Trung - Mỹ gạt bỏ bất đồng trong quan hệ thương mại

Khánh Duy 10/11/2017 07:00

Trong một diễn biến đáng chú ý trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9/11, ông chủ Nhà Trắng đã ngợi khen Bắc Kinh trong quan hệ thương mại song phương, dù rằng trước đây từng cho rằng đây là một mối quan hệ không công bằng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự lễ đón tiếp chính thức tại Quảng trường Thiên An Môn, hôm 9/11. (Nguồn: Reuters).

Xuất hiện sau 2 giờ đối thoại với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Trump nói rằng ông không đổ lỗi cho Trung Quốc vì tận dụng những khác biệt giữa cách thức làm ăn kinh tế giữa hai nước.

"Tôi không đổ lỗi cho Trung Quốc" - ông Trump nói trong bài phát biểu trước giới lãnh đạo doanh nghiệp bên trong Đại lễ đường Nhân dân - "Sau cùng thì ai có thể đổ lỗi cho một quốc gia chỉ vì họ có khả năng vượt lên quốc gia khác để mang lại lợi ích cho công dân nước họ? Tôi có lời ngợi khen Trung Quốc".

Thay vì cáo buộc Bắc Kinh đã làm trầm trọng hơn bất đồng về vấn đề thương mại, ông Trump đã cáo buộc các chính quyền trước đây của nước Mỹ vì "đã để cho thâm hụt thương mại xảy ra và gia tăng".

Đây được coi là một sự thay đổi lớn trong quan điểm của một vị Tổng thống từng đặt trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của mình là nói rắn về việc các quốc gia khác gây bất lợi cho nhân công Mỹ. Và trong chuyến công du lần này, ông Trump cũng củng cố hình ảnh nhà đàm phán tài ba của mình bằng cách đạt được nhiều thỏa thuận thương mại với tổng giá trị 250 tỷ USD giữa hai bên.

Trong các tuyên bố trước báo giới được đưa ra sau cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra những quân điểm nhằm xoa dịu mối quan hệ Mỹ - Trung và khẳng định rằng khác biệt giữa hai nước sẽ để sang một bên để dành đường cho mối quan hệ hợp tác phát triển.

"Chúng tôi mong muốn một mối quan hệ hợp tác thương mại năng động với Trung Quốc" - Tổng thống Trump nói - "Chúng tôi cũng muốn một mối quan hệ công bằng và có lợi cho cả đôi bên. Ngày hôm nay tôi đã thảo luận cùng Chủ tịch Tập về sự bất cân bằng trong mối quan hệ về thương mại và các bước đi vững chắc để giải quyết vấn đề này".

Chủ tịch Tập cũng đưa ra một quan điểm hàn gắn quan hệ Mỹ - Trung, khẳng định rằng những khác biệt giữa hai nước có thể được giải quyết.

"Là hai quốc gia khác biệt, hai phía đều có những quan điểm khác nhau hoặc sự khác biệt về một số vấn đề. Điều này là hết sức tự nhiên" - Chủ tịch Tập nói - "Điều quan trọng là cách giải quyết đúng đắn và kiểm soát chúng".

Ủng hộ một "hướng tiếp cận mang tính xây dựng", ông Tập khuyến khích 2 nước "bỏ qua những khác biệt, cùng lúc xây dựng một sân chơi chung".

Cả hai nhà lãnh đạo đều tìm cách thành lập một mặt trận chung về vấn đề Triều Tiên, vốn được coi là tiêu điểm trong chuyến công du châu Á kéo dài 13 ngày của Tổng thống Trump. "Toàn thế giới cần phải đoàn kết để đối phó với Triều Tiên", ông Trump nói.

Hai nhà lãnh đạo không chính thức tuyên bố bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách với Triều Tiên, nhưng Tổng thống Trump đã kêu gọi Trung Quốc nỗ lực hơn, cụ thể bằng lời kêu gọi "tất cả các nước có trách nhiệm" nên ngừng rót nguồn tài chính cho chính quyền Triều Tiên.

Chủ tịch Tập khẳng định rằng hai nước đều mong muốn chứng kiến sự "ổn định bền vững" trên bán đảo Triều Tiên, thêm rằng Trung Quốc có kế hoạch "thực thi đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ".

Trước đó, sáng 9/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức lễ tiếp đón chính thức Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Quảng trường Thiên An Môn với những nghi lễ trang trọng nhất.

Truyền thông Trung Quốc đã gọi chuyến thăm của ông Trump là "Chuyến thăm cấp nhà nước +" (State visit-plus), cụm từ chưa từng được sử dụng cho chuyến thăm của một lãnh đạo nước ngoài từ ngày 1/10/1949.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết sự trọng thị mà Bắc Kinh dành cho ông Trump là màn đáp lễ cho sự tiếp đón nồng hậu ông chủ Nhà Trắng dành cho vợ chồng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida hồi tháng 4 năm nay.

Trước khi đến Trung Quốc, Tổng thống Trump đã tới thăm chính thức Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh quan trọng của Mỹ tại Đông Bắc Á. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định chuyến thăm Trung Quốc là sự kiện được chú ý nhất, có thể có những tác động lớn tới tình hình khu vực và thế giới.

Khánh Duy