Làng nghề truyền thống 'không' du lịch

Dương Xuân 12/11/2017 06:30

Hình như đã quá quen đến nỗi người ta tưởng như bình thường đối với những làng nghề truyền thống được gắn với du lịch, nhưng không hẳn vậy. Đây được xem là sự lãng phí về văn hóa, trì trệ kéo dài và thỏa hiệp với một hình thức thiếu thực chất.



Làm miến ở làng Cự Đà.

Chặn đường du lịch
Có lẽ với không ít trường hợp, người đi đường biết một làng nào đó là làng nghề thủ công truyền thống có kết hợp hoạt động du lịch là nhờ ở… tấm biển lớn cắm ở ngoài mặt đường, ghi nội dung giới thiệu làng du lịch nghề truyền thống, hoặc là gốm, hoặc đan lát, hoặc kim khí, hoặc chạm khảm, thêu thùa… Sau đó, biết rõ thêm đây là làng nghề khi đi vào trong những đường làng nay đã nhiều phần phố hóa và thưa vắng cây xanh, thấy một số hộ gia đình đang sản xuất như đắp bình, vẽ lọ, đan mây, chạm khắc gỗ, cắt xẻ đá, phơi sản phẩm…, rồi thấy một số các cửa hàng cửa hiệu bày bán sản phẩm.

Còn lại, những gì khác nữa để người ta biết rõ hơn, hiểu hơn và được tiếp cận sâu hơn đối với quá khứ, hiện tại làng nghề đó, có lẽ phải qua việc quan sát, rồi đoán, tự dò hỏi, mày mò tìm hiểu. Bởi ngoài tấm biển ghi làng nghề du lịch ở tận ngoài mặt đường, ở các không gian làng nghề, thật khó lòng tìm thấy được hệ thống chỉ dẫn bằng sơ đồ hay một vị trí có tính chất văn phòng, trụ sở làm đầu mối cung cấp thông tin, giới thiệu, giải đáp thắc mắc của khách tham quan.

Vậy là, sự nhận biết và cơ hội thâm nhập, tìm hiểu đối với các làng nghề như một hoạt động du lịch, tiếc thay, lại quá đỗi sơ sài. Nhất là khi đã nhiều năm chủ trương phát triển du lịch làng nghề được nêu cao, nhiều năm các hội chợ hay festival du lịch làng nghề được tổ chức, nhiều năm các sản phẩm nghề thủ công truyền thống được tôn vinh, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ rộng rãi… Nhưng những nét khởi sắc và khá nhiều hình thức thể hiện ấy, phải chăng lại khó có sức tác động đối với các hoạt động du lịch ở chính nơi sản sinh ra những sản phẩm nghề độc đáo đó?

Còn phải băn khoăn thêm về thực trạng giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo tồn các thiết chế văn hóa ở không ít nơi được gọi là làng nghề truyền thống - du lịch. Như làng mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ, Hà Nội) nhìn chung đã bê tông hóa; làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) rất bụi, khu vực cuối làng tiếp ra bờ sông Hồng trở thành chỗ đổ rác; làng tương, miến Cự Đà (Thanh Oai, Hà Nội) trong tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề do dòng sông Nhuệ đen bẩn, tù đọng… Những tồn tại đó, rõ ràng là đi ngược lại với mục tiêu phát triển du lịch.


Làm gốm ở Bát Tràng.

Hãy “dọn chỗ”
Để làng nghề trở thành điểm đến trong hoạt động du lịch với các hoạt động mang đặc thù du lịch như tham quan hoạt động sản xuất, tìm hiểu truyền thống nghề địa phương, rộng hơn là truyền thống văn hóa, trải nghiệm thao tác sản xuất, nghỉ ngơi, thưởng thức đặc sản ẩm thực địa phương trong không gian làng nghề…, rõ ràng không phải cứ để tự nhiên mà thành. Không phải các hộ gia đình cứ tổ chức sản xuất, trưng bày sản phẩm là thành nơi tham quan, hoặc các hộ mở ra hàng ăn, giải khát, trông xe… để phục vụ các đoàn khách, nhóm khách về là thành dịch vụ đi kèm.

Rất nên nghiên cứu tổ chức quy hoạch các không gian làng nghề, sắp xếp các hạng mục, thiết kế và bố trí các chương trình phục vụ hoạt động du lịch… Trong đó có không gian tương xứng cho hệ thống di tích, thiết chế văn hóa, không gian bảo tồn – bảo tàng hoặc trưng bày nhằm giới thiệu về truyền thống nghề, không gian tổ chức trình diễn thực hành các hoạt động nghề nghiệp, không gian tổ chức các hoạt động hội nghề nghiệp tại chỗ, kể cả các hoạt động nghệ thuật mới mẻ, và cả những khu vực xử lý rác thải...

Cần có sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan chức năng, đơn vị chuyên ngành với người dân trong làng tham gia phát triển du lịch nhằm nâng cao chất lượng thông tin, quảng bá, tuyên truyền cho du khách khi đến với làng nghề. Và đương nhiên, chú trọng giới thiệu nghề truyền thống, bán sản phẩm, các làng nghề cũng không thể bỏ qua việc đáp ứng thật tốt những nhu cầu thiết yếu khác của du khách khi đến với một làng nghề. Sao cho du khách đã đến thì có thể có điều kiện nán lại lâu hơn để thâm nhập, trải nghiệm, chứ không chỉ xem, ngắm nghía một lúc rồi ra đi trong chốc lát.

Những vấn đề trên, nên chăng, Sở VHTTDL các địa phương cùng các hiệp hội làng nghề, hội nghề nghiệp của làng nghề sở tại và chính quyền các cơ sở sẽ chú trọng hơn. Với mục đích tạo dựng và duy trì những làng du lịch nghề truyền thống có nghề để tìm hiểu, có sản phẩm đa dạng để mua sắm, có không khí trong lành, không gian xanh và tiện nghi để nghỉ ngơi, thư giãn, có cảnh quan đẹp để thưởng lãm và có thể có các hoạt động văn hóa văn nghệ để thưởng thức, tham gia… Đặc biệt là qua những yếu tố trên, địa phương và người dân cũng như những người tổ chức hoạt động du lịch thể hiện được sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại. Để khi bước chân vào làng nghề là bước vào một hành trình của văn hóa, lịch sử, quá khứ con người và những đặc trưng riêng của đất, của người mỗi làng nghề đó.

Chứ như hiện tại ở nhiều địa bàn cơ sở được mang danh làng du lịch - nghề truyền thống hay làng nghề truyền thống - du lịch, hoặc du lịch làng nghề truyền thống…, thì có lẽ chỉ có chủ trương, định hướng chung, và nơi đó thuần túy là nơi sản xuất, buôn bán chứ rất mờ nhạt, hoặc không có yếu tố du lịch.

Dương Xuân