Nhiều khoản nợ vô chủ sẽ được xóa

T.Hằng 15/11/2017 09:15

Trong số hàng nghìn tỷ đồng nợ thuế của doanh nghiệp, có những khoản nợ thuế không tài nào được trả. Vậy có nên xóa những khoản nợ này để đưa nợ thuế về thực chất hơn?


Cần xem xét kĩ lưỡng khi xóa nợ thuế.

Cần thống nhất chính sách

Nhiều doanh nghiệp (DN) đã dừng hoạt động nhưng nợ thuế vẫn cứ treo, và theo quy định hiện hành, các khoản nợ thế này vẫn phát sinh lãi phạt chậm nộp hằng ngày. Do đó nợ thuế tại nhiều địa phương cứ phình to ra. Đã không dưới 3 lần, Bộ Tài chính đưa ra đề xuất xóa nợ thuế cho một số DN, cá nhân. Đây cũng là một cách thức hỗ trợ DN, tuy nhiên những khoản nợ tại DN nào được xóa vẫn luôn là vấn đề đau đầu, cần được xem xét rất kỹ vì sợ nhất là chính sách bị lạm dụng.

Trong dự thảo tờ trình Chính phủ về việc xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi đang được lấy ý kiến, cơ quan này đề nghị xóa nợ cho cá nhân đã chết, mất tích, không cần kèm điều kiện về không còn tài sản. Điều này để thể hiện tính nhân đạo của pháp luật. Còn với DN, Bộ Tài chính cho rằng nên xóa nợ đối với khoản nợ không còn đối tượng để thu.

Theo quan điểm của Bộ Tài chính, khoản nợ này, dù không có khả năng thu hồi nhưng cơ quan thuế vẫn phải phân bổ nguồn lực thực hiện và tổng số nợ thuế luôn cao. Do đó, Tổng Cục thuế đề nghị số nợ thuế đã quá 5 năm, không có khả năng thu hồi thì cần được xóa nợ để giảm số nợ ảo mà thực tế không thể thu hồi được.

Tại Dự thảo tờ trình, Bộ Tài chính cũng đề xuất xóa nợ đối với các khoản nợ quá 10 năm. Song theo quy định hiện hành, các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm, nhưng không có khả năng thu hồi cũng sẽ được xóa nợ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đến thời điểm hiện tại chưa có trường hợp nào đủ điều kiện được xóa nợ thuế. Có những khoản nợ thuế trên 10 năm nhưng không thể xóa được do không đáp ứng được điều kiện đã “áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế”.

Cẩn trọng khi xóa nợ

Chính vì vậy, phía Bộ đề xuất sẽ được xóa nợ thuế khi đã áp dụng biện pháp cưỡng chế cuối cùng và khoản nợ đã quá 5 năm, thay vì 10 năm như hiện hành. Để ràng buộc thì trong hai năm tiếp theo kể từ ngày thực hiện xóa nợ, người sáng lập DN, người đại diện theo pháp luật không được thành lập DN mới, trừ trường hợp người nộp thuế thực hiện nộp đủ số tiền thuế theo quyết định xóa nợ

Theo báo cáo mới nhất của cơ quan thuế, tổng số nợ thuế đến thời điểm 30/9 là 73.930 tỷ đồng. Số tiền thuế nợ không có khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh là hơn 28 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng tới 38,2% tổng số tiền thuế nợ. Đáng chú ý, có đến 62,6% số nợ thuế hiện nay là số nợ không có khả năng thu hồi và tiền phạt, tiền chậm nộp.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, nếu như nợ thuế không thu hồi được thì xóa để cho cơ quan quản lý dễ quyết toán. Song cũng có quan điểm đưa ra rằng, cần cẩn trọng với việc xóa nợ thuế cho DN, vì có những trường hợp DN thành lập ra nhập khẩu ồ ạt hàng hóa với giá khai rẻ mạt và giải thể, phá sản trước khi cơ quan thuế đến kiểm tra và đây được xem là những hành vi trốn thuế.

Trong thời gian qua, số lượng DN được xóa nợ thuế theo quy định cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều quan điểm cho rằng, khi xóa nợ thuế cho DN cần soi chiếu các điều kiện kỹ càng.

T.Hằng