Hệ lụy từ khai thác nước ngầm

Quốc Định - Đại Dương 15/11/2017 08:15

Trong năm 2017, TP Hồ Chí Minh nỗ lực để cung cấp nước sạch cho toàn bộ người dân thành phố (TP). Song với thói quen dùng nước giếng lâu ngày, cộng với việc khai thác nước ngầm vô tội vạ của người dân đã khiến ngành chức năng gặp rất nhiều thách thức.


Khai thác giếng ngầm tại TP Hồ Chí Minh.

Tính đến cuối tháng 10/2017, toàn TP còn gần 150.000 hộ (chiếm tỷ lệ 6%) chưa tiếp cận được nguồn nước sạch, người dân phải sử dụng nguồn nước tự khai thác để sử dụng, nguồn này là nước giếng khoan, giếng đào và nước mưa.

Điều đáng nói là ở một số quận, huyện ngoại thành, tuy nhiều nơi đã có hệ thống cung cấp nước sạch, đường ống truyền dẫn đến tận nhà nhưng người dân vẫn sử dụng nước giếng khoan để sử dụng trong ăn uống, sinh hoạt, chăn nuôi, trồng trọt hàng ngày. Tại một số quận như: quận 9, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú… có một số đơn vị, cá nhân cũng khai thác nguồn nước ngầm tràn lan để kinh doanh dịch vụ rửa xe.

Theo kết quả giám sát chất lượng nước ngầm (nguồn nước giếng tự khai thác) tại các hộ dân của Trung tâm Y tế dự phòng TP, hầu hết các nguồn nước giếng đều không đạt theo tiêu chuẩn về nước dùng cho sinh hoạt. Phòng Quản lý Tài nguyên nước và khoáng sản cho biết, chất lượng nguồn nước ngầm hiện nay đang có nhiều vấn đề, khi nguồn nước mặt bị ô nhiễm nghiêm trọng thấm rỉ vào lòng đất. Việc khai thác không hợp lý có thể dẫn đến những suy giảm nguồn dự trữ nước ngầm chiến lược. Chất lượng nguồn nước ngầm thay đổi theo hướng xấu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.

Một nguy cơ lớn nhất được Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ ra, đó là trên địa bàn TP hiện có khoảng 100.000 giếng khoan khai thác nước ngầm có đường kính và độ sâu khác nhau, phân bố không đều trên các khu vực. Tầng chứa nước tốt (pleistocen) tập trung gần 79.000 giếng khoan, trong khi tầng chứa nước trung bình (pliocen) có hơn 17.000 giếng. Tổng lượng nước ngầm đang được khai thác trên 680.000m3/ngày/đêm. Với mức độ khai thác nhiều nhưng thiếu quy hoạch như hiện nay, tương lai không xa, TP sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng.

Do khai thác theo kiểu “tận thu”, dự báo đến năm 2020 nhiều khu vực tại TP sẽ tiếp tục lún thêm 12 - 20cm. Lúc đó, hệ thống thoát nước của TP bị tê liệt, đê bao chống ngập (do triều cường) không phát huy tác dụng. Theo cảnh báo của Trung tâm Y tế dự phòng TP, hàm lượng amoni trong nước giếng cao có khả năng do nước bị ô nhiễm chất hữu cơ có nguồn gốc nitơ như nước thải, phân bón, chất thải từ chuồng trại chăn nuôi… Amoni trong nước giếng khi gặp oxy trong không khí chuyển hóa thành nitrat và nitrit. Hai chất này khi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tạo nên tình trạng thiếu oxy trong máu; amoni kết hợp với các axit amin trong cơ thể hình thành chất nitrosamine có nguy cơ gây ung thư...

Để bảo vệ nguồn nước ngầm tại TP, đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong triển khai thực hiện các giải pháp. Theo đó, cần phải có chế tài mạnh mẽ trong xử phạt đối với khai thác nguồn nước ngầm trái phép hoặc áp mức thuế cao đối với việc khai thác nước ngầm cho mục đích công nghiệp, sản xuất, kinh doanh tại các khu vực đã có nguồn nước cấp đầy đủ.

Quốc Định - Đại Dương