Có nên quy định tố cáo qua email, fax, điện thoại?

H.Vũ 09/11/2017 08:25

Đó là vấn đề hiện nay đang còn nhiều ý kiến khác nhau khi Quốc hội thảo luận về Luật Tố cáo sửa đổi diễn ra ngày 8/11.


Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. (Ảnh: Quang Vinh).

Luật Tố cáo sửa đổi lần này vẫn quy định 2 hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thực tiễn đã cho thấy trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như hiện nay thì việc sử dụng mạng giao dịch điện tử, mạng xã hội, email, bản fax, đường dây nóng để tố cáo, phản ánh, cung cấp thông tin những hành vi vi phạm pháp luật là rất thuận tiện cho người dân.

Một số các văn bản Luật như Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Tố tụng hình sự, Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin cũng cho phép người dân phản ánh hoặc cung cấp thông tin qua các hình thức nêu trên. Tuy nhiên nếu mở rộng hình thức tố cáo này sẽ dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết và việc xác định trách nhiệm những người tố cáo sai sự thật.

Cũng theo ông Khái, tố cáo cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ rất phức tạp, cần phải được tiếp nhận và xử lý chặt chẽ. Việc mở rộng các hình thức tố cáo cũng cần các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật để xác minh, kết luận đối với đơn tố cáo. Trong bối cảnh hiện nay, việc mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại là rất phức tạp, nhạy cảm và khó khả thi. Vì vậy trước mắt cần tập trung giải quyết tốt đối với việc tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, đa số ý kiến trong Ủy ban này đề nghị không nên chỉ giới hạn ở 2 hình thức tố cáo như Luật hiện hành để phù hợp hơn với trình độ phát triển của xã hội, của công nghệ như hiện nay.

Là người làm công tác tiếp dân giải quyết khiếu nại tố cáo trên 15 năm, ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) thống nhất với quan điểm của Chính phủ về quy định 2 hình thức tố cáo. Bởi theo ông, nếu giờ mở rộng hình thức tố cáo thêm email, fax, hay điện thoại sẽ khó kiểm soát. “Lâu nay 2 hình thức tố cáo trực tiếp đã rất gian nan. 29, 30 tết cán bộ tiếp dân vẫn phải nhận đơn tố cáo của công dân. Do đó, nếu mở rộng ra các hình thức như: điện thoại, hay email dẫn đến khó xác định tên tuổi, địa chỉ của người tố cáo trong khi con người và cơ sở vật chất hiện nay chưa đảm bảo cho nên nếu mở rộng sẽ quá tải. Hiện 2 hình thức tố cáo mà đang lúc họp Quốc hội người dân còn đang khiếu nại để phản đối. Nếu giờ mở ra thì kiểm soát rất khó khăn”-ông Mão nói.

Ông Mão cũng cho rằng tố cáo nặc danh không nên thụ lý và giải quyết vì phần lớn đơn tố cáo nặc danh là không đúng sự thật. Hiện tố cáo chính danh chúng ta mới giải quyết được 87,4% tố cáo. Nếu quy định tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho việc xem xét giải quyết. “Mặt khác tố cáo nặc danh thường diễn ra ở thời điểm chuẩn bị bầu cử, chuẩn bị bổ nhiệm cán bộ, chưa kể người tố cáo nặc danh không phải chịu trách nhiệm về nội dung tố cáo nên có việc tố cáo để gây cản trở vì khi có tố cáo phải giải quyết, dừng việc bổ nhiệm lại nhiều khi làm ảnh hưởng đến người được bổ nhiệm. Cho nên không nên quy định để tránh làm rối tình hình”-ông Mão lo ngại. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng nên duy trì 2 hình thức tố cáo như hiện nay.

Trong khi đó, ĐB Hứa Văn Nghĩa (Trà Vinh) cho rằng, Luật Phòng chống tham nhũng đã quy định cho công dân được quyền tố cáo hành vi tham nhũng qua email, điện thoại. Nếu cứ duy trì 2 hình thức là không đồng bộ. “Nếu chúng ta làm tốt quản lý tố cáo từ Trung ương cho đến địa phương và tích hợp lại với nhau thì việc mở rộng các hình thức tố cáo như email, hay điện thoại là để thực hiện quyền công dân. Không khó gì trong quản lý mà nên nghiên cứu các hình thức này vì với xu hướng phát triển của công nghệ thông tin thì ta không cản được”-ông Nghĩa bày tỏ.

Dù tán thành với 2 hình thức là tố cáo bằng văn bản và tố cáo trực tiếp để xác định rõ trách nhiệm người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, tuy nhiên ĐB Đào Thanh Hải (Hà Nội) cũng đề nghị, cần bổ sung, quy định rõ các hình thức tố cáo khác như qua hộp thư điện tử, điện thoại, fax nếu có đầy đủ ngày tháng năm tố cáo, họ tên, địa chỉ người tố cáo thì các cơ quan phải thụ lý, giải quyết. Tương tự, với các đơn thư tố cáo nặc danh nhưng người gửi có gửi kèm theo những tài liệu, chứng cứ như ảnh, băng ghi âm, tài liệu chứng minh hành vi vi phạm cũng phải xem xét giải quyết để không bỏ lọt vi phạm.

H.Vũ