Người nghèo vẫn khó tiếp cận vốn vay
Vì nghèo nên thiếu tài sản có giá trị để thế chấp cầm cố vay vốn ngân hàng, người nghèo buộc phải tìm đến các kênh vay vốn phi chính thức, với lãi suất thực tế cao hơn nên khó có thể thoát nghèo, khó có cơ hội nâng cao thu nhập. Kết quả điều tra mới đây cho thấy, nhiều hộ nghèo vẫn khó tiếp cận với vốn vay và chính sách.
Khát vốn ưu đãi
Ông Nguyễn Xuân Thắng- trưởng ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân – Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết, hộ cận nghèo, hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất, hộ có hoàn cảnh khó khăn… đều đang khát vốn ưu đãi. Họ muốn thoát nghèo thì phải có thu nhập, mà muốn có thu nhập thì phải thực hiện sản xuất kinh doanh, có việc làm. Sản xuất kinh doanh trong đó việc trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ đều phải mua giống, phân bón, thức ăn hay vật tư khác. Hộ nghèo, hộ chính sách phần nhiều rất thiếu tiền từ chi tiêu thiết yếu đến sinh hoạt thường nhật, do đó vốn để mua giống, vật tư cho trồng trọt chăn nuôi… lại càng thiếu. Họ rất khó khăn trong việc vay vốn ở cộng đồng.
Dường như người nghèo ở nông thôn chưa thoát được vòng luẩn quẩn. Bởi muốn xóa đói giảm nghèo thì con đường duy nhất là phải phát triển sản xuất ở nông thôn, trong đó việc tiếp cận tín dụng là công cụ hữu hiệu, song càng nghèo càng khó tiếp cận vốn.
Theo số liệu điều tra từ 12 tỉnh (Lào Cai, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hoà, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Long An) do một nhóm khoa học đến từ trường Đại học Liên hợp quốc vừa được công bố vào trung tuần vừa qua cho thấy người nghèo ở nông thôn khó tiếp cận vốn. Trong đó nguồn tài chính để khởi dựng các hoạt động kinh doanh của hộ chủ yếu là vốn tự có. 96,1% hộ điều tra đưa ra câu trả lời, họ sử dụng một số hình thức tự chủ về vốn và 64,5% hộ cho biết vốn tự có là nguồn đầu tư duy nhất.
Dữ liệu từ điều tra còn cho biết, việc tiếp cận tín dụng, đặc biệt là tín dụng chính thức rất khó khăn. Có tới 71% hộ gia đình không có khoản vay nào.Trong một chuyến thực tế mới đây, khi tiếp xúc gia đình chị Lý Thị Tuyết ở tổ 7, ấp 1, xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu, chị cho hay: Hiện gia đình đang vay lãi cao 20 triệu đồng ở ngoài ấp. Mong muốn của chị là trong đợt bán hồ tiêu tới, chị trả được hết nợ và dư tiền để sửa lại chiếc xe máy cũ để tiện đi lại làm ăn.
Cần sự bắc cầu trong tiếp cận vốn
Dù cơ quan quản lý đã có những hỗ trợ nhất định cho người nghèo, các chương trình tín dụng chính sách cũng đã được triển khai rộng khắp, nhưng số vốn được trao đến tay người nghèo chiếm một tỷ lệ thấp so với nhu cầu. Nhiều hộ nông dân rất khó để có thể tiếp cận gần với nguồn vốn vay với lãi suất thấp từ hệ thống các ngân hàng, dẫn đến họ phải tìm đến nguồn tín dụng đen để vay cho đầu tư sản xuất nông nghiệp. Thực tế này đã đẩy hàng triệu hộ nông dân lâm tình cảnh nợ nần chồng chất, bởi vay tín dụng đen, lãi suất quá lớn, trong khi sản xuất nông nghiệp lại đối diện nhiều rủi ro.
Thống kê mới đây của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Văn hóa cho thấy, tại Tây Nguyên, hơn 80% hộ nông dân đang phải nợ với mức nợ trung bình là 40 triệu đồng/ hộ. Nhiều tỉnh miền Bắc số nợ cũng cao ngất ngưởng, như tại Sơn La, 83,9% số hộ dân hàng ngày, hàng giờ phải lo trả nợ vay đầu tư sản xuất nông nghiệp.
Giới chuyên gia cho biết thu nhập của các hộ nông dân Việt Nam không chỉ thấp mà còn ngày càng cách xa so với thu nhập của khu vực thành thị phi nông nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh khẳng định: Hiện khu vực nông nghiệp nông thôn đang “khát” cả vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh và vốn đầu tư cho tiêu dùng của hàng chục triệu hộ gia đình nông dân. Cũng theo TS Ánh, vì nghèo nên thiếu tài sản có giá trị để thế chấp cầm cố vay vốn ngân hàng, phải vay vốn với lãi suất thực tế cao hơn nên khó có thể thoát nghèo, khó có cơ hội nâng cao thu nhập và nông nghiệp Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ, khó có thể tạo ra và thu hút các nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển nông nghiệp nông thôn.
Bên cạnh những chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp và cơ cấu lao động... thì biện pháp trước mắt có thể thực hiện ngay để giải quyết vấn đề vốn cho nông nghiệp nông thôn và nông dân chính là tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khu vực này.
Chung quan điểm này, theo nhiều chuyên gia, cần có sự bắc cầu giữa các nhà tín dụng với các hộ nông dân nghèo. Các tổ chức xã hội chính là người làm cầu nối cho việc tiếp cận đó.