Đừng sợ ý tưởng khởi nghiệp lạc lõng
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn nhủ cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, các bạn trẻ hãy dũng cảm, đặc biệt sáng tạo trong khởi nghiệp và đừng lo lắng ý tưởng của mình lạc lõng hay sẽ thất bại.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nghe giới thiệu sản phẩm mô hình bay siêu nhẹ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại triển lãm Techfest 2017 (Ảnh: VGP/Đình Nam).
Sáng 14/11, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2017 (Techfest 2017), với thông điệp “Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Đây là ngày hội khởi nghiệp lớn nhất từ trước đến nay với số lượng người và doanh nghiệp (DN) tham gia.
Trong đó, có khoảng 200 DN khởi nghiệp và hàng trăm nhà đầu tư, quỹ đầu tư quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Ngày hội chia thành 6 lĩnh vực gồm: làng các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, làng công nghệ nông nghiệp, làng công nghệ giáo dục, làng công nghệ y tế, làng công nghệ du lịch và ẩm thực, làng công nghệ tiềm năng và công nghệ tiên phong.
Ông Chu Ngọc Anh- Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết, thời gian tới, hành lang pháp lý để hỗ trợ khởi nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện thông qua các chính sách ưu đãi thuế cho DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nới lỏng thủ tục hành chính, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư. Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tuy đã hình thành nhưng cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn và tập trung vào hỗ trợ cho sinh viên để hình thành, nuôi dưỡng và hoàn thiện các ý tưởng sáng tạo.
Cụm từ “Start up - Khởi nghiệp” luôn được nhắc đến nhiều trong xã hội. Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn khẳng định, khuyến khích giới trẻ bắt đầu cuộc đời mình bằng những ý tưởng khởi nghiệp mới mẻ. Đồng thời cũng đặt giáo dục - đào tạo trước đòi hỏi đổi mới để tạo nền tảng cho sinh viên sẵn sàng khởi nghiệp. Còn giới chuyên gia kỳ vọng, DN khởi nghiệp sẽ là động lực để phát triển kinh tế.
Để triển khai Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, trong năm qua, Bộ KH&CN đã phối hợp và triển khai nhiều hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, như: tạo hành lang pháp lý với Luật Chuyển giao công nghệ 2017, Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, năm nay, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 12 bậc, đứng thứ 47/127 quốc gia và nền kinh tế. Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được từ trước đến nay. Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia có xuất phát điểm thấp, nguồn lực đầu tư giáo dục khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ... còn hạn chế. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Việt Nam muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì buộc phải đổi mới sáng tạo.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục triển khai sâu rộng, làm sao ngày hội khởi nghiệp không chỉ là phong trào vụt lên mà phải thực hiện lâu dài. Để phong trào khởi nghiệp thành công thì tất cả ngành, các địa phương phải vào cuộc.
Liên quan đến vấn đề khởi nghiệp, ông Trương Lý Hoàng Phi- Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp TP HCM nhận định, khởi nghiệp chưa bao giờ là cụm từ bị giảm nhiệt thời gian gần đây, nhất là khi định hình về một Việt Nam - quốc gia khởi nghiệp. “Điều đáng chú ý là, chúng ta vẫn thường chia sẻ với nhau, rằng khởi nghiệp không chỉ là câu chuyện của bây giờ, nền kinh tế Việt Nam nói chung đã nhiều lần “khởi nghiệp” và “làn sóng” ấy đã tạo dựng lên một thế hệ DN vàng, dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam. Đó là thời kỳ của một vài thập niên trước đây”- ông Phi chia sẻ.
Theo định hướng hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn TP HCM, đại diện Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp TP.HCM cho biết, sẽ tập trung vào 6 mảng, gồm: hoạt động hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp; đào tạo khởi nghiệp; ươm tạo DN trong giai đoạn khởi nghiệp; thực hiện hoạt động truyền thông, sự kiện khởi nghiệp và các chương trình thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp; hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm và kết nối đầu ra cho các sản phẩm/dịch vụ của các mô hình khởi nghiệp và liên kết, hợp tác quốc tế trong cộng đồng khởi nghiệp.
Còn tại Cần Thơ, ngày 14/11, Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (KVIP) tổ chức lễ kỷ niệm 2 năm ngày thành lập. Ông Phạm Minh Quốc- Giám đốc KVIP cho biết: Đến nay KVIP đã được đầu tư các thiết bị phục vụ nghiên cứu ươm tạo, với tổng kinh phí hơn 2 triệu USD. Trong đó thiết bị lĩnh vực cơ khí gần 800 ngàn USD, với hệ thống máy tiện tự động cấp phôi, máy mài bóng, lò tôi, máy mô phỏng nhiệt độ hoạt động, máy đo tọa độ 3D...
Lĩnh vực chế biến nông sản gần 312 ngàn USD, đầu tư cho hệ thống thiết bị phòng thí nghiệm hóa lý và vi sinh, bộ thiết bị nghiên cứu sản xuất thử nghiệm GABA... Lĩnh vực chế biến thủy sản hơn 948 ngàn USD, gồm hệ thống dây chuyền chế biến xúc xích, các bể nhà xưởng, bể thí nghiệm, container vận chuyển thủy sản sống...