Phim Việt quay ở nước ngoài: Đâu phải chơi trội

Theo Dantri 13/11/2017 15:50

Ngày càng có nhiều ekip, từ phim truyền hình cho đến điện ảnh chọn quay phim tại nước ngoài. Không phải là cách để thu hút sự chú ý, các nhà sản xuất hy vọng mang đến sự chỉn chu cho mỗi tác phẩm, đồng thời tạo nên sự tươi mới cho khán giả.

Hơn 60% bối cảnh trong bộ phim Giấc mơ Mỹ được quay tại các địa danh nổi tiếng tại 15 thành phố lớn ở California, Mỹ.

Xu hướng tất yếu

Hơn 60% bối cảnh được quay tại các địa danh nổi tiếng tại 15 thành phố lớn ở California, Mỹ là con số khiến nhiều khán giả giật mình khi thông tin nói trên được ekip thực hiện bộ phim Giấc mơ Mỹ thông báo.

Đây có thể xem là dự án điện ảnh có nhiều cảnh quay nhất được thực hiện tại nước ngoài cho đến thời điểm này.

“Chúng tôi muốn làm một bộ phim về cuộc sống và công việc của người Việt tại Mỹ nên không thể ăn gian bằng cách tự dàn dựng bối cảnh dù trên thực tế có nhiều giải pháp cho câu hỏi đó.

Tuy nhiên, khi đã quyết định, chúng tôi muốn làm đến cùng chứ không thực hiện theo kiểu nửa vời. Thậm chí, kịch bản cũng phải chỉnh sửa theo để phù hợp với các cảnh quay tại Mỹ”, nhà sản xuất Mai Thu Huyền chia sẻ.

Chuyện các êkip làm phim của Việt Nam sang nước ngoài quay phim vốn không còn là xa lạ. Ở lĩnh vực phim truyền hình, có thể kể đến: Tuổi thanh xuân 1 và 2 quay tại Hàn Quốc; Khúc hát mặt trời, Người cộng sự quay tại Nhật; Khung cửa sổ mùa thu quay tại Nga; Bí mật tam giác vàng quay tại Lào - Thái Lan; series phim Trở về được quay tại Lào, Thái Lan, Campuchia; Hai phía chân trời quay tại các nước Đông Âu; hai bộ phim lịch sử Thái sư Trần Thủ Độ và Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long, Tình ca phố quay tại Trung Quốc. Một số dự án phim khác như: Bước chân hoàn vũ, Đô la trắng được quay tại Thái Lan, Đua nhau làm giàu quay tại Mỹ, Duyên trầu cau quay tại Đài Loan...


Mai Thu Huyền và dàn diễn viên trong quá trình quay phim tại Mỹ.

Trong khi đó, ở lĩnh vực điện ảnh, có thể kể đến các đại diện như: Quyên (Nguyễn Phan Quang Bình) ghi hình tại Đức với bối cảnh ở Berlin và đỉnh núi Zugpitze ở độ cao 2.700m; Âm mưu giày gót nhọn (Hàm Trần) quay tại Mỹ, Duyên trần thoát tục (Lê Cung Bắc) quay tại Ấn Độ; Thầu Chín ở Xiêm (Bùi Tuấn Dũng) quay tại Thái Lan, Hai Lúa (Lê Quang Hưng) quay tại Campuchia...

Trong bức tranh phim Việt 2017, Dạ cổ hoài lang cũng có rất nhiều cảnh quay được thực hiện tại Mỹ và Canada. Mùa phim Tết tới đây, theo tiết lộ của nhà sản xuất bộ phim Đích tôn độc đắc, cũng có không ít các cảnh quay được thực hiện tại Mỹ.

Đi nước ngoài: Khó trăm bề

Hầu hết các nhà sản xuất, ekip có phim quay tại nước ngoài đều thừa nhận mong muốn của họ là có những khung hình đẹp, mới lạ dành cho khán giả thay vì những cảnh quay đã quá quen thuộc tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ ý tưởng trên kịch bản cho đến khi ra những khung hình cuối cùng là cả một quá trình dài.

Với Giấc mơ Mỹ, được biết trước đó giám đốc sản xuất kiêm diễn viên chính Mai Thu Huyền đã mất một khoảng thời gian khá dài để tìm hiểu và khảo sát vị trí địa lý, khí hậu cũng như các quy định để có được những ngày quay suôn sẻ tại Mỹ.


Ekip Giấc mơ Mỹ ban đầu dự tính có khoảng 20 người sang Mỹ quay phim nhưng cuối cùng chỉ có 50% đậu visa.

Ekip thực hiện bộ phim Quyên gồm tổ đạo diễn và thiết kế cũng phải cùng nhau đi khảo sát địa điểm, sau đó tới khâu xin giấy phép và đảm bảo an toàn lao động với nước sở tại khi thực hiện các cảnh quay đó.

Tương tự, đoàn phim Dạ cổ hoài lang đã có nhiều chuyến đi khắp Canada, từ bờ đông sang bờ Tây nước Mỹ để tìm kiếm bối cảnh, chờ đợi tuyết rơi cho các cảnh quay.

Khó khăn không dừng lại ở đó bởi quá trình quay phim cũng phát sinh rất nhiều vấn đề mà nếu không kiểm soát tốt sẽ gây ra nhiều hệ lụy, không chỉ về chi phí sản xuất tăng cao.

Đạo diễn Dũng "khùng" từng chia sẻ, Dạ cổ hoài lang được quay từ năm 2015 với bối cảnh ở Mỹ và Canada nhưng tiến độ liên tục bị trễ vì mất quá nhiều thời gian để chờ đợi và quay bằng được cảnh tuyết rơi tại Canada. Kế hoạch chậm hơn so với dự tính rất nhiều.

Đoàn làm phim Quyên đã có những ngày quay nhớ đời, đặc biệt bối cảnh khu chợ cháy. Sau khi xin được giấy phép, ekip đã phải tìm một nơi cách xa khu dân cư, cho dựng lại một cái chợ y chang những bối cảnh đoàn đã đi khảo sát ở nhiều nước Đông Âu.

Trong quá trình quay, mọi thứ phải tính toán kĩ lưỡng bởi cảnh lửa cháy rất khó duy trì lâu, lại nguy hiểm nên vừa quay, vừa được cảnh sát khu vực, xe cứu hỏa túc trực 24/24 để giải quyết bất kỳ chuyện gì xảy ra.

Trong khi đó, nhà sản xuất Mai Thu Huyền lại nêu ra một “tai nạn nhớ đời” khi quay phim tại Mỹ. “Tôi còn nhớ, trong ngày áp chót, đoàn phim gặp sự cố mất một máy flycam và toàn bộ dữ liệu ngày quay đó khi bị phá cửa kính ô tô. Ngay lập tức, chúng tôi lại phải lùi lại vé bay về Việt Nam, mua máy móc mới và thực hiện lại những phân cảnh đã mất. Tôi cũng thấy mình may mắn vì có rất nhiều người hỗ trợ, quan tâm, giúp đỡ trong những hoàn cảnh khó khăn”.


Một cảnh quay của Mai Thu Huyền và Kyo York trong phim.

Ekip Giấc mơ Mỹ ban đầu dự tính có khoảng 20 người sang Mỹ quay phim nhưng cuối cùng chỉ có 50% đậu visa. Số còn lại khiến đoàn phim buộc phải thuê người bản địa. Máy móc và thiết bị cũng chỉ mang đi được 1 phần, còn lại là thuê và mua nước sở tại.

Theo bà Vũ Thị Bích Liên - Giám đốc tổ hợp giải trí và truyền thông Mega GS - đơn vị sản xuất Đích tôn độc đắc: “Dù chỉ có khoảng 3 ngày quay tại Mỹ nhưng chúng tôi phải đưa cả ekip gồm đạo diễn, phó đạo diễn, tổ chức sản xuất sang để thực hiện các cảnh quay. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải thuê thêm người bản địa cũng như các thiết bị”.

Nỗ lực để có thể thực hiện các bối cảnh quay tại nước ngoài là điều rất đáng khích lệ đối với các ekip sản xuất, dù đôi khi nó chưa thực sự hoàn hảo như mong đợi. Việc phim Việt được quay tại nước ngoài cũng là cơ hội để đưa phim ra nước ngoài có nhiều thuận lợi hơn.

Trên thực tế, nhiều phim đã được trình chiếu và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Con đường tuy khó nhưng nếu không đi, sẽ không có những tác phẩm tươi mới.

Theo Dantri