'Vườn ươm' hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết: Bước đầu Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP) đã chứng tỏ tầm quan trọng của mình trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần vào sự phát triển kinh tế của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Lễ kỷ niệm 2 năm Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.
Ngày 14/11, tại Cần Thơ, Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP) tổ chức lễ kỷ niệm 2 năm ngày thành lập.
Ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc KVIP cho biết: Đến nay KVIP đã được đầu tư các thiết bị phục vụ nghiên cứu ươm tạo, với tổng kinh phí hơn 2 triệu USD. Trong đó thiết bị lĩnh vực cơ khí gần 800 ngàn USD, với hệ thống máy tiện tự động cấp phôi, máy mài bóng, lò tôi, máy mô phỏng nhiệt độ hoạt động, máy đo tọa độ 3D...
Lĩnh vực chế biến nông sản gần 312 ngàn USD, đầu tư cho hệ thống thiết bị phòng thí nghiệm hóa lý và vi sinh, bộ thiết bị nghiên cứu sản xuất thử nghiệm GABA...
Lĩnh vực chế biến thủy sản hơn 948 ngàn USD, gồm hệ thống dây chuyền chế biến xúc xích, các bể nhà xưởng, bể thí nghiệm, container vận chuyển thủy sản sống...
Chủ tịch UBND thành phố Võ Thành Thống cho biết: Để có được sự ra đời của KVIP là sự cố gắng to lớn về ngoại giao, thương mại…của cả hai chính phủ Việt Nam - Hàn Quốc. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Hàn Quốc nói riêng, đối tác nước ngoài nói chung, đánh giá vùng ĐBSCL là thị trường tiềm năng cho đầu tư mở rộng thị trường kinh doanh.
Chính vì thế, với cương vị là thành phố đầu tàu của vùng, nơi “đóng quân” của KVIP, Cần Thơ phải có những chiến lược thúc đẩy doanh nghiệp ươm tạo, đổi mới sáng tạo một cách tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của các bên.
Ông Võ Thành Thống cho biết thêm, sự hỗ trợ của KVIP về cơ sở vật chất, văn phòng, máy móc thực nghiệm, chuyên gia tư vấn… đối với các doanh nghiệp ươm tạo đổi mới sáng tạo là vô cùng ý nghĩa. Với bệ phóng ấy, các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn nghiên cứu, cho ra sản phẩm mới, mang tính đặc thù của địa phương, có khả năng cạnh tranh cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn của sản phẩm.
Vừa qua, các doanh nghiệp tham gia ươm tạo tại KVIP đã thu được kết quả bước đầu là các sản phẩm lần đầu tiên có mặt trên thị trường, với nguyên liệu là những nông/thủy sản thế mạnh đặc trưng của vùng: Chả cá thát lát nhân trứng muối, sữa gạo, bột yến sâm thảo dược, xúc xích cá… Các sản phẩm này khi được đưa rộng rãi vào thị trường, sẽ hỗ trợ tiêu thụ một số lượng lớn nông/thủy sản cho người nuôi trồng trong vùng, với mức giá cao hơn nhiều lần so với hiện nay.
Những kết quả này cũng góp phần thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào vùng ĐBSCL, tạo ra bức tranh phát triển kinh tế sôi động cho vùng, từ đó kéo theo các ngành phụ trợ, dịch vụ… phát triển.