Lấp lỗ hổng hàng giả

Thanh Giang 11/11/2017 09:15

Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, doanh nghiệp sản xuất thiếu trách nhiệm, người tiêu dùng ngại tố cáo… đó là những lý chính để hàng giả, hàng kém chất lượng có “đất sống”.

Thông tin trên được đưa ra tại tọa đàm “Nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp”, do báo Công an Nhân dân tổ chức ngày 10/11.

Tiêu hủy mỹ phẩm giả, kém chất lượng.

Diễn biến phức tạp

Ông Trương Văn Ba - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia khẳng định, nạn hàng giải càng ngày càng phổ biến. Hầu hết các hãng có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái. Bất cứ ngành nghề nào cũng có thể làm giả như: thuốc bảo vệ thực vật, hàng tiêu dùng, thuốc tây…

Còn theo Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - đội phó đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP HCM thì chỉ trong 10 tháng năm 2017 cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 3.863 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả.

Vẫn theo Trung tá Hùng, ngoài việc sản xuất và tiêu thụ hàng giả với quy mô nhỏ lẻ, lợi dụng chính sách mở cửa, đối tượng tội phạm còn nhập ồ ạt hàng giả sản xuất ở nước ngoài vào nước ta.

Sau đó tự mình hoặc liên doanh với công ty nước ngoài dùng dán nhãn mác công ty nổi tiếng của nước ngoài và đem đi tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước.

Đơn cử, các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng thực hiện “chiêu bài” nhập lậu các sản phẩm từ Trung Quốc không nhãn mác về Việt Nam.

Sau khi tổ chức đóng gói, dán nhãn giả sản phẩm có xuất xứ từ Mỹ, Úc và các nước châu Âu, hoặc giả các nhãn hiệu của nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam rồi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Không chỉ sản xuất hàng giả để tiêu thụ trong nước, nhiều đối tượng lên kế hoạch sản xuất hàng kém chất lượng, giả nhãn hiệu, thương hiệu rồi xuất khẩu.

Xử lý thiếu kiên quyết

Hàng giả, hàng kém chất lượng bày bán tràn lan trên thị trường song công tác chống hàng giả chưa thật sự mạnh tay, thiếu sự hỗ trợ của cơ quan chức năng.

Phát biểu tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng hồ sơ vi phạm sở hữu trí tuệ chuyển về cho chi cục trưởng thị trường nhưng phải qua nhiều khâu khác mới có thể xử lý được.

Trong khi đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền phải xử lý nhanh, dứt điểm các vụ vi phạm, nhất là phải xử lý thật nghiêm để không còn xảy ra tình trạng tái vi phạm làm hàng giả, hàng nhái.

Để chống hàng giả, hàng nhái tràn lan, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, cơ quan quản lý dễ dãi từ khâu đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận hợ chuẩn, hợp quy mà không biết đó có phải sản phẩm họ tự tay làm ra hay là ăn cắp kiểu dáng của doanh nghiệp khác. Chưa hết, khi phát hiện, xử lý hàng giả lại quá nhẹ tay, không đủ tính răn đe cao.

Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, hiện công tác quản lý kinh tế, quản lý thị trường trên địa bàn TP HCM bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót.

Công tác quản lý chưa tốt, ý thức của người tham gia quản lý chưa cao, trình độ quản lý còn yếu, kinh phí hạn hẹp, dẫn tới buông lỏng quản lý, kiểm tra.

Theo vị này, một số điều quy định của Bộ luật Hình sự chưa được hướng dẫn rõ ràng. Chẳng hạn quy định, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng trong chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng… thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Tuy nhiên, đến nay chưa có hướng dẫn thế nào là “số lượng lớn”, “gây hậu quả nghiêm trọng”, từ đó gây khó khăn trong quá trình xử lý của lực lượng chức năng.

Riêng công tác phối hợp liên ngành chưa thể hiện sự thống nhất, còn đùn đẩy trách nhiệm, vì vậy khi phát hiện những vụ việc buôn lậu, hàng giả thì không có cơ quan nào chịu trách nhiệm về mình.

Luật pháp mâu thuẫn, chồng chéo, chế tài chưa đủ mạnh nên nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm để tìm kiếm lợi nhuận trái luật. Trường hợp bị phát hiện sẵn sàng nộp phạt.

Ví dụ, mức phạt hành chính cao nhất của hành vi sản xuất vụ phân bón giả, kém chất lượng thì mức phạt hành chính cao nhất của ngành nông nghiệp trong lĩnh vực phân bón kém chất lượng chỉ 12 triệu đồng. Số tiền phạt quá nhỏ so với lợi nhuận mang và những thiệt hại mà người nông dân gánh chịu.

Vấn đề đặt ra hiện nay là phải hoàn thiện hành lang pháp lý, xử phạt nặng hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng. Về phía doanh nghiệp, cũng phải nỗ lực chống hàng giả, song song đó người tiêu dùng cần chủ động tố cáo.

“Chống hàng giá không có vùng cấm, doanh nghiệp cần phối hợp với cơ quan chức năng để ngăn chặn vấn nạn này. Sắp tới đây, địa phương nào không đấu tranh chống hàng giả tốt sẽ phải chịu trách nhiệm”- ông Trương Văn Ba nhấn mạnh.

Thanh Giang