Vườn quê lấp lánh
Vườn nhà quê ngày xưa những lần chúng tôi về, chính là một miền cổ tích!
(Ảnh minh họa: Nam Nguyễn).
Con mắt bé nhỏ cảm thấy ngợp giữa những vạt rau ngót, vài thân sấu, mấy cây bưởi giữa vườn, cây ổi ven rào đằng này, bụi tre góc đằng kia, cây hồng bì mảnh khảnh nhưng lúc nào tìm đến là cũng có quả, và hàng rào găng bao bọc phía ngoài, ngăn khu vườn với đường ngõ lát sống lưng gạch đều tăm tắp. Thấy mênh mông còn bởi phía cuối vườn kia, tiếp sang sân vườn nhà hàng xóm, cũng chỉ là hàng rào găng, nó cho con mắt bé nhìn thấu sang tận bên ấy, cũng xanh ngát cây cối và lốm đốm màu mấy khóm hoa trước hiên. Giăng qua cả hai khu vườn là một giàn nhót quả xanh, vàng nhạt, hồng, đỏ lấm tấm những chấm lấp lánh trong nắng. Nhớ đâu đó còn có những dây mướp hoa vàng, dây bầu xanh khô khô đậm đậm… khiến tôi thường nhận được những màu hoa, quả khác nhau trên nền cây lá.
Vắng như vườn buổi trưa, chính là trong trí nhớ của tôi về vườn ông bà ngoại. Trưa lang thang ngoài vườn, chỉ vẳng lại những tiếng ong ong mơ hồ đâu xa xôi như tiếng con gì bay, tiếng gió, tiếng bụi tre, tiếng mồ hôi ròng ròng trên mặt những giờ không ngủ. Tôi vào vườn nhìn lên cao tìm chim gõ kiến, vì tôi đã thấy chúng trong họa báo Liên Xô, trong phim hoạt hình. Tôi hỏi người lớn trong nhà, chim gõ kiến ở đâu. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy, chỉ nghĩ là chim đang cặm cụi làm việc sau một thân cây nào, vì hình như tôi nghe thấy tiếng mỏ chạm vào cây. Và bởi tôi đã đọc một câu chuyện về chim nhỏ đi trốn rét không kịp, lang thang giữa rừng xin các cây cho trú nhờ. Cây sồi, cây thông nhỏ… đón chim vào trong hốc, dưới những lá cành của mình, về sau cây được chúa trời cho quanh năm xanh tốt, ngay cả giữa mùa tuyết giá. Nên tôi cứ tự hỏi mãi, những cây trong vườn của ông bà mình, có đang che chở cho ai không.
Nắng không thể rọi hết xuống mặt đất mà chỉ xiên xiên từng đốm hình thù là lạ nhảy múa qua những lớp lá dầy. Ở chỗ nào quang bóng cây một chút thì cả một khoảng ánh sáng ùa xuống, bừng lên và nhìn lâu trong ấy dường như có khói, như có ông tiên sắp hiện ra. Tôi hay đi vào vườn và đợi sẽ được gặp ông Bụt. Chỉ là vì tôi đã đọc truyện cô Tấm và truyện về cây nêu ngày Tết. Áo ông Bụt phủ trên ngọn tre tỏa hào quang rực rỡ, đẩy dần vùng đất của loài quỷ về phía biển. Hồi đó tôi nghĩ, hết đất làng quê mình chắc là sắp đến biển, và ở ngoài đó có quỷ, cảm thấy ghê ghê. Và lại vẽ ra trong đầu, nếu những cây sấu, cây bưởi của ông bà ngoại mình được phủ áo ông Bụt thì cũng sẽ đẹp lắm!
Mình đứng ở đây, thật yên tâm! Và ông Bụt sẽ hiện lên trước mắt tôi, ở lưng chừng kia. Áo ông vàng sáng, râu tóc ông bạc trắng, tay ông chống gậy, như trong truyện tranh ấy. Bây giờ tôi nhớ ra rằng hồi đó chưa kịp chuẩn bị điều ước gì để xin ông. Chỉ láng máng khi sang vườn tôi hay cầm theo một cái gậy, hay cái que gì đó, để sẵn sàng… chiến đấu! Biết đâu có những gì đe dọa nấp ở đâu đó chẳng hạn. Vì dù biết rằng quỷ không dễ đến đây được, nhưng vì có những lùm cây nên nhỡ có gì đó thì sao, cho nên cầm sẵn que vẫn hơn.
Và bởi, không có quỷ, nhưng ma thì cũng… sẵn! Vì tôi đã nghe người lớn kể chuyện về ma, mà chúng thì hay có ở trong làng. Con ma lưỡi dài thè ra đỏ lòe trong đêm. Con ma ngẩng mặt lên nhìn mặt phẳng lì, chả có mắt, có mũi gì cả. Con ma là một bà nọ đang bắt chấy cho một bà kia ở ngoài đồng lúc giữa trưa. Bà kia nghe cái bà đang bắt chấy cho mình đưa chấy lên miệng cắn lép bép, đến lượt bà ấy bắt thì thấy đầu bà này mềm nhũn, lổm ngổm những chấy bò, sợ chết khiếp, vứt cả nón chạy mất… Những chiều nhập nhoạng khi mắt vừa như đổ quáng gà, tôi đứng ở trong vườn mà tưởng có con ma là một mảng trăng trắng gì ở đằng kia. Thế là ù té chạy về.
Có mùa vườn nhiều những mảnh ngói vỡ, chắc người lớn dọn dẹp vứt tạm ra đấy, trẻ con bước vài bước nghe lách cách vui tai. Có những ngày hoa bưởi rụng xuống phủ lên mặt đất, trông như thảm trắng phớt phớt điểm vàng. Mùi hoa ùa lên, đứng đâu cũng thấy thơm mát, nhưng vẫn nhặt lên đầy tay hít lấy hít để. Có ngày lá tre thả, những vệt xanh mới chồng lên xanh bàng bạc, lên vàng nâu, khô xám, tất cả đan trên màu đất có ngày quyện lại nâu đen, có những hôm lại ngả bàng bạc. Và những buổi tạnh mưa, vườn đầm đìa nước, gió lùa hơi nước vòm cây lá cỏ xuống trẻ con đang đứng ngây ra ở giữa vòm trời đang bừng sáng lên.
Vườn lúc nào cũng mở cửa tưởng tượng để trẻ con lan man về ý nghĩ cỏ cây. Chơi trốn tìm từ vườn qua chiếc cổng vòm cũ vào sân nhà, những gian nhà cổ có nhiều góc tối với cót thóc, sào vắt quần áo, gầm giường, gầm ban thờ, buồng nhỏ phía đầu hồi bên này, rồi đến chuồng bò cũ được sửa thành một cái buồng nữa nép bên cạnh đầu hồi bên kia, tiếp với một khoanh vườn nhỏ có những thân chuối, dàn mồng tơi, cây rơm, và lại ngăn với vườn nhà phía sau bằng rào găng, từ khoanh vườn bên nhà đó bước sang căn bếp rộng gồm cả gian đun bếp kiềng có một cái ngăn to như cái bể chất đầy rơm, cả gian giữa mọi người ngồi ăn cơm, thêm gian bên dựng cái xe bò và đủ chỗ để xay bột ở đấy, chưa kể cả một cái chuồng lợn đằng sau đó nữa… thì ôi thôi, ấy là cả một vương quốc! Đứa này phải đi tìm thì mãi mới phát hiện ra những đứa khác, ở sau cót thóc, sau cây, trong rơm, trên ngách cổng...
Và cứ chơi từ nhà sang vườn, từ vườn về sân như thế, thì có thể mãi cả nửa ngày, cho đến bữa cơm mới tạm dừng. Kê chiếc ghế gỗ sát vào cây rơm, ở trên rơm, rồi lấy cái nong mà một đứa có thể nằm duỗi chân duỗi tay được, dựa vào cây rơm với khóm chuối ngay sát đó, là có thể thành ra một nơi trú ẩn, giống căn hầm, giống như chiến hào, giống cả một con tàu nữa, nếu muốn. Có lần phát hiện ra được trong những đồ nghề sửa xe đạp dưới gầm giường của ông ngoại một chiếc rìu nhỏ mà tôi tưởng mình bỗng hóa Thạch Sanh. Một cái dây buộc quanh bụng, tôi giắt “lưỡi tầm sét” bên sườn rồi xông vào khoanh vườn nhỏ chặt chuối khiến cho mọi người nhìn thấy la lối ầm lên.
Vườn những nhà trong xóm, những xóm trên, xóm dưới nơi chúng tôi bỏ giấc ngủ đi lang thang cũng gợi bao nhiêu tò mò. Vì thường chỉ đi bên ngoài nhìn vào chứ nhà nào cũng có chó, trẻ con ở phố về sợ. Có nhà, vườn là một nhóm những cây cổ thụ to um tùm, nhìn thấy như cả một vùng xanh đen, thẫm lại bí hiểm. Những con gà tây đi từ trong cái vườn ấy ra làm tôi sợ run cả chân vì không thể nghĩ rằng con gà có thể to xù lên như thế, lại kêu tiếng rất to và cứ ríu rít cả đàn, một đàn gà rất quen với người, không hề sợ người. Chúng cứ thế líu tíu đi đến gần mình tìm cái ăn khiến tôi lo lắng và hoảng sợ. Có nhà, như ở dưới ngõ bà dì họ của tôi, hàng rào găng nối với những khóm cây rợp mát tạo thành mảnh vườn đầu hồi, mà không hiểu sao hàng rào găng ấy lại gần như mọc lên giữa đường đất, khiến cho trẻ con rất dễ bị chệch, muốn vào nhà này lại dễ nhầm sang hướng nhà kia. Có nhà, vườn um tùm bò lan cỏ mọc, chờm lên cả những thân tường lở lói đằng sau chiếc cổng xiêu vẹo hoa văn rơi rụng. Có nhà, bước qua mảnh sân gạch là vườn, toàn những luống rau, chạy quanh men theo lan can thấp của vườn xây bằng gạch là mấy vạt hoa, hồng gai, mào gà…, cao vút lên mấy thân cau xanh mỡ gần bể nước.
Những vườn nhà quê mà “mái vườn” thành những mảng xanh dài lan đi không hết nhà này qua nhà khác, nối các nhà láng giềng trong xóm, ngõ, nối ngõ trên xuống ngõ dưới, vườn trước bước sang vườn sau. Vườn nhà đầu ngõ chỉ bước qua đường làng là gần gũi hàng tre tiếp với những bụi cỏ bờ sông. Vườn ở cuối ngõ sẽ có lối qua một hai cái ao, trên bờ là khóm tre, để từ đó mở ra cánh đồng. Những vườn liên tiếp nhau, dài lâu, tha thẩn, gọi bước chân trẻ con đi mãi những trưa những chiều chưa hết màu xanh ấy.
Vườn quê của tôi, của làng quê tôi đã ở lại mãi trong trí nhớ. Vì ngay cả nhiều nhà ở nông thôn bây giờ cũng dần hẹp lại đất vườn để chia lô bán hoặc xây buồng cho thuê. Đất xưa rộng thế mà cũng hóa ra chật chội khi trẻ con trong nhà lớn lên, thanh niên phải dựng vợ gả chồng, rồi có những nhóm gia đình sống quây quanh mảnh sân gạch, nhà cổ, nhà bê tông ép vào nhau dưới những vòm trời đã quang bớt bóng cây lớn. Hay là ngày xưa rộng thế bởi tâm trí trẻ con chỉ biết tưởng tượng, chỉ nghĩ xa nghĩ xôi về những thế giới hoang dại của tiếng và hình, của sắc màu pha trộn mà mình không thể biết hết, ở đằng sau những vườn tược ấy. Còn lớn lên, cần phải lo lắng, phải chuẩn bị, phải sửa soạn, phải tính toán thì cái gì cũng nhỏ hẹp lại. Chắc không phải tại hôm nay, tại lớn lên, tại những lo toan. Mà vì trong lòng mình có thể không còn đất nữa cho cây cỏ mọc.
Bao giờ những vườn quê hương mới lại hiện về?Tôi đi trên đường làng quang đãng và nghĩ về ma, về quỷ, về chiếc áo ông Bụt và những cuộc trốn tìm từ vườn sang nhà, từ trong nhà ra ngoài ngõ. Cuộc trốn tìm này của tôi, với khu vườn, ai mở mắt ra đi tìm người kia, để xa xôi ở phía trước, đợi thấy nhau khi bắt đầu những mùa lá mới?