồng để tôi tiêu thụ những sản phẩm vừa đắt tiền, vừa không rõ nguồn gốc này tôi xin chịu, không dám nói dối bà con để kiếm lợi riêng đâu. Vả lại, tôi đã có tiền hưu hàng tháng cũng đủ ăn, ốm đau đã có Bảo hiểm Y tế rồi”.
Để kết luận, không gì hơn là trích dẫn lời dạy của bậc thày Déni Diderot (1713 – 1784) về sự thật và sự dối trá khi ông viết: “Những cái lợi của sự dối trá chỉ là trong chốc lát, nhưng cái lợi của sự thật là vĩnh viễn”.