Nhận diện thách thức, đón đầu cơ hội
Ngày 10/11, Viện Nhân lực Ngân hàng tài chính, và Quỹ khởi nghiệp khoa học công nghệ tổ chức hội thảo quốc tế thường niên với chủ để “Ngân hàng và Fintech: cơ hội và thách thức”.
Quang cảnh hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, ông Macro Breu-Tổng Giám đốc MCKinsey& Company, Tập đoàn Tư vấn quản trị và chiến lược toàn cầu MCKinsey& Company nhận xét: “Quan sát ở Việt Nam có nhiều điều đang diễn ra liên quan đến công nghệ mới.
Mới đây nhất Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ quản lý nhân khẩu bằng mã số định danh và đó là thông tin tốt để ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao.
Về triển vọng, đây cũng là cơ hội để cho ngành ngân hàng và công ty Fintech Việt Nam nắm lấy cơ hội đưa ra các dịch vụ tốt hơn để phục vụ khách hàng”.
Cụm từ công nghệ tài chính (fintech) là cụm từ được nhiều người nhắc đến trong thời gian 2 năm trở lại đây.
Fintech hiểu đơn giản là để nói về các công ty ứng dụng công nghệ tiên tiến vào dịch vụ tài chính.
Với tỷ lệ 52% người dân sử dụng internet, 45% sử dụng điện thoại thông minh (smartphone), Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn cho các công ty ứng dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính.
Theo thống kê, đang có khoảng 10 công ty fintech được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.
Từ những hoạt động đơn thuần ban đầu như cung cấp các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, đến nay, các công ty fintech đã lấn sân sang cả mảng huy động/cho vay của ngân hàng truyền thống.
Với thế mạnh thu hút được người trẻ sử dụng, cùng với việc tiết kiệm thời gian, các công ty fintech có một dữ liệu khách hàng mới mẻ.
Tuy nhiên, phần lớn các công ty fintech không quá mạnh về tài chính để đứng vững trong thời gian dài.
Giới chuyên gia cũng cho biết, với dân số trẻ, yêu công nghệ, dịch vụ tài chính cung cấp bởi các công ty Fintech đang được xem là đối thủ đáng gờm của các tổ chức tín dụng.
Những tiến bộ trong công nghệ đã làm thay đổi hoàn toàn phương thức giao dịch với ngân hàng và đầu tư.
Một câu hỏi đặt ra: thời gian tới, các công ty fintech đe dọa ngân hàng hay là cơ hội cho ngân hàng?
Trả lời câu hỏi này, ông Macro Breu cho rằng, nếu cả hai cùng kết hợp với nhau thì tốt hơn.
Tại Mỹ có một ngân hàng tăng thêm doanh thu 700 triệu USD từ fintech khi ứng dụng các công nghệ tài chính.
Nhờ fintech, ngân hàng mở rộng thêm được doanh mục khách hàng. Các ngân hàng mà chỉ làm dịch vụ ngân hàng đơn thuần thì không còn hợp thời nữa.
Trong khi đó các công ty fintech có thể giúp ngân hàng có thêm những dịch vụ mới về giải trí, du lịch…
Ông Howard Lau- Giám đốc quản lý các dự án đổi mới sáng tạo Ngân hàng Bank of Asian cho rằng, trong tương lai các ngân hàng không thể hoạt động độc lập với fintech.
Còn theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, với tầm quan trọng và những cơ hội, tiện ích mà fintech đưa lại như khả năng tối ưu hóa tiện ích, tiết giảm chi phí tạo ra những giá trị và trải nghiệm mới cho người sử dụng, fintech được nhận định sẽ là xu hướng phát triển tất yếu trong hoạt động tài chính ngân hàng trên phạm vi toàn cầu.
Đồng thời, fintech được dự báo sẽ mang lại cơ hội hợp tác phát triển cũng như những thách thức đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng.
“Việc nắm bắt được những tác động của fintech sẽ kiến tạo nên một thị trường tài chính phát triển lành mạnh, an toàn và hiệu quả trong tương lai”, ông Kim Anh nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn của người trong cuộc, ông Phùng Duy Khương- Phó TGĐ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam nhận xét, trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0, thì dù ngân hàng có lớn đến đâu cũng không thể một lúc giải quyết hết được nhiều vấn đề.
Do đó, theo ông Khương, sự hợp tác giữa fintech và ngân hàng tạo cơ hội cho ngân hàng dù là lớn hay nhỏ có thể triển khai được nhiều sản phẩm dịch vụ hay nhiều giá trị đến với khách hàng để phục vụ cùng lúc.