Lũ đến kinh hoàng, lũ đi chưa hết khổ
Ngày 8/11, đi dưới trời mưa, về lại nơi rốn lũ xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi chứng kiến cảnh làng mạc xác xơ, tiêu điều. Lũ đến quá kinh hoàng, lũ đi vẫn còn khổ, khó cầm lòng trước những tâm sự đầy nước mắt của bà con.
Ngôi nhà của gia đình ông Nho chìm trong bùn đất.
Nước mắt trong đêm kinh hoàng
Sáng ngày 8/11, trong ngôi nhà hoang tàn đầy bùn đất, chị Lê Thị Lê (45 tuổi) ở thôn 4, xã Đại An, tâm sự đầy nước mắt: “Tôi không nghĩ gia đình mình còn sống sót, bởi nửa đêm ngày 5/11, nước lũ tràn vào nhà, càng về khuya nước càng dâng cao, tôi đã nghĩ đến cái chết, đôi chân đứng sựng, bủn rủn. Hai vợ chồng chết đã đành nhưng hai đứa con tôi còn nhỏ quá. Cứ nghĩ rứa là nước mắt trào ra, nghẹn lòng chú ơi!”
Anh Nguyễn Đình Nho, chồng bà Lê nét mặt còn thẫn thờ kể lại câu chuyện của đêm kinh hoàng: Nước lên đến đâu vợ chồng tôi di chuyển đồ đạc, vật dụng lên cao đến đó. Giữa đêm tối mịt mùng, ngoài trời mưa như xối xả thì cả gia đình nghe rầm một cái rung chuyển cả căn nhà. Lúc này cả gia đình tôi hoảng loạn ôm nhau mà khóc. Tiếng khóc cũng chìm trong tiếng mưa đêm. Riêng tôi đã nghĩ đến việc nếu ngôi nhà bị cuốn trôi thì hai vợ chồng sẽ cõng hai đứa con rồi buộc dây để leo lên cây sau nhà nếu không thoát chết thì cũng không mất xác.
Theo anh Nho, lúc này có gọi, kêu cứu cũng không ai có thể nghe thấy, vì chung quanh mưa tầm tã, nước chảy như thác đổ. Dù có gọi Cảnh sát 113 cầu cứu thì lực lượng cũng không thể vào được vì nước chảy quá mạnh không thể đưa phương tiện vào ứng cứu.
“Tôi chỉ biết động viên ba mẹ con thắp ngọn nến cầu nguyện. Rất may, đến khoảng 2h sáng 6/11, nước cầm chừng và rút dần. Quả thật đây là đêm kinh hoàng của cả gia đình tôi”- anh Nho tâm sự.
Các con chị Lương bên ngôi nhà không ở được do lũ.
Không chỉ gia đình anh Nho gặp nạn. Như gia đình anh Nguyễn Văn Minh (52 tuổi) và chị Phan Thị Lương (41 tuổi) cùng hai con đang phải ở nhà hàng xóm. “Khoảng 21h tối 5/11, lũ lên nhanh tràn vào nhà, gia đình kịp di chuyển, chỉ kịp đưa hai đứa con lên căn gác tạm. Ngồi trên gác, chúng tôi bất lực chờ chết. Càng kinh hoàng khi nước bắt đầu tràn lên gác, may lúc này có ba người hàng xóm chèo ghe qua cứu”.
Nỗi đau sau lũ dữ
Người dân nơi rốn lũ cho rằng, quanh năm đối diện với lũ dữ, nhưng đợt lũ này lên quá nhanh, quá mạnh, khiến họ không kịp trở tay.
Anh Nho cho biết, cả gia đình anh sống sót qua cơn lũ dữ này quả là phúc đức tổ tiên, nhưng giờ đây gia đình chẳng còn gì. Tất cả vật dụng của cải đã trôi theo dòng lũ.
Lũ đi để lại những ngôi nhà hư hỏng nặng.
Anh Minh cũng cho biết: “Lũ dữ ào vào hai vợ chồng chỉ kịp đưa con nhỏ lên gác kèm theo một ít vật dụng. Thế là lũ qua đi, gia đình tôi chẳng còn chi. Ngay cả cái nhà cũng không dám về ở vì nó đã xiêu vẹo và có thể sập bất cứ lúc nào”.
Hiện nay, nước rút đến đâu, người dân tranh thủ dọn dẹp bùn đất sửa sang nhà cửa đến đấy. Trên những khuôn mặt của họ hằn sâu nỗi cực khổ, lo âu. Bởi trời vẫn tiếp diễn mưa lớn, không ai biết trước được điều gì sẽ còn tiếp tục xảy ra. Phía trước, khó khăn vẫn còn chồng chất.
Lũ đến kinh hoàng lũ đi chưa hết khổ.
Chia tay Đại Lộc, chia tay dòng sông Vu Gia vốn hiền hòa xanh trong nhưng giờ đây trở nên đục ngầu trong mưa gió. Chia tay những con người vừa thoát chết còn chưa hết lo âu khiến lòng chúng tôi trĩu nặng. Mưa lũ, thiên tai khó ai lường hết được, nó đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng con người, khiến bao con người lâm vào cảnh trắng tay đau khổ. Hơn lúc nào hết, ngay bây giờ họ rất cần những tấm lòng sẻ chia, sự giúp đỡ của cả cộng đồng.