Với APEC 2017, Việt Nam đã ở một tầm cao mới
Giám đốc điều hành, thành viên HĐQT Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Philipp Rösler khẳng định như vậy trong cuộc phỏng vấn chiều 7/11.
Ông Philipp Rösler.
Việt Nam đang ở vào vị trí được thế giới chú ý, với việc tham gia tích cực vào các sân chơi quốc tế, cũng như thúc đẩy tự do hóa thương mại khi mà chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên. Giám đốc điều hành, thành viên Hội đồng quản trị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Philipp Rösler khẳng định như vậy trong cuộc phỏng vấn chiều 7/11, tại Đà Nẵng, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam.
PV:Thưa ông, là nền kinh tế chủ nhà của năm APEC 2017, Việt Nam có cơ hội lớn để cho thấy năng lực và khả năng hội nhập quốc tế của mình. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Philipp Rösler: Nếu bạn nhìn vào quá trình toàn cầu hóa, vai trò của VN là rất quan trọng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa cho thấy nỗ lực thúc đẩy toàn bộ lịch trình thương mại trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và điều này được các nền kinh tế thành viên APEC đánh giá rất cao. Điều đó cho thấy đất nước các bạn đang là một trong những nhà lãnh đạo của thị trường mở và thương mại tự do và cạnh tranh công bằng.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam giờ đây đang rất được chú ý trên các diễn đàn chính trị và kinh tế thế giới. Đó là lý do chúng tôi vừa ký một bản thỏa thuận hợp tác với chính phủ. Việt Nam là quốc gia duy nhất chúng tôi có thỏa thuận như thế. Mới đây tôi có tới Australia dự một cuộc họp ở đó. Và tôi thấy rằng người ta đang rất quan tâm tới những động thái tích cực của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc để mở rộng thương mại tự do, ví dụ như đàm phán TPP.
Vấn đề của hàng hóa Việt Nam hiện nay là sức cạnh tranh kém khi hội nhập. Ông có gợi ý gì cho Việt Nam về điều này không?
Nếu bạn muốn nâng cao khả năng trên thị trường quốc tế, nên tập trung vào một nền tảng thể chế mạnh, và chính sách. Ngoài ra, quốc gia đó còn cần phải khuyến khích khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn vào công cuộc cải cách, xây dựng năng lực cạnh tranh. Tôi nghĩ đó là chiến lược Việt Nam đang triển khai là đúng, có nghĩa các bạn đang chuẩn bị rất tốt cho tương lai. Thực tế triển khai sẽ có nhiều công việc phức tạp, nhưng định hướng của Việt Nam là rất chuẩn. Chúng ta có thể lạc quan về điều đó.
Chúng ta vừa ký thỏa thuận đối tác giữa Việt Nam với Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF. Chúng tôi tập trung vào một số lĩnh vực như bất động sản, môi trường, dịch vụ tài chính, an ninh lương thực và vệ sinh thực phẩm và quy trình sản xuất và cả du lịch. Tất cả những lĩnh vực này đều là các khu vực kinh tế rất quan trọng của Việt Nam. Chúng tôi có thể đóng góp rất nhiều.
Nhiệm vụ của chúng tôi là thiết lập một sân chơi để đưa các nhà lãnh đạo tới với nhau như lãnh đạo doanh nghiệp, chính quyền, các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự và cả thế hệ trẻ. Họ có thể tạo ra tương lai của các khu vực kinh tế khác nhau, ví dụ các mô hình kinh doanh mới. Vấn đề là tạo ra sự hợp tác công tư để cùng nhau thành công, mong muốn của WEF là vậy.
Người ta đang lo lắng về sự chủ nghĩa bảo hộ và biệt lập đang nổi lên ở nhiều nền kinh tế. Ông có lo lắng về điều này không?
Dĩ nhiên là chúng ta thấy có những động thái bảo hộ trên quy mô lớn khắp thế giới. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng ý tưởng về thị trường mở, thương mại tự do vẫn mang lại nhiều lợi ích hơn nhiều cho mọi người như suốt thập kỷ vừa qua. Thương mại toàn cầu mang tạo ra công ăn việc làm chứ không phải là bảo hộ. Nhiệm vụ bây giờ thuộc về các nhà chính trị, lãnh đạo doanh nghiệp phải giải thích xem lợi ích cho mọi người ở chỗ nào, từ những cá nhân bé nhỏ nhất tới cả xã hội họ hưởng lợi gì từ thương mại toàn cầu.
Ví dụ như thế này, bạn có thể mua được hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới tại Việt Nam. Từ điện thoại di động từ Hàn Quốc, máy ghi âm ở Đức, điều này chỉ có thể diễn ra nhờ thương mại. Rất nhiều sản phẩm phát triển và lan tỏa được là nhờ thương mại tự do. Bạn có thể cảm nhận được mình được lợi gì từ thương mại toàn cầu từ những sản phẩm như thế và hơn nữa là sự tham gia của chính phủ vào những liên kết đa phương như ASEAN hay APEC.
Vậy làm sao để khơi dậy ý thức hội nhập của từng người dân Việt Nam, thưa ông?
Tôi biết là chính phủ Việt Nam đang muốn tạo dựng tinh thần khởi nghiệp cho người dân đặc biệt là giới trẻ, đồng thời là Việt Nam cũng muốn thúc đẩy thương mại tự do. Chúng ta phải kết hợp những điều đó với nhau. Nếu bạn muốn chiến thắng trong cuộc chạy đua quốc tế này, bạn vừa phải nhanh, vừa phải tốt hơn đối thủ của mình. Bạn chỉ có thể làm được điều đó bằng việc cải cách mạnh mẽ ngành giáo dục, ứng dụng công nghệ và cải thiện hơn nữa sản phẩm của mình.
Ví dụ như việc sử dụng các công nghệ thuộc cuộc cách mang lần thứ 4 như máy in 3D. Điều này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực ở Việt Nam. Bởi bạn cần sự sáng tạo, cần ý tưởng tốt. Và tất cả những điều này tôi thấy ở thế hệ trẻ Việt Nam. Họ rất thông minh và có đầy hoài bão.
Trân trọng cảm ơn ông!