Mở rộng điều trị Mathadone: Cơ hội cho người nghiện
Đây là khẳng định của các đại biểu tại buổi giảng của GS TS Carlt Latkin- giám đốc Trung tâm Dự phòng và Nghiên cứu về HIV/AIDS, Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ với chủ đề: “Điều trị nghiện bằng thuốc cho người tiêm chích ma túy: Một số kết quả quan trọng và bài học kinh nghiệm cho quá trình mở rộng chương trình”, do Trung tâm Chuyển giao công nghệ điều trị chất và HIV (Trường Đại học Y Hà Nội) đã tổ chức ngày 8/11 tại Hà Nội.
52.000 trường hợp cai nghiện nhờ Methadone
Đánh giá về hiệu quả điều trị Mathadone cho người nghiện ma túy, GS.TS Carlt Latkin cho biết, tính hiệu quả của điều trị Mathadone giao động ở mức 20 đến 70%. Phương pháp này được coi là cơ hội “vàng” đối với người nghiện ma túy với những ưu điểm như: chi phí thấp, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV và đặc biệt là giúp bệnh nhân hồi phục khả năng lao động. Trên thế giới, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đã được triển khai đầu tiên tại Canada từ năm 1959 và đến nay đã được mở rộng ra gần 80 quốc gia. Trong đó có một số nước triển khai chương trình điều trị bằng Methadone rất hiệu quả như Mỹ, Australia, Trung Quốc...
Thực tế tại Việt Nam, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được triển khai thí điểm từ năm 2008. Đến nay, chương trình đã chứng minh được tính hiệu quả ở Việt Nam tương đương với hiệu quả của chương trình tại nhiều nước trên thế giới. Theo đó đã làm giảm đáng kể hành vi sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị.
Trước khi tham gia điều trị 100% bệnh nhân sử dụng heroin, sau 24 tháng tỷ lệ này chỉ còn 15%. Trước điều trị hầu hết bệnh nhân có tần suất sử dụng rất cao với 48% bệnh nhân sử dụng trên 05 lần/ngày, 45% bệnh nhân sử dụng từ 3-4 lần/ngày và chỉ có 6,3% bệnh nhân sử dụng với tần suất 1-2 lần/ngày. Tuy nhiên sau 24 tháng điều trị, không có bệnh nhân nào sử dụng từ 2 lần/ngày trở lên và tần suất sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng chỉ còn từ 2-3 lần/tháng.
Theo TS Lê Minh Giang- giảng viên bộ môn dịch tễ Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân tham gia chương trình Methadone đã có sự cải thiện về mặt sức khỏe (thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống). Đa số bệnh nhân có cải thiện về sức khỏe, chuyển biến tích cực về thái độ cũng như cuộc sống sau một thời gian điều trị. Thời gian bệnh nhân tham gia điều trị càng dài thì mức độ ổn định về sức khỏe thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân càng cao.
Mở rộng để giảm thiểu tái nghiện
Tuy nhiên, việc triển khai điều trị Mathadone đang đứng trước không ít khó khăn thách thức. Để công tác quản lý và điều trị bệnh nhân đạt hiệu quả cao, các Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS mở cửa cho bệnh nhân đến uống thuốc từ 7 giờ đến 17 giờ hằng ngày; định kỳ hằng tuần bộ phận tư vấn tổ chức họp người nhà bệnh nhân, kịp thời trao đổi những khó khăn, vướng mắc mới phát sinh, đồng thời động viên tinh thần, giúp bệnh nhân thực hiện tốt việc tuân thủ điều trị. Song với nhiều người bệnh, thì đây lại là thách thức rất lớn vì đi làm xa, không cố định.
Cũng vì lý do này không ít bệnh nhận tái nghiện vì không điều trị thường xuyên. Bên cạnh đó có một thực tế đáng buồn là sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nghiện ma túy, người nhiễm HIV/AIDS tái hòa nhập cộng đồng vẫn khá nặng nề làm cho việc triển khai chương trình gặp nhiều khó khăn.
Theo các đại biểu, việc triển khai điều trị Methadone cho người nghiện đang gặp không ít khó khăn song trên bình diện quốc gia, chúng ta đang rất cần mở rộng điều trị thay thế bằng Methadone. Bởi tính đến tháng 6/2017 cả nước mới chỉ điều trị thay thế bằng Methadone cho gần 52.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện, như vậy, chưa đến 1/3 số người nghiện chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng Methadone, còn hơn 100.000 người chưa được điều trị. Điều đó cho thấy, nhu cầu còn rất lớn và do vậy các tỉnh, thành phố phải rà soát số người nghiện các chất dạng thuốc phiện thực tế tại địa phương mình để thiết lập các cơ sở để điều trị Methadone cho phù hợp.
Theo quy định của Chính phủ, quận huyện nào có từ 250 người nghiện chất dạng thuốc phiện trở lên thì mở 1 cơ sở điều trị Methadone, nơi nào ít hơn 250 người thì đặt cụm liền kề giữa các huyện hoặc thiết lập điểm cấp phát thuốc Methadone vệ tinh. |