Vĩnh biệt bà Hoàng Thị Minh Hồ: Lòng vàng ở lại non sông
Bà Hoàng Thị Minh Hồ - vợ của nhà tư sản Trịnh Văn Bô đã từ trần lúc 23h20 ngày 5/11 tại Hà Nội, hưởng thọ 104 tuổi.
Bà Hoàng Thị Minh Hồ (Ảnh: Linh Tâm).
Bà Hoàng Thị Minh Hồ và chồng là Trịnh Văn Bô là những nhà tư sản có công đóng góp tiền của vật chất lớn nhất cho cách mạng trong buổi đầu dựng nên nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Các tài liệu chính thức ghi nhận, chỉ riêng gia đình ông bà đã ủng hộ thêm cho chính phủ 5.147 lượng vàng, tương đương với 2.000.000 đồng Đông Dương (theo thời giá lúc đó).
Đặc biệt, chính ngôi nhà 48 Hàng Ngang, nơi cửa hiệu buôn Phúc Lợi của ông bà đã trở thành Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, là địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Bà Hoàng Thị Minh Hồ có tên là Hoàng Thị Hồ. Tên đệm “Minh” là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt thêm cho bà. Bà là con của cụ Hoàng Đạo Phương (anh trai của nhà cách mạng Hoàng Đạo Thúy), một thương gia, cử nhân uyên bác nổi tiếng Hà Nội.
Về phần ông Trịnh Văn Bô – chồng bà Hoàng Thị Minh Hồ, cũng thuộc gia thế cự phú đất Hà thành, là con thứ cụ Trịnh Văn Đường – nhà nho, chủ hiệu buôn Phúc Lợi.
Hai vợ chồng nhà tư sản Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ được kế thừa hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi, hiệu buôn lớn vào thế kỷ 20.
Ông bà mạnh dạn mua lại một dây chuyền dệt vải trị giá 20.000 đồng Đông Dương và xây dựng nhà máy rộng 3 ha tại khu vực Đê La Thành với 120 công nhân.
Nhà máy dệt đã sản xuất ra nhiều loại vải thành phẩm đẹp, bán ra thị trường với mức giá hợp lý. Công việc kinh doanh tiến triển, việc buôn bán tơ lụa mở rộng sang cả Lào, Campuchia, Thái Lan; có cả giao dịch buôn bán với thương nhân Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản…
Đầu năm 1945, ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ quyết định ủng hộ 10.000 đồng Đông Dương, tương đương 250 cây vàng, cho Mặt trận Việt Minh, khởi đầu sự nghiệp đóng góp tài chính của gia đình.
Sau Cách mạng tháng 8, ông bà tham gia vào Ban vận động Quỹ Độc lập. Gia đình ông bà đã ủng hộ Quỹ Độc lập 20 vạn đồng, tương đương 500 cây vàng. Ngoài ra, còn vận động thêm được hơn 1 triệu đồng Đông Dương cho Quỹ.
Trong Tuần lễ vàng, gia đình ông bà đã đóng góp 117 cây vàng và vận động ủng hộ thêm trên 1.000 cây vàng nữa. Bấy giờ, toàn bộ ngân khố của Chính phủ cách mạng lâm thời chỉ có 1.200.000 đồng Đông Dương, nhưng đa phần không thể lưu thông.
Khi chính phủ lâm thời về Hà Nội, cửa hiệu 48 Hàng Ngang của ông bà được dùng làm nơi làm việc của các lãnh đạo Việt Minh. Chính tại nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp các sĩ quan OSS như Archimedes Patti và Allison Thomas.
Và tại ngôi nhà này, Bản Tuyên ngôn độc lập đã được Hồ Chủ tịch viết và hoàn thiện. Ngôi nhà sau đó được hiến tặng cho Nhà nước làm di tích quốc gia.
Cũng ngay buổi đầu thành lập nhà nước, các y phục của các lãnh đạo Việt Minh trong ngày lễ Độc lập, hầu hết do gia đình ông bà cung cấp. Chiếc áo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc trong lễ Tuyên ngôn độc lập được lấy từ vải do hiệu buôn Phúc Lợi cung cấp.
Ngay từ khi chính quyền mới thành lập, gia đình ông Trịnh Văn Bô, bà Hoàng Thị Minh Hồ đã có nhiều cống hiến cho cách mạng. Ông Trịnh Văn Bính (anh trai ông Trịnh Văn Bô) là Thứ trưởng đầu tiên của Bộ Tài chính, kiêm nhiệm Tổng giám đốc Sở Thuế quan và Thuế gián thu. Còn ông Trịnh Văn Bô tham gia công tác trong chính phủ kháng chiến tại Việt Bắc.
Sau ngày tiếp quản Thủ đô, năm 1955, ông được phân công giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội cho đến ngày nghỉ hưu.
Bà Hoàng Thị Minh Hồ là một trong những người đầu tiên sáng lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Bà làm công tác phụ nữ đến năm 1974 thì nghỉ hưu.
Với những đóng góp to lớn, bà Hoàng Thị Minh Hồ dẫu đi xa, nhưng tấm lòng hào hiệp vì đất nước, giúp đỡ chính quyền non trẻ của bà còn mãi với non sông.