Giám sát việc khắc phục, tái thiết sau bão

Tuệ Phương (thực hiện) 13/11/2017 15:25

Bão số 12 khiến các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên bị thiệt hại nặng nề. Nhiều tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân đã có nghĩa cử cao đẹp hướng về bà con vùng bão lũ. Tuy nhiên, việc tiếp nhận hàng viện trợ còn nhiều bất cập khiến cho nhiều khoản viện trợ đến với người dân chưa kịp thời do vướng ở khâu thủ tục. Ông Nguyễn Túc- Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chia sẻ với Đại Đoàn Kết về vấn đề này.


Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm HĐTV về Văn hóa – Xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam.

PV: Thưa ông, tại hội nghị bàn giải pháp khắc phục hậu quả và tái thiết sau bão lũ cho các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên sau trận bão số 12, nhiều ý kiến cho rằng thủ tục tiếp nhận hàng viện trợ hiện nay rất bất cập, khiến khoản viện trợ đến với người dân rất muộn. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Túc: Việc cứu trợ cho đồng bào miền Trung vừa bị lũ lụt là việc làm khẩn cấp nhưng thường viện trợ đến tay người dân chậm. Tại sao viện trợ đến chậm? Qua kinh nghiệm nhiều năm đi làm chúng tôi thấy rằng thủ tục của chúng ta còn nhiều cái phải sửa.

Ban Cứu trợ Trung ương cần phải có quyết sách mạnh mẽ hơn nữa, có thể trong khi chờ đợi phân phối thì nên xem xét những hàng hóa nào là thiết yếu để ước lượng và chuyển trước một phần cho bà con vùng lũ.

Bên cạnh đó, các cơ quan Trung ương, trong đó Mặt trận Trung ương là trung tâm cần nhanh chóng bàn bạc với Hội chữ Thập đỏ, Bộ Tài Chính, Văn phòng Chính phủ để bớt đi những thủ tục rườm rà.

Qua những kỳ hỗ trợ cho đồng bào lũ lụt, các cơ quan đều sốt sắng tổ chức quyên góp để ủng hộ ngay. Tuy nhiên, khi bàn đến việc phân phối, để tránh trách nhiệm cá nhân thì thường phải Họp Ban Chỉ đạo. Việc này được bàn đi, bàn lại nhiều lần mới quyết định phân phối như thế nào. Việc làm này phần nào dẫn tới sự chậm trễ khi cứu trợ.

Do đó, điều đầu tiên chúng ta phải cải tiến phương thức làm việc của Ủy ban Phòng chống bão lụt Trung ương và cơ quan cứu trợ để hàng cứu trợ đến với người dân nhanh nhất.

Qua việc tham ô hàng cứu trợ, mặc dù không nhiều vì từ năm 1976 đến nay chúng ta có 3 vụ án có liên quan đến bớt xén hàng cứu trợ cho nên chúng ta đưa ra nhiều bước và những bước đó làm chậm đưa hàng đến cho dân. Vì thế, song song với các hoạt động của Ban Cứu trợ Trung ương thì cần phải cho các đoàn trực tiếp mang hàng đến vùng bão lũ để phân phối cho dân.

Hiện nay ở tỉnh nào cũng có quỹ dự phòng, trước mắt các tỉnh đó xuất quỹ dự phòng ra để dùng trước sau đó Trung ương sẽ bù lại tiền đó. Nếu làm được như vậy thì hàng cứu trợ mới đến tay người dân một cách nhanh chóng và kịp thời.

Dư luận cũng nói nhiều đến những khoản viện trợ thiên tai từ nước ngoài nhưng cũng phải mất cả năm trời mới hoàn thành các thủ tục. Ông có suy nghĩ gì trước sự việc này?

- Theo tôi, việc này là có thật vì thủ tục của chúng ta hết sức nhiêu khê. Chính vì thế, nhiều tổ chức quốc tế cũng như các tổ chức phi Chính phủ tổ chức cứu trợ do dân nhưng bị tắc ở khâu thủ tục.

Để giải quyết triệt để việc này, chúng ta phải xem xét lại tất cả các khâu. Gần đây, có một tín hiệu vui là Thủ tướng Chính phủ cũng như Chính phủ đã nhiều lần kêu gọi đổi mới phương thức, bớt giấy phép con, bớt những quyết định không cần thiết đi để hàng cứu trợ đến với người dân một cách nhanh nhất.

Thưa ông, việc cứu trợ đúng người, đúng đối tượng luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Tuy nhiên, khi trở về địa phương việc cứu trợ có lúc, có nơi chưa được thực hiện nghiêm túc?

- Từ khi có Nghị quyết 127, 218 của Bộ Chính trị về giám sát của Mặt trận, từ đấy đến nay đã khá hơn. Ngay từ những ngày đầu khi xảy ra thiên tai, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam thay phiên nhau về những nơi bão lũ để giám sát nhưng không thể giám sát hết được. Vấn đề chính là từ địa bàn dân cư mà ở địa bàn dân cư thì cấp ủy chịu trách nhiệm lãnh đạo và UBND ở nơi đó là người trực tiếp tổ chức phân phối.

Tôi mong rằng, qua những cái không tốt thời gian qua, Trung ương, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ cần có thông báo, quyết định để làm sao cấp cơ sở, cấp huyện cần giải quyết tốt những vấn đề mà “con sâu” đang tranh thủ “đục nước béo cò” trong lúc người dân đang cực kỳ khó khăn.

Qua câu chuyện trao hàng cứu trợ không đúng đối tượng xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua cho thấy việc giám sát ở cơ sở, đặc biệt là Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở từng thôn, làng, ấp, bản phải hoạt động mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa. Có như vậy, chúng ta mới hạn chế được những câu chuyện lợi dụng lòng tốt của người khác để vơ về cho cá nhân mình, gia đình mình, mặc dù những trường hợp đó không nhiều.

Vậy theo ông, Mặt trận cấp cơ sở cần đẩy mạnh công cụ giám sát của mình như thế nào để hạn chế tình trạng ăn chặn, lợi dụng cứu trợ để trục lợi cá nhân, thưa ông?.

- Theo tôi, giám sát tốt nhất hiện nay là giám sát cộng đồng mà xã nào, thôn nào và địa phương nào cũng có. Vì vậy phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa giám sát cộng đồng ở địa bàn khu đó, địa phương đó. Có như thế chúng ta mới hạn chế được tình trạng “ăn chặn của dân”.

Trân trọng cám ơn ông!

Tuệ Phương (thực hiện)