Ngọn lửa hồng trên đỉnh Pha Đin
Sinh ra trong một gia đình có tới 11 người con trên đỉnh đèo Pha Đin quanh năm mịt mù mây phủ và lộng gió. Đói nghèo, thất học và lạc hậu không chỉ là nỗi ám ảnh của riêng gia đình Mùa Thị Rùa mà còn với hầu hết các hộ đồng bào Mông ở xã Toả Tình (Tuần Giáo, Điện Biên) này. Nhưng Rùa không cam chịu phận ấy...
Táo mèo đã trở thành cây đặc sản đem lại nguồn thu lớn cho người dân Tây Bắc trong đó có Tỏa Tình.
Lập nghiệp bằng con số không
Bản Lồng của Rùa nằm giữa đỉnh đèo Pha Đin, giáp danh với huyện Thuận Châu (Sơn La). Hỏi chuyện Rùa về những ngày đầu lập nghiệp, chị kể: Sinh năm 1976, nhà có 11 anh em nên lúc nhỏ khổ lắm! Ngày ấy người vùng cao nghĩ giản đơn: Thêm đứa con cũng chỉ là thêm muôi nước vào nồi cháo, chẳng tốn kém gì hơn. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên bố mẹ không cho Rùa đi học mà bắt ở nhà trông 6 đứa em. Còn bố mẹ và các anh trai của mình cũng rất khổ. Sáng chưa bảnh mắt đã lên nương, tối mịt mới về nhà mà vẫn không kiếm đủ cái ăn, cái mặc cho con cái. Cuộc sống nghèo khó cứ đeo đẳng mãi.
Năm 1992, Rùa lấy chồng. Tình cảnh gia đình nhà chồng không khấm khá hơn là mấy, cơm vẫn không đủ ăn. Nhiều đêm nằm ngủ, hai vợ chồng thao thức bàn tính: Nếu cứ xoay sở làm 3.000m2 nương rẫy như bố mẹ thì cho dù làm hết cả đời hai vợ chồng vẫn không thể xóa cái đói, cái nghèo được. Muốn thoát nghèo thì vợ chồng phải nghĩ được cách làm khác. Nhưng chữ không biết, trồng cây con gì cũng không biết nên vợ chồng chị nghĩ mãi vẫn không tìm ra được cách làm ăn mới nào. May thay, vào năm 1993, Nhà nước xóa bỏ cây thuốc phiện đã cho nhà chị 30 cây mận. Vườn mận nhà chị do được chăm sóc kỹ lưỡng, sớm đâm trồi, nảy lộc, ra hoa kết trái.
Ngày ấy, 30 cây mận chẳng mang lại lợi ích kinh tế nhưng nó đã mang lại cho Rùa một điều đáng giá ngàn vàng: Có thể thay thế cách sản xuất cũ của người Mông, bỏ cây lúa nương, ngô tẻ đỏ để làm những cây khác được nhiều tiền hơn. Rồi ước muốn học chữ đã đến cùng Rùa. Chồng Rùa kể: Mình tuy học đến lớp 6 nhưng cũng chỉ biết đọc, biết viết, chưa thạo tiếng phổ thông. Thấy vợ quyết tâm thì mình làm thầy giáo. Nhiều cái Rùa hỏi mình cũng chẳng biết trả lời, phải sang bản khác tìm người học cao hơn để hỏi đấy. Dạy có một năm, chỉ là tranh thủ buổi tối mà mình đã hết chữ rồi. Thế là Rùa nó tự học thêm...
Một hôm, trong lần xuống Sơn La chơi, vợ chồng Rùa tình cờ nhặt được một chiếc ví ở trên đường. Nghĩ mình có ăn không của ai cái gì cũng là người không tốt, Rùa mang đến công an nhờ tìm giúp chủ để trả lại. Lòng tốt của hai vợ chồng đã được đền đáp. Một thời gian sau, người khách được nhận lại đồ đã tìm lên tận nhà để hậu tạ anh chị với 30 cây sa nhân giống. Họ bảo, cây sa nhân này khá phù hợp với đồng đất, thời tiết khí hậu ở đây, trồng có hiệu quả cao. Như vớ được vàng, anh chị bắt tay ngay vào việc trồng sa nhân. Vừa trồng, vừa nhân giống, cứ thế vườn sa nhân ngày càng được mở rộng. Trồng sa nhân năm 1994, đến năm 1997 được thu hoạch. Năm đầu tiên do trồng ít nên chỉ thu được có 20 kg quả sa nhân khô, bán được 1 triệu đồng. Đến nay, vợ chồng chị đã phát triển được 2ha sa nhân, thu 100kg quả khô, bán được vài chục triệu mỗi năm.
Trong lúc đưa chúng tôi đi thăm vườn thảo quả mới trồng vài năm tuổi, ông Lầu Chứ Thếnh gật gù: Đổi mới được như Rùa là hiếm có ở đất này. Nhưng thành tích đáng nể nhất của Rùa là trồng dưa Mèo trái vụ. Người Mông thường trồng dưa mèo vào đầu tháng 3, đến tháng 6, tháng 7 thì cho thu hoạch. Lúc đó, do dưa nhiều nên bán không có giá. Nhưng Rùa đã nghĩ ra cách làm riêng, trồng dưa từ tháng 1, đến tháng 3; khi người khác xuống giống thì chị đã có dưa để bán. Với việc trồng dưa trái vụ đó, chỉ với 5 tấn dưa/vụ chị đã thu được 25 - 32 triệu đồng, hiệu quả gấp nhiều lần so với trồng dưa chính vụ.
Mùa Thị Rùa với mùa táo mèo bội thu của mình.
Cái đúng, cái hay đã có chỗ đứng
Cứ theo cách nghĩ và làm riêng của mình, Rùa cùng chồng ngược xuôi khắp nơi tìm kiếm những cây con có giá trị kinh tế về nuôi trồng. Đến nay, vợ chồng Rùa đã là chủ trang trại rộng 5-6ha, trong đó trồng lúa, ngô, sắn, sa nhân, dưa mèo, thảo quả và chăn nuôi trâu, bò, nhím. Riêng đàn nhím, năm trước chị mua 4 đôi nhím (giá 1 đôi là 14 triệu đồng) về, nay đã sinh sản ra được thêm 7 con nữa. Tính ra, thu nhập do trang trại trồng trọt, chăn nuôi của gia đình chị mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Ngoài kinh tế trang trại của gia đình, vợ chồng chị còn nhận khoanh nuôi, bảo vệ 8ha rừng. Từ hiệu quả của mô hình kinh tế trang trại trồng trọt kết hợp với chăn nuôi, vợ chồng chị đã dư giả vốn liếng làm ăn.
Từ việc dùng cái đầu để nghĩ cách làm giàu của Rùa, đến nay hầu hết các hộ trong bản đều làm theo mô hình phát triển kinh tế của vợ chồng chị. Cả bản đã trồng dưa trái vụ, nhiều hộ khác trồng sa nhân, nuôi trâu, bò... Ngay trưởng bản mới là Vừ Gióng Và lúc đầu cũng phân vân nhưng nay thì suốt ngày đến nhà Rùa đăng ký mua thêm giống sa nhân để trồng. Hiện tại, giá 1 cây sa nhân giống Rùa bán ra cho dân bản chỉ với giá “giúp đỡ” là 2.000 đồng. Đã thoát nghèo, trở thành triệu phú, vợ chồng Rùa lập quyết tâm trở lại giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ như mình trước đây vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình cũng như nuôi con ăn học. Với 10 hộ anh em trong nhà không có trâu để cày ruộng nương, vợ chồng chị đã giúp mỗi hộ 500.000 đồng để họ mua trâu. Với những bà con thiếu tiền nuôi con ăn học, chị cho vay 3-5 triệu đồng. Nhà nào khó khăn quá thì vợ chồng chị giúp luôn.
Rùa tâm sự: Người Mông Toả Tình này chăm chỉ như con nai, con hoẵng. Nay mình làm kinh tế có hiệu quả thì phải giúp bố mẹ nuôi các em đi học tiếp, dạy các em cách làm hay. Đứa em gái út của em mấy lần đã phải bỏ học nhưng Rùa luôn động viên em cố gắng học lấy cái chữ, kiến thức để sau này giúp bản thân lập nghiệp. Thấy chị nói giỏi nhưng làm cũng giỏi nên nó nghe lời. Nếu chịu khó học, chịu khó nghĩ thì cuộc sống sẽ có nhiều cái mới hay hơn, sướng hơn, người Mông sẽ bỏ được kiếp du canh, du cư cùng cái đói, cái nghèo, bụng không lép như bụng con ngựa mùa đông nữa.