Đời sống giáo viên: Không để mãi chuyện buồn - Bài 2: Nỗi niềm nghề giáo
Nghề “gõ đầu trẻ” ở bậc mầm non và tiểu học đúng là quá vất vả, bởi cái lứa tuổi “mỗi đứa một tính” ấy thì làm sao chúng nghe theo đã khó chứ chưa nói đến chuyện học hành. Ở vùng núi, dân tộc thiểu số thì cô, thầy giáo còn kiêm luôn “cán bộ dân vận”.
Mặc dù vậy, họ vẫn công tác, vẫn sống, vẫn yêu trẻ như con của mình, vẫn ngày đêm nghĩ cách vận động trẻ đến trường và mong sao mỗi ngày lớp đủ “sĩ số”.
Với các điểm trường ở vùng cao, lớp học luôn rất ít và gộp vài lớp với nhau.
“Thiếu đủ đầy, thừa vất vả”
Đó là câu nói chân thành nhưng cảm thương của một giáo viên ở điểm trường Pà Khốm thuộc xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An). Điểm trường Phà Khốm nằm cách thành TP Vinh hơn 250 km, cao hơn 1.000 m so với mực nước biển.
Tại điểm trường này, trong mỗi lớp học, các em học sinh vẫn chăm chú vào từng trang vở say sưa với bài học của mình. “Ở đây chuyện các em bỏ học là điều bình thường, đặc biệt khi vào vụ măng hay mùa rẫy.
Các em phải giúp bố đi làm rẫy, hay lên rừng hái măng để phụ giúp gia đình. Cuộc sống khốn khó khiến cho con chữ ở mảnh đất Pà Khốm như bị đứt đoạn”- cô giáo Nguyễn Thị Tám người có 3 năm cắm bản (quê tại xã Hưng Hòa, TP Vinh) chia sẻ.
Là người gắn bó với các em tại điểm trường Phà Khốm, vùng đất “sương mờ che phủ” trong những năm qua, cô Tám thấu hiểu các em tường tận từng vấn đề, nhất là hoàn cảnh của các em vùng cao.
Ngoài chuyên môn giảng dạy các thầy cô còn phải phân công nhau ngoài giờ lên lớp để đi đến từng hộ gia đình vận động các em học sinh đi học lại.
Có những thời điểm lán trại của gia đình các em ở sâu trong rừng thầy cô phải lội bộ cả ngày đường để đi tìm học sinh.
Vậy nên, người ta bảo giáo viên vùng cao sắm hai vai là như thế, ngày cho trò con chữ, tối lại vào nhà trò vận động, tuyên truyền, cho cha mẹ học trò lời hứa và niềm tin.
“Đã là giáo viên ở vùng cao, đừng nói đến đường sá bởi khó khăn vất vả không chỉ mỗi đường mà cái gì cũng thiếu, thiếu nơi dạy khang trang, thiếu sóng điện thoại, ngôn ngữ, thậm chí là thiếu cả học sinh để dạy”- thầy giáo Lương Trung Thành, điểm trường Pà Khốm chia sẻ.
Khó khăn nhất là những lúc trời ở đây đổ mưa thì sương mù dày đặc, những lúc như thế trong phòng học không nơi nào khỏi ướt. Các em học sinh cũng không thể mở sách ra để học bài vì sợ sách vở bị ướt.
Nhưng tấm áo mưa lại không đủ để che cả căn phòng nên nó được ưu tiên mắc lên trên nơi các thầy cô để sách vở và tài liệu phục vụ công tác dạy học, vì đó là tài sản quý giá nhất đối với các thầy cô nơi đây.
Đều đặn mỗi tuần các thầy cô trở ra phía trung tâm xã mua đủ các thực phẩm dự trữ trong một tuần rồi lại trở vào điểm trường để tiếp tục công việc của mình.
Một điểm khó khăn nữa là việc thiếu nước sinh hoạt cũng ảnh hưởng không ít đến cuộc sống của thầy và trò nơi đây.
Ấy là ở Pà Khốm, dẫu sao vẫn có đường bộ đến tới điểm trường. Còn các giáo viên ở điểm trường khối Tủng Hốc (nằm ở bản Tủng Hốc) lại bội phần vất vả.
Bởi đây là bản xa nhất nhì của ốc đảo xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương, nằm sâu tận cùng phía trong long hồ thủy điện Bản Vẽ. Cô giáo Lữ Thì Mùi (27 tuổi) giáo viên lớp 3 tâm sự: “Ra trường lên đây dạy học, khó khăn trăm bề, không sóng điện thoại, không đường, không giao thương, mặc dù nhà nằm trong huyện nhưng phải 2-3 tháng mới về thăm gia đình, bởi đi lại ở đây là một thứ xa vời vì là một ốc đảo biệt lập”.
Vừa trẻ nhất về độ tuổi, vừa trẻ về tuổi đời trong số giáo viên “cắm bản” tại điểm khối Tủng Hốc là cô giáo Ngân Thi Nương (dạy lớp 1) trú tại bản Thòng, xã Tam Đình, huyện Tương Dương tâm sự: “Tốt nghiệp hơn 2 năm, đầu năm nay em mới về đây dạy hợp đồng và cũng trong thời gian tập sự.
Ở đây heo hút, vất vả, đi lại phải luồn lách trong rừng, điện thì không có, điện thoại muốn có sóng phải leo lên cây hoặc đi đến những chỗ cao, nhiều hôm buồn nhưng vì cuộc sống, vì các em dần rồi cũng quen, cũng bởi đường xa, đi lại phải có thuyền nên cứ vài ba tháng chúng em mới về thăm nhà một lần”.
Được biết, do đi dạy xa nhà, thu nhập thấp nên các thầy cô ở Trường Tiểu học Hữu Khuông, đều ở lại trong dãy nhà tạm ở trong trường. Trong khuôn viên chưa đầy 50m2 là 5 chiếc giường đơn sơ của 5 giáo viên tại điểm trường này.
“Mọi ăn ở, ngủ nghỉ của 5 người bọn em đều trong căn nhà mái tranh này. Nắng còn đỡ chứ mưa xuống rất khổ sở, vào mùa mưa coi như dẫm chân một chỗ, không thể ra trung tâm xã hay di chuyển đi đâu được, vì qua khe suối rất nguy hiểm”- cô giáo Lương Thị Trang (26 tuổi) quê tại xã Tam Đình chia sẻ.
Chế độ phụ cấp nỗi lo thường ngày
Đối với các giáo viên vùng cao khó khăn vất vả là điều “thường trực”, tuy nhiên vì mưu sinh nên họ chấp nhận tất cả. Vậy nhưng, với họ nguồn thu nhập từ đồng lương giáo viên, phụ cấp nếu “có vấn đề” sẽ thay đổi, đảo lộn cuộc sống của họ.
Giáo viên Trường Tiểu học Tri Lễ (điểm trường Pà Khốm) nấu ăn khi củi đã bị mưa rừng làm ướt.
Đơn cử như tại Trường Tiểu học Hữu Lập, xã Hữu Lập, Kỳ Sơn, cách đây mấy tháng họ được thông báo sẽ bị cắt giảm một phần trợ cấp vì ngôi trường họ đang công tác đã “hết khó khăn”.
Số tiền bị cắt giảm cũng khác nhau, người giảm nhiều thì 2,5-3 triệu đồng/1 tháng, người thấp thì cũng gần một tháng lương cơ bản (tức từ 1,1 – 1,2 triệu đồng/1 tháng).
Và cũng bắt đầu từ đây, cuộc sống họ đã bị đảo lộn, số tiền tưởng chừng là nhỏ kia đã kéo theo bao khó khăn cho những giáo viên mà khi nhắc đến địa bàn công tác người miền xuôi cảm thấy “rùng mình” vì vất vả.
Cô giáo Trần Thị Thảo (Trường Tiểu học Hữu Lập)- người có 23 năm công tác tại miền núi cao huyện Kỳ Sơn chia sẻ: “Bắt đầu từ tháng 2/2017, chúng tôi được thông báo và chính thức cắt giảm một số khoản phụ cấp vì ngôi trường chúng tôi đang công tác thuộc bản “thoát nghèo”.
Bản thân tôi là giáo viên công tác ở miền núi 23 năm, so với giáo viên miền xuôi, chúng tôi có thêm một số phụ cấp của địa phương đặc biệt khó khăn, nhưng giờ thì…
Nói thật ở trên này dạy chữ cho các cháu, dù khó khăn như thế nào chúng tôi cũng chịu được, riêng thu nhập đã eo hẹp mà lại giảm nữa thì đúng là rất hoàn cảnh”.
Cùng chung tâm trạng, cô Phạm Thị Hương (31 tuổi) là người trẻ nhất, có 9 năm “cắm bản” cho biết: “Là người miền xuôi, học xong lên đây công tác, trường có 5 điểm, và toàn điểm rất khó khó khăn, năm vừa rồi được chuyển về điểm chính (bản Xộp Thạng) thì năm nay nguồn phụ cấp bị cắt giảm, vì điểm trường chính nằm trong bản đã thoát nghèo”.
Không những bị cắt giảm, ngay cả những nguồn trợ cấp của giáo viên vùng cao này cũng bị chậm rất lâu. Cụ thể, các khoản phụ cấp như thâm niên, lâu năm, chuyển vùng, tàu xe… giáo viên ở đây đang bị nợ lên tới 7-8 tháng.
“Các khoản phụ cấp, tháng trước thông báo, tháng sau cắt. Còn các khoản chậm chế độ cho giáo viên thì nợ đến gần năm, chúng tôi còn có cuộc sống và gia đình nữa….”- một giáo viên chua chát.
Không như ở miền xuôi, thành phố nơi thuận lợi đủ bề, dù có khó khăn nhưng vẫn gấp chục lần giao viên vùng cao.
Họ thường ví von mình như “vợ chồng son” cái gì cũng đến tay, lo toan từ những việc tưởng chừng như của người khác, chế độ theo quy định hơn miền xuôi nhưng sống năm nay nhận năm trước và lo lắng cho năm sau thì còn tâm trí đâu dạy học. Âu cũng là nỗi niềm nghề giáo.