Quyết liệt chống lạm thu
Mới đây, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội đã mở đầu đợt khảo sát việc thực hiện các quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập từ năm 2013 đến nay.
Ảnh minh họa. (nguồn: Hà Nội Mới).
Cùng với đó trong tháng 11 này, UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở GD&ĐT, UBND các quận, huyện tăng cường quản lý thu chi, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về thu chi, dạy thêm, học thêm.
Qua kiểm tra về công tác tuyển sinh và thu chi đầu năm học mới 2017-2018, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phát hiện gần 20 trường có những khoản thu không đúng theo quy định. Thống kê cho thấy, những vi phạm được phát hiện nhiều nhất là các khoản thu mang tên xã hội hóa. Cụ thể, Trường Mầm non Chu Phan (huyện Mê Linh) bị yêu cầu dừng triển khai khoản thu xã hội hóa trường và lớp. Trường Tiểu học Thanh Lâm (huyện Mê Linh) dừng triển khai thu tiền xã hội hóa sân trường. Trường Mầm non Đại Thịnh (huyện Mê Linh) dừng thu tiền xã hội hóa và mua đồ chơi.
Đối với các trang thiết bị như tivi, máy chiếu, điều hòa… nhiều trường cũng bị đoàn kiểm tra “tuýt còi”. Một số khoản thu khác trái quy định như quỹ khuyến học, hỗ trợ soạn giảng cũng được đoàn kiểm tra phát hiện tại Trường Tiểu học Hải Bối (huyện Đông Anh). Yêu cầu Trường THCS Phạm Hồng Thái (huyện Mê Linh) trả lại tiền mua ghế nhựa của học sinh lớp 6.
Theo ông Nguyễn Viết Cẩn- trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở GD&ĐT), việc xảy ra tình trạng thu chi không đúng quy định khiến dư luận bức xúc chủ yếu xảy ra ở khối các trường mầm non, tiểu học. Bên cạnh việc dừng triển khai thu tiền đồng thời tiến hành xử lý kiểm điểm hoặc khiển trách Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu, những người chịu trách nhiệm để xảy ra vi phạm.
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn cũng cho biết, 5 trường bị “tuýt còi” do các khoản tự nguyện không thực hiện theo đúng quy trình xây dựng 4 bước xét duyệt hoặc các khoản thu không hợp lý khi trình lên huyện thì không được phép thu. Ngoài các ngoài các biện pháp xử lý trên, các trường vi phạm bị cắt thi đua năm học này.
TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý Hà Nội cho rằng, việc kỷ luật hiệu trưởng và ban giám hiệu là đúng vì người chịu trách nhiệm đầu tiên về vấn đề này nhất định phải là hiệu trưởng, không thể đổ lỗi cho ban đại diện phụ huynh hoặc ai khác. Tuy nhiên, hình thức xử lý thế nào cũng tùy vào mức độ sai phạm và khắc phục sai phạm đến đâu.
Theo ông Lâm, các hình thức xử phạt này chỉ là biện pháp tình thế, xử lý kỷ luật khi “mọi sự đã rồi”. Tại sao năm học nào, ngành giáo dục Thủ đô nói riêng và ngành giáo dục nói chung cũng đề ra hàng loạt biện pháp chống lạm thu nhưng tình trạng này vẫn liên tục tiếp diễn năm này qua năm khác? Có một nguyên nhân quan trọng là hiện nay các nhà trường buộc phải thu một số khoản để bù đắp vào các khoản mà Nhà nước chưa đầu tư hết cho giáo dục. Tuy nhiên, do không hiểu luật hoặc do chưa thỏa thuận, bàn bạc tốt với phụ huynh nên thành ra lạm thu.
“Chủ trương xã hội hóa cần được cụ thể bằng các văn bản hướng dẫn để các trường thực hiện được cơ chế tự chủ về con người, tài chính. Tất nhiên, thu gì, chi gì, nhà trường phải đưa ra bàn bạc, thỏa thuận với phụ huynh, chứ hiệu trưởng không được lạm quyền”- ông Lâm đề xuất.