Gỡ khó để hạn chế nợ đọng bảo hiểm xã hội
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường, việc Công đoàn không khởi kiện được các đơn vị nợ BHXH đã khiến số nợ ngày càng gia tăng.
Từ năm 2016 đến nay, tổng số nợ thu hồi chỉ được 600 tỉ đồng. Sau gần 2 năm thực hiện quy định khởi kiện đơn vị nợ BHXH theo quy định của Luật BHXH 2014, các cấp Công đoàn đã tiếp nhận 2.705 bộ hồ sơ do cơ quan BHXH chuyển sang.
20 LĐLĐ tỉnh, thành phố đã gửi đơn khởi kiện đến các cấp Tòa án với 187 vụ DN nợ BHXH; số còn lại không gửi nữa do không được thụ lý giải quyết.
Tại phiên thảo luận mới đây ở Quốc hội về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, hiện nay, các DN trốn đóng, nợ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT ước khoảng gần 12.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, hiện nay có khoảng hơn 2.000 tỷ đồng nợ BHXH từ các DN đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, tồn tại cầm chừng hoặc chủ DN bỏ trốn, không thể thu hồi, nghĩa là quyền lợi của hơn 193.000 NLĐ ở các DN này cũng bị “treo”, chưa có hướng giải quyết.
Thừa nhận vấn đề này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định: “Quả thực vấn đề nợ BHXH là một nội dung rất bức xúc. Hiện đang có 102.900 đơn vị với khoảng 2,6 triệu lao động đang nợ BHXH, BHYT với số tiền tương đương 14.700 tỉ đồng.
Cơ quan BHXH đã khởi kiện ra Tòa án các cấp 8.800 vụ với số tiền nợ 6.000 tỉ đồng, Tòa án đã xử 3.986 vụ (16% tổng số nợ), còn lại Tòa trả hồ sơ. Nguyên nhân của việc trả hồ sơ, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, ở đây có bất cập cả về luật thực định cũng như luật thực thi.
Cũng theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, từ khi Luật BHXH ra đời, Quốc hội đã giao cho cơ quan BHXH quyền kiểm tra và xử phạt DN trốn, nợ BHXH.
Vì vậy, các vụ án trước đây khởi kiện ra Tòa theo trình tự dân sự, nay được chuyển sang trình tự hành chính và tố tụng hành chính, bởi vì quyết định của BHXH được xem như một quyết định hành chính DN buộc phải chấp hành.
Nếu như DN không chấp hành, thì phải có một cơ quan hành chính cấp trên là UBND địa phương xử, quyết định hành chính đó đúng hay sai thì lúc đấy Tòa mới bắt đầu vào cuộc.
“BHXH đề nghị chúng tôi phải xử theo trình tự dân sự thì không thể được, bởi vì nguyên tắc của dân sự là 2 bên bình đẳng với nhau, mỗi bên đều có quyền đưa ra chứng cứ tài liệu của mình để tự bảo vệ cũng như phản bác quyết định của đối phương. Trong trường hợp này, DN là người bị phạt bởi quyết định hành chính của BHXH cho nên không bình đẳng, không xử theo trình tự dân sự được và Tòa không thụ lý được loại án này” - ông Bình khẳng định.
Để bảo vệ tốt nhất quyền lợi người lao động, khắc phục những bất cập, hạn chế, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban Các vấn đề xã hội phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát các quy định pháp luật hiện hành về xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp, BH y tế (nhất là hành vi trốn đóng, nợ BHXH), nếu thấy có những quy định chưa cụ thể, còn có cách hiểu khác nhau, cần giải thích để thống nhất áp dụng, thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, giải thích pháp luật theo thẩm quyền.
Nếu các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo hoặc có khoảng trống, thì Quốc hội giao Chính phủ tổng hợp, trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung luật. “Đây là vấn đề lớn, đang gây bức xúc đối với người lao động và toàn xã hội. Quốc hội cần dành sự quan tâm đặc biệt, để sớm giải quyết kiến nghị này”- ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ngành BHXH, ngành LĐTB&XH và chính quyền các cấp cần thực hiện tốt thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về trốn, nợ BHXH; giải quyết kịp thời tranh chấp lao động tập thể theo thẩm quyền.
Đặc biệt, Bộ Công an ủy quyền nắm tình hình, phối hợp với các tổ chức Công đoàn điều tra những DN trốn đóng BHXH, BHYT; Tòa án các cấp sớm đưa ra xét xử những vụ việc này để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.