Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu lý do hình thành đặc khu kinh tế
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đặc khu kinh tế sẽ tạo ra sân chơi mới, thể lệ mới thu hút làn sóng đầu tư đang dịch chuyển mạnh mẽ trên thế giới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội.
Ngang bằng hoặc hấp dẫn hơn so với các nước
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (10/11) về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cần phải có tư duy và tầm nhìn dài hạn, táo bạo và đột phá.
“Đây là một cuộc chơi, nếu chúng ta không tham gia thì sẽ thua thiệt. Trung Quốc làm thành công từ nhiều năm nay nhưng bây giờ họ vẫn liên tục đổi mới”, Bộ trưởng Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, hiện nay trên thế giới có khoảng 4.500 các loại đặc khu kinh tế của hơn 140 nước. Bộ KHĐT đã nghiên cứu 13 mô hình tương đồng với Việt Nam để thấy được những thành công và thất bại, trong đó có thể chế mà Viêt Nam đang tạo dựng. Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt được thiết kế trình Quốc hội kỳ họp lần này gồm những thể chế ngang bằng hoặc hấp dẫn hơn so với các nước.
Lý giải tại sao cần phải xây dựng các khu kinh tế hành chính đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các đặc khu sẽ tạo ra sân chơi mới, một thể lệ mới nhằm đón nhận, thu hút làn sóng đầu tư đang dịch chuyển mạnh mẽ trên thế giới hiện nay.
“Đây là cơ hội cho Việt Nam đón nhận làn sóng đầu tư lớn. Chủ trương đã có, bây giờ cần phải được luật hóa để nhanh chóng thành lập các khu đơn vị hành chính đặc biệt nhằm tạo ra những thể chế tốt nhất, vượt trội so với hệ thống pháp luật trong nước, thậm chí cạnh tranh được với các nước trong khu vực và quốc tế”, ông Dũng nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành kế hoạch đầu tư cũng nêu rõ: Cần rút ra những bài học kinh nghiệm về những thất bại của các đặc khu hiện nay trên thế giới và tranh thủ những mô hình, xu hướng và cách làm tốt nhất và dựa vào thực tế của Việt Nam trong việc phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp hay khu công nghệ cao.
Tạo động lực, lôi kéo và lan tỏa
Theo Bộ trưởng Dũng, đây là thời cơ tốt nhất để tổng kết, đánh giá và đưa ra một mô hình và tạo ra một thể chế mới để đón nhận và thu hút một làn sóng đầu tư, tạo nên các cực tăng trưởng mạnh mẽ, đột phá, tạo bạo để có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế, tạo động lực, lôi kéo và sức lan tỏa cho cả nước phát phát triển.
Phối cảnh tổng thể quy hoạch phát triển khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) - Ảnh: KT
Chính phủ kỳ vọng khi tạo ra được thể chế mới và cạnh tranh này thì sẽ thu hút được nguồn lực đầu tư phát triển tự do, cạnh tranh trong khuôn khổ Hiến pháp. Tạo ra một động lực mới cho tăng trưởng kinh tế là mục tiêu chính đáng và hợp lý tại thời điểm này, ông Dũng nói.
“Chúng ta chủ động đưa ra và tạo dựng các đặc khu kinh tế để thu hút, đón nhận và hấp thụ một cách hiệu quả nhất từ làn sóng đầu tư trong và ngoài nước. Khi đã chủ động thì chúng ta phải biết mình muốn gì và phải biết được nhà đầu tư cần gì. Chúng ta nên đưa ra những cái nhà đầu tư cần và thể chế có thể cho phép, chứ không đi theo cách tiếp cận chúng ta có cái gì thì cho nhà đầu tư cái đấy”, Bộ trưởng Dũng lưu ý.
Người đứng đầu ngành kế hoạch đầu tư nêu rõ: Những đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt có vị trí chiến lược, có lợi thế so sánh đủ để phát triển được. Khi tạo ra thể chế mới cho những khu này có thể sẽ có những đóng góp lớn cho những ngành được lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đồng thời phù hợp với xu thế quốc tế. Ví dụ, dịch vụ, công nghệ cao, y tế, giáo dục, văn hóa, vui chơi giải, trí, thương mại...
Đây là một đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, cả tổ chức hành chính cũng phải đặc biệt, thể chế kinh tế cũng phải đặc biệt để hài hòa lợi ích của cả nhà nước và nhà đầu tư thì mới thành công, ông Dũng khẳng định.
Giám sát đặc biệt
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, muốn dành quyền tự chủ cho đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt hiện có 2 phương án. Thứ nhất là không tổ chức UBND và HĐND, không trái hiến pháp, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, làm sao dành quyền tự chủ, chịu trách nhiệm, thẩm quyền trong điều hành hàng ngày của trưởng đơn vị.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, khi uỷ quyền nhiều, phân cấp, phân quyền nhiều cho trưởng đặc khu thì phải có cơ chế giám sát đi kèm. Ban soạn thảo, Chính phủ cũng đã tính đến phải có giám sát từ UBND cấp tỉnh, HĐND tỉnh, giám sát từ các Bộ ngành T.Ư của Chính phủ theo ngành dọc và theo chiều ngang để có cơ chế giám sát lại các cơ quan của đơn vị kinh tế hành chính đặc biệt này và trưởng đơn vị hành chính đặc biệt.
Theo Chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, chiều 10/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt gồm 70 điều.
Chiều cùng ngày, sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật này.
Dự kiến, tại kỳ họp cuối năm này Quốc hội sẽ xem xét lần đầu dự án luật và dự kiến thông qua ở kỳ họp tiếp theo.